"Độc quyền kinh doanh khiến giá vàng trong nước cao ngất ngưởng"

24/04/2013 08:31
Hoàng Lực
(GDVN) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Nho Bảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) trước nghịch lý giá vàng trong nước cao ngất ngưởng nhưng lượng vàng miếng được NHNN chào thầu đều được bán nhanh chóng.
Tính đến nay đã qua 10 phiên đấu thầu giá vàng liên tiếp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành. Theo thông tin phiên đấu thầu mới nhất diễn ra ngày 23/4, 26.000 lượng vàng miếng tương đương 1 tấn vàng đã được NHNN chào thầu thành công.
Giá trúng thầu cao nhất tại phiên thứ 10 này là 42,12 triệu đồng/lượng (thấp hơn giá vàng SJC ngoài thị trường khoảng 370.000 đồng/lượng) và mức giá thấp nhất là 42,04 triệu đồng/ lượng. Đơn vị mua nhiều nhất 8.000 lượng và ít nhất 800 lượng.
Ông Đinh Nho Bảng Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA)
Ông Đinh Nho Bảng Phó chủ tịch
kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh
doanh vàng Việt Nam (VGTA)
Tuy nhiên theo ghi nhận cho thấy, giá vàng trong nước tiếp tục tăng 100.000 đồng/lượng và cao hơn giá vàng thế giới rất lớn, khoảng 6,2 triệu đồng/lượng. Mức giá niêm yết vàng miếng SJC của doanh nghiệp quanh 41,85-42,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Sự chênh lệch này khiến không ít người đặt dấu hỏi, vì sao giá vàng trong nước quá cao so với thị trường thế giới nhưng gần như các phiên đấu thầu giá vàng luôn diễn ra chóng vánh? Liệu đang có một cơn “khát” vàng miếng trên thị trường vàng trong nước?. Liên quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đinh Nho Bảng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) nhận định: “Nguyên nhân là do nguồn “Cung - Cầu” của thị trường vàng trong nước chưa gặp nhau, nói cách khác nhu cầu vàng miếng của thị trường đang lớn hơn nguồn cung”. Theo ông Bảng, dù trải qua 10 phiên đầu thầu giá vàng với số lượng lên đến 11 tấn vàng nhưng so với nhu cầu vàng miếng của thị trường trong nước thì chưa đủ. Hiện nay nhu cầu vàng miếng không chỉ dừng lại ở khối doanh nghiệp thương mại mà cả người dân vì thế số lượng vàng miếng chào thầu đều được các doanh nghiệp đặt mua. “Nhưng để phân tích cụ thể nhu cầu vàng miếng của doanh nghiệp thương mại và người dân tỉ lệ bao nhiêu là rất khó, nó cũng giống như việc ta ước lượng số lượng vàng dự trữ trong dân”, ông Bảng cho biết. Cũng theo ông Bảng, việc giá vàng trong nước liên tục tăng và cao hơn giá vàng thế giới chứng tỏ giá vàng trong nước và thế giới chưa được liên thông. Và nguyên nhân theo ông Bảng một phần do việc Ngân hàng Nhà nước đang độc quyền trong kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24. So sánh với trước đây ông Bảng cho rằng, trước thời điểm Nghị định 24 trong đó có quy định chặt chẽ kinh doanh vàng miếng ra đời, giá vàng trong nước có cao hơn nhưng không lớn như hiện tại. Để giá vàng trong nước “sát” giá vàng thế giới, theo ông Bảng trước hết cần phải phá bỏ độc quyền kinh doanh vàng miếng. Để các doanh nghiệp tự điều phối “xuất – nhập” vàng theo giá cả của thế giới. Từ đó lượng cung và giá sẽ ổn định đồng thời cũng cần nhiều chính sách quản lý kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, ngoại tệ của Chính phủ.
Theo ông Bảng đầu tư vào vàng là rất mạo hiểm và rủi ro
Theo ông Bảng đầu tư vào vàng là rất mạo hiểm và rủi ro
Đánh giá hướng đầu tư vào thị trường vàng lúc này ông Bảng cho rằng đầu tư vào vàng là rất mạo hiểm và rủi ro vì vàng là một mặt hàng rất nhạy cảm, biến động từng giây, việc dự đoán được xu hướng đi xuống quá nhanh hay tăng mạnh đột ngột của giá vàng là rất khó. Vì vậy người dân phải giữ tâm lý bình tĩnh. “Chính sách của Nhà nước và Chính phủ là chống vàng hóa nền kinh tế, khuyến khích gửi tiết kiệm hoặc đầu tư, không khuyến khích mua vàng, bởi thế cần thận trọng trong các quyết định mua bán vàng”, ông Bảng nhấn mạnh. Việc nhiều người vấn đổ xô đầu tư vàng theo ông Bảng là do trong các kênh: Bất động sản, Chứng khoán, gửi tiết kiệm và Vàng trong khi Bất động sản vấn chưa có tín hiệu hồi phục, chứng khoán thì phập phù, lãi xuất gửi tiết kiệm giảm dần. Hướng đầu tư vào thị trường vàng mới được nhiều người lựa chọn.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Hoàng Lực