Dựng doanh nghiệp dệt tóc triệu đô từ nỗi khổ… hói đầu

11/01/2012 10:21
Ý định dệt tóc cho mái đầu hói đã giúp anh làm nên một đế chế vững mạnh và thành công.
Năm 1976, anh chàng Sy Sperling bất hạnh gần như chết chìm trong đau khổ sau cuộc ly hôn nhiều sóng gió. Ăn uống không hợp lý và suy nghĩ nhiều khiến Sperling bị rụng tóc và trở nên thừa cân dù chưa đầy “băm”. Điều này càng cản trở anh tìm bạn đời mới sau thời gian dài ly dị.
Sy Sperling
Sy Sperling

Ai mà muốn cặp với một gã béo ú và hói đầu? – Sperling đã từng nghĩ thế. Sự tự tin của anh gần như chạm đáy. Thay đổi lối sống để giảm cân thì chắc chắn là anh làm được. Nhưng làm sao để cải thiện mái đầu chỉ còn lơ thơ vài sợi vắt từ bên tai này sang tai kia?

Mà tóc cấy hồi những năm 70 trông không khác gì những dãy hàng rào dựng đứng còn tóc giả thì không thể chấp nhận được. Sau một hồi ngâm cứu, Sperling chợt nảy ra ý định dệt tóc (gài tóc giả lẫn với tóc thật). Gọi là tóc giả nhưng tóc dệt được làm từ tóc thật hoàn toàn và được dán vào phần hói hoặc kẹp dưới các lớp tóc thật để tạo độ dày, độ dài cho tóc.

"Tóc dệt cũng giống như kính áp tròng. Chỉ có điều một thứ thì dùng cho tóc còn thứ kia dùng cho mắt” – Sperling ví von. “Đeo tóc dệt làm tôi lập tức cảm thấy tự do và năng động".

Với sự tự tin mà tóc dệt đem lại cho mình, Sperling đã có thêm nguồn cảm hứng để sáng lập Hair Club for Men (Câu lạc bộ tóc nam). Video quảng cáo đầu tiên của công ty được phát sóng năm 1982. Lúc ấy, ai có thể ngờ rằng Hair Club for Men (giờ được gọi ngắn gọn là Hair Club – câu lạc bộ tóc – vì có cả dịch vụ cho cả trẻ em và phụ nữ) sẽ trở thành công ty triệu đô phục vụ hơn 50.000 khách hàng mỗi năm như ngày nay.
Một quảng cáo vui của Hair Club for Men: Giờ trông chú mày giống Moe hơn là Larry rồi đấy
Một quảng cáo vui của Hair Club for Men: Giờ trông chú mày giống Moe hơn là Larry rồi đấy

Điều ngộ nghĩnh là tất cả các quảng cáo của Hair Club đều có câu cửa miệng bất hủ của Sperling “Tôi không chỉ là chủ tịch của Hair Club mà còn là một khách hàng”. Nhờ khiếu hài hước, sự minh bạch và khách quan của mình, Sperling đã xây dựng được một đế chế vững mạnh, để lại dấu ấn thương hiệu sâu đậm trong văn hóa nhạc pop. Không những thế, Sperling và công ty Hair Club còn là tấm gương sáng cho nhiều doanh nghiệp noi theo.  

Vượt qua những trở ngại thị trường

"Một người nhìn ra được nhu cầu của thị trường và có khả năng để cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ độc đáo đáp ứng nhu cầu đó là người có xuất phát điểm rất tốt” – Sperling nhận định. “Người đó chỉ phải tạm thời chấp nhận mình là một chấm vô danh trên màn hình và lì lợm đẩy doanh nghiệp đi lên”.

Lời khuyên của Sperling cho những doanh nghiệp cảm thấy nhụt chí vì đã có đối thủ cạnh tranh lớn hơn: “Hãy nhìn xem họ làm ăn thế nào. Từ đó xác định những điểm bạn có thể làm tốt hơn và lấy đó làm căn cứ để tạo dựng doanh nghiệp. Các công ty lớn có thể làm ra một ngành nhưng họ cũng rất khao khát có sự cạnh tranh”. Những giải pháp sẵn có trên thị trường luôn còn kẽ hở để cải thiện.

Hiểu khách hàng

Có thể khó tin nhưng 95% lượng khách hàng mà Hair Club for Men có được lại là nhờ những quảng cáo khá tẻ nhạt và “vô duyên” của mình. Mà điều lạ nữa là những khách hàng này tỏ ra cực kỳ trung thành. “Tôi biết sản phẩm đem lại cảm giác gì cho mình và tôi biết mọi người cũng muốn có được cảm giác ấy” – Sperling chia sẻ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần. Một phần khác cũng hết sức quan trọng là Sperling đã dành thời gian tìm hiểu khách hàng của mình và đáp ứng nhu cầu của họ.

Chính vì hiểu khách hàng nên Hair Club for Men đã chuyển từ khu bán lẻ sầm uất sang một khu văn phòng kín đáo hơn với biển hiệu ghi đúng ba chữ viết tắt của tên công ty “HCM”. Tại sao lại thế? “Dịch vụ của chúng tôi khá là tế nhị và mang tính cá nhân nên công ty chúng tôi cũng phải chỉnh đốn để tôn trọng điều đó” – Sperling giải thích.
Trụ sở chính của công ty Hair Club
Trụ sở chính của công ty Hair Club

Khi đã hiểu khách hàng, bạn có thể dựa vào cái sự ‘hiểu” ấy để phát triển doanh nghiệp – ngay cả khi sản phẩm, dịch vụ của bạn tế nhị đến mức khách hàng của bạn cũng không muốn chia sẻ với bạn bè của họ. “Tôi tạo dựng doanh nghiệp vì khách hàng. Tôi lắng nghe xem họ muốn gì. Đổi lại, họ trở thành khách hàng trung thành của tôi”.

Người thật việc thật

Dùng người thật việc thật làm cơ sở kinh doanh chính là chìa khóa thành công của Hair Club for Men. "Chúng tôi sử dụng những câu chuyện có thật trong mọi chương trình marketing và quảng cáo của mình” – Sperling bật mí. “Công ty tăng trưởng vượt bậc vì mọi người thấy họ cũng giống như những nhân chứng sống trong quảng cáo của chúng tôi".

Ngoài ra, khiếu hài hước cũng có tác dụng ít nhiều. Sperling không chỉ hiện diện trong các chương trình hài cuối tuần Saturday Night Live mà còn góp mặt trong vô số các chương trình khác như Late Night của Conan O'Brien, The Tonight Show của Jay Leno và Late show của David Letterman.

Năm 2000, Sperling bán Hair Club cho một công ty tư nhân với giá hơn 40 triệu USD nhưng vẫn tham gia trong ban quản trị với tư cách là cố vấn. Năm năm sau, công ty tỷ đô Regis Corporation, đồng thời cũng là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành chăm sóc tóc, mua lại Hair Club với giá 210 triệu USD.

"Suốt 30 năm qua, tôi luôn đặt niềm tin vào sản phẩm của Hair Club. Niềm tin ấy đã giúp tôi đi đúng hướng. Giờ đây, tôi không là chủ tịch của công ty nhưng tôi vẫn là một khách hàng” – Sperling nói.

Theo TTVN