Động lực nào giúp bố chồng Tăng Thanh Hà 'tái sinh' Tràng Tiền Plaza?

29/04/2013 14:42
Theo Diễn dàn doanh nghiệp
"Gần 30 năm qua, tôi ấp ủ ước mơ đem lại điều gì đó thật mới mẻ và hấp dẫn cho Thủ đô, làm sống dậy những giá trị tự thân của mảnh đất ngàn năm văn hiến" - Johnathan Hạnh Nguyễn tâm sự.
“Tôi không 'chơi ngông', liều lĩnh hay thiếu suy nghĩ để chi 400 tỷ đồng cải tạo, mời nhà đầu tư quốc tế góp 3.000 tỷ đồng vào Tràng Tiền Plaza. Bởi với tôi, Tràng Tiền Plaza không đơn giản là một trung tâm thương mại mà còn là khát vọng một đời của một người con xa xứ” - Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương khẳng định.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Ông bộc bạch: “Khi bắt tay vào đầu tư một dự án nào, tôi đều nghiên cứu kỹ tính khả thi cũng như khả năng tồn tại và phát triển của dự án. Ngoại trừ những dự án tuy không mang lại lợi nhuận nhưng tôi thấy cần thiết cho quê hương như những dự án trong thời kỳ đất nước còn khó khăn như: dự án xuất khẩu cát trắng Nha Trang, dự án xuất khẩu dây khóa kéo Nha Trang, dự án sản xuất song mây xuất khẩu Nha Trang; tuy không mang lại lợi nhuận như mong muốn, nhưng lại tạo nhiều công ăn việc làm cho gần 10.000 lao động”.- Vậy, động lực nào khiến ông quyết định “tái sinh” Tràng Tiền ?Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Hơn 100 năm thăng trầm, sau nhiều lần thay tên đổi chủ, Tràng Tiền vẫn được xem là biểu tượng thương mại, là trái tim của Thủ đô. Tuy nhiên, nỗ lực cách mấy, đầu tư cách mấy Tràng Tiền cũng chỉ dừng lại là trung tâm bách hóa tổng hợp nhuộm màu phôi pha của thời gian và ký ức mơ hồ của người dân Hà Thành xa xứ. Vì vậy, gần 30 năm qua, tôi ấp ủ ước mơ đem lại điều gì đó thật mới mẻ và hấp dẫn cho Thủ đô, làm sống dậy những giá trị tự thân của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Và giấc mơ ấy chỉ có thể trở thành sự thật khi tôi có cơ hội tham gia đấu thầu dự án cải tạo Tràng Tiền. Với uy tín sẵn có, năng lực tài chính mạnh mẽ, đặc biệt là kinh nghiệm hàng chục năm quản lý, kinh doanh hàng hiệu cùng với mối quan hệ lâu năm với các thương hiệu hàng đầu thế giới, tôi đã trúng thầu và đương nhiên tôi nhanh chóng bắt tay vào thực hiện khát vọng một đời của mình.- Nhưng ở góc độ đầu tư, ý kiến cho rằng mở cửa một trung tâm thương mại đẳng cấp, sang trọng bậc nhất Việt Nam, thế giới hàng hiệu ngay trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu... là “canh bạc” không phải không có lý, thưa ông?Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Trong bối cảnh như hiện nay, các đại gia còn phải “thắt hầu bao” chi tiêu chứ đừng nói gì đến những người lao động bình thường. Nhưng xưa nay tôi kinh doanh đều vận dụng linh hoạt kinh nghiệm sẵn có, kết hợp cùng những thông số khoa học chính xác, cụ thể, chứ không phó mặc cho may rủi. Khi bắt tay vào cải tạo, nâng cấp Tràng Tiền Plaza, chúng tôi đã tiến hành khảo sát nghiên cứu và có cơ sở dữ liệu để giải bài toán về sức mua. Hậu thuẫn lớn nhất tôi có được chính là sự đồng hành và hỗ trợ của hơn 40 thương hiệu quốc tế hàng đầu thế giới. Hiện nay, 95% diện tích của Tràng Tiền đã được lấp đầy, chỉ còn 5% diện tích trống dùng để sử dụng cung cấp dịch vụ sau này.
Tràng Tiền Plaza - trung tâm thương mại mang tính biểu tượng của thủ đô Hà Nội đã chính thức mở cửa hoạt động trở lại từ tháng 4/2013 với một diện mạo mới: sang trọng, hiện đại và kiêu hãnh.
Tràng Tiền Plaza - trung tâm thương mại mang tính biểu tượng của thủ đô Hà Nội đã chính thức mở cửa hoạt động trở lại từ tháng 4/2013 với một diện mạo mới: sang trọng, hiện đại và kiêu hãnh.
Theo dự báo của các chuyên gia, sau thời kỳ tồi tệ, nền kinh tế đang dần phục hồi và sẽ lại vào độ “sung mãn” nhất. Màu hồng của nền kinh tế đồng nghĩa với sức mua sẽ gia tăng trở lại trong thời gian ngắn. Và tôi tin Tràng Tiền Plaza sẽ là nơi người Việt cũng như cộng đồng du khách quốc tế thỏa sức mua sắm và thể hiện sự sành điệu của mình. Sau gần 2 tuần lễ khai trương từ ngày 6/4/2013, theo báo cáo của các cửa hàng của chúng tôi trong Tràng Tiền Plaza, thì doanh số tăng hơn 50% so với các trung tâm thương mại khác mà các cửa hàng chúng tôi có mặt. Như vậy, đây là minh chứng được bước đầu cho sự thành công của Tràng Tiền Plaza về doanh thu.- Bên cạnh tâm huyết với sự phát triển quê hương đất nước, hẳn ông vẫn giấu trong đó nhiều tham vọng?Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Đúng vậy! Bởi theo tôi, tham vọng không có nghĩa là điều gì đó xấu xa. Tham vọng đồng nghĩa với việc cố gắng để đạt được những ước mơ, mục đích mình đã đề ra. Với ý nghĩa đó, tham vọng chính là động lực thúc đẩy tôi không ngừng phấn đấu hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trong hành trình vươn tới những tầm cao. Riêng với Tràng Tiền Plaza, tham vọng của tôi là nỗ lực xây dựng một địa chỉ mua sắm xứng tầm, đẳng cấp dành cho người Việt cũng như du khách quốc tế. Có thể thấy hiện nay, tại các trung tâm thương mại lớn như : Rex, Parkson, Diamond, Vincom… các thương hiệu đẳng cấp hầu như nằm rải rác chứ không tập trung về một mối, vì thế không thể phô hết sự đa dạng, đầy sắc màu của các chủng loại hàng hóa. Điều đó cũng phần nào cho thấy, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có trung tâm thương mại nào chuyên về hàng hiệu đẳng cấp quốc tế theo đúng nghĩa. Trong khi đó, Việt Nam đang trở thành điểm đến của đông đảo khách quốc tế, theo đó nhu cầu mua sắm của du khách sẽ rất lớn. Theo tôi, du khách mua sắm chỉ nhắm vào hàng lưu niệm (giá trị thấp) và hàng hiệu (giá trị cao). Trong khi hàng lưu niệm của Việt Nam còn khá đơn điệu, tẻ nhạt thì hàng hiệu cũng không khá hơn chút nào, vừa thiếu vừa yếu, lại còn gặp vấn nạn hàng nhái, hàng giả. Vì vậy, tôi quyết tâm biến Tràng Tiền thành một trung tâm mua sắm hàng hiệu cao cấp mang tầm vóc quốc tế, một phần cũng nhằm mục đích đa dạng hóa chủng loại hàng hiệu ngay trong nước, để người Việt Nam không phải đi ra nước ngoài mua sắm và khách du lịch quốc tế có thể mua sắm hàng hiệu tại Việt Nam. Giai đoạn đầu mới đi vào vận hành, dĩ nhiên không tránh khỏi không lợi nhuận, thậm chí thua lỗ (nếu có). Tuy nhiên, bản thân tôi luôn vững niềm tin có “nếm mật nằm gai” thì mới gặt hái được hoa thơm quả ngọt. Và chắc chắn hương vị của thành công này sẽ càng đậm đà hơn bởi với quyết định đầu tư vào Tràng Tiền Plaza, tôi đã vượt qua chính những dè dặt, toan tính thua lỗ trên thương trường, để tự tin bước những bước chân vững vàng nhất.- Nhưng Tràng Tiền Plaza được coi là nơi tham quan của nhiều người dân (không có điều kiện mua hàng hiệu). Với những vị khách như vậy, Tràng Tiền Plaza sẽ phục vụ ra sao?Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Diện mạo Tràng Tiền Plaza dù đã đổi thay rất nhiều so với trước nhưng vẫn rất phóng khoáng trong cung cách phục vụ. Tiêu chí hàng đầu của chúng tôi là vẫn giữ Tràng Tiền như một địa chỉ tham quan, giải trí của người dân Hà Nội vào những dịp cuối tuần; nơi thỏa mãn nhu cầu mua sắm của mọi giới, mọi thành phần. Tại đây, từ già đến trẻ, từ đẳng cấp sang trọng đến những người bình dân đều có thể lựa chọn cho mình món hàng phù hợp với túi tiền. Chính vì vậy, mà thời gian đầu khai trương, Tràng Tiền Plaza đã thu hút người dân Hà Nội đưa gia đình đến tham quan để sống lại những kỷ niệm của bách hóa tổng hợp xưa kia và một số lượng khách không nhỏ đến trung tâm dù không để mua sắm cũng đã làm cho tôi thỏa mãn được ước mơ của mình. Tôi được biết, không chỉ người dân Hà Thành mà người dân các địa phương khác cũng đến tham quan, như vậy với tôi là thành công. Bởi, với Tràng Tiền Plaza chúng tôi đã không bớt đi những yếu tố vốn có của nó mà chỉ thêm vào. Thực tế, đối với các trung tâm thương mại lớn kinh doanh hàng hiệu, thì chỉ cần 10% trên tổng số khách đến tham quan và mua sắm là xem như đã thành công rồi. Tuy nhiên, theo thống kê, trong hơn một tuần lễ khai trương vừa qua, lượng khách hàng mua sắm thật sự tại đây đã lên tới trên 15% trong tổng số khách hàng đến tham quan mua sắm.- Chúc mừng ông với những thành công bước đầu của Tràng Tiền Plaza nhưng chắc hẳn chiến lược chinh phục của tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) và của ông không dừng lại ở đây ?Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Gần 30 năm qua, tôi ấp ủ ước mơ đem lại điều gì đó thật mới mẻ và hấp dẫn cho Thủ đô, làm sống dậy những giá trị tự thân của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Quả thật, trong đầu tôi luôn quẩn quanh câu hỏi: “Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đã có một Tràng Tiền Plaza xứng tầm như thế, còn TP.HCM – trung tâm kinh tế của đất nước thì sao?”. Đây là động lực thôi thúc tôi bắt tay hợp tác xây dựng một trung tâm thương mại lớn hơn Tràng Tiền, hội tụ đầy đủ các tinh hoa hàng hiệu đẳng cấp quốc tế tại TP.HCM. Tôi rất vững tin trong tương lai không xa, TP.HCM sẽ có một trung tâm thương mại xứng tầm, trở thành niềm tự hào của thành phố mang tên Bác. Và khi đó, người Việt chúng ta không phải tốn kém chi phí để ra nước ngoài mua sắm hàng hiệu, mà sẽ shopping ngay tại các trung tâm thương mại của đất nước và du khách quốc tế sẽ có thêm một điểm “du lịch shopping” trong danh sách của họ ngoài Singapore, Hong Kong Bangkok, Malaysia...- Xin hỏi ông câu cuối, được biết, Tràng Tiền Plaza không hẳn là của IPP. Vậy “dấu ấn Tràng Tiền Plaza” theo ông gồm những doanh nghiệp nào, những ai?Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Đúng vậy, SCIC và HAPRO là hai cổ đông của công ty cổ phần đầu tư thương mại Tràng Tiền, họ mới chính là những “ông chủ” thật sự của Tràng Tiền Plaza. Đặc biệt, với sự chỉ đạo và theo dõi sát sao của Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội và các sở, ban ngành thành phố trong suốt quá trình thực hiện dự án là rất quan trọng. Mặt khác, cũng phải nhìn nhận rằng tất cả những thay đổi của Tràng Tiền Plaza hôm nay đều mang dáng dấp và dấu ấn của bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng giám đốc IPP từ màu sắc cho đến phong cách bài trí bên trong. Bà là người có gu thẩm mỹ về thời trang và bà đã áp dụng nó rất hiệu quả trong việc thiết kế, bài trí lại Tràng Tiền Plaza sao cho bắt mắt và cuốn hút nhất. Đặc biệt bà đã thể hiện rất tốt vai trò “nhạc trưởng” trong làm mới cũng như vận hành Tràng Tiền Plaza. Từ việc lựa chọn các thương hiệu cho đến chỉ đạo bài trí, chuyển tải các ý tưởng đến nhà thiết kế…, bà đều đảm nhiệm rất tốt.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Theo Diễn dàn doanh nghiệp