Giải mã mâu thuẫn hàng bình ổn giá đắt hơn thị trường

16/11/2011 07:06
Cơ chế quản lý giá hàng bình ổn không cho phép doanh nghiệp tự tiện thay đổi giá và bán theo giá tự điều chỉnh, kể cả khi giá thị trường lên...
Hàng hóa thiết yếu trong diện được trợ cấp vốn ngân sách của thành phố để bán mức giá ổn định lại đắt hơn so với bên ngoài đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Nhưng ngoại trừ yếu tố chủ động tăng giá từ DN kinh doanh cá biệt, hàng bình ổn giá vẫn có cái lý riêng.

Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho rằng, ngay từ trong nguyên tắc bình ổn giá đã quy định, giá bán hàng bình ổn luôn đảm bảo thấp hơn giá thị trường 10% khi có biến động về giá trên thị trường. Còn trong điều kiện bình thường, giá hàng bình ổn luôn bằng hoặc thấp hơn giá thị trường.

Cơ chế quản lý giá hàng bình ổn không cho phép doanh nghiệp tự tiện thay đổi giá và bán theo giá tự điều chỉnh. Kể cả khi giá thị trường lên, doanh nghiệp bình ổn giá muốn tăng cũng bắt buộc phải có hồ sơ giải trình gửi cho Sở Tài chính thẩm định. Khi được cơ quan chức năng chấp thuận, doanh nghiệp mới được điều chỉnh theo giá mới.

Trước thông tin nhiều phát hiện cho thấy hàng bình ổn đắt hơn thị trường bên ngoài, ông Đồng cho rằng, ngoại trừ những sai phạm chủ quan từ doanh nghiệp, về khách quan cũng phải xét đến nhiều góc độ khác.
Từ nay đến ngày 30 Tết, Hà Nội sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát thị trường
Từ nay đến ngày 30 Tết, Hà Nội sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát thị trường
Thứ nhất, khi so sánh giá giữa hai mặt hàng, người tiêu dùng cần đặt trong mối tương đồng về tiêu chuẩn, xuất xứ, quy trình kỹ thuật, mẫu mã, phẩm chất, số lượng. Ở đây có trường hợp cùng một xuất xứ nhưng được giữa một nơi đã được sơ chế, bao gói như mặt hàng rau tại siêu thị và chợ dân sinh hoặc phương thức lưu thông, bán sỉ, bán lẻ khác nhau thì việc so sánh giá chỉ ở mức tương đối.

"Có người thắc mắc tại sao không tổ chức đem hàng bình ổn giá ra chợ bán? - Thì có phải lúc nào cũng đem ra chợ bán được đâu, giao cho ai quản lý, ai là người bán?", vị giám đốc Sở đặt vấn đề. Ông thừa nhận, đấy là cái khó cũng là mặt hạn chế của chương trình bình ổn giá khi hầu hết phải giao cho các doanh nghiệp lớn tham gia, bán hàng chủ yếu trong siêu thị.

Việc đưa hàng bình ổn giá ra chợ có mặt được là linh hoạt, sát giá nhưng về phía cơ quan chức năng, rất khó quản lý vốn giải ngân cũng như khó thu hồi được vốn vay đã giao cho các tiểu thương, dẫn đến mất vốn ngân sách.

Trong khi đó, giao vốn vay không lãi suất cho các doanh nghiệp lớn, có hệ thống phân phối, cơ sở hạ tầng tốt và kinh doanh hiệu quả thì bên cạnh mặt được là yên tâm trong quản lý thì mặt hạn chế là việc điều chỉnh giá hàng hóa thường mất thời gian hơn vì phải qua phê duyệt, thẩm định, đồng ý của các cấp.

"Một mặt hàng muốn điều chỉnh tăng giá, thì ít nhất cũng phải thông qua trưởng quầy, giám đốc siêu thị. Thời gian cho các công đoạn như vậy thì thị trường bên ngoài đã xuống đến hai lần rồi - ông Đồng nói.

Trước câu hỏi của phóng viên về vấn đề lợi nhuận của khâu trung gian - thương mại quá lớn, "ăn" hết của người sản xuất mà trường hợp giá rau xanh từ nơi sản xuất bán 2.000 đồng, thì đến tay người tiêu dùng phải lên tới 10.000 đồng, vị lãnh đạo Sở cho hay, nếu giá quá bất hợp lý thì phải xem lại nguyên do của vấn đề như tại đầu cơ tích trữ hay do thị hiếu của khách hàng khiến giá cả đội lên.

Nhìn nước văn minh phát triển như Mỹ, chi phí từ đầu nguồn sản xuất đến phân phối bán lẻ cũng tăng giá hơn 30%. Đấy là mức độ tăng trong ngưỡng cho phép của các khâu trung gian. Ở ta, con số này chắc chắn phải cao trên 30%.

Để công tác thương mại đi vào chất lượng, trật tự và hiệu quả, từ nay đến ngày 30 Tết, Hà Nội sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát thị trường, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh và các kho chứa hàng, ở các khía cạnh như số lượng, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự...

Để sẵn sàng phục vụ Tết năm 2012 và ổn định giá cả thị trường, thành phố Hà Nội giao cho 15 doanh nghiệp tham gia chương trình BOG với tổng giá trị tiền hàng là 475 tỷ đồng, lãi suất 0% trong thời gian từ nay đến hết 30/4/2012.

Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp đã tập trung khai thác, dự trữ và tổ chức bán ra trên thị trường 9 nhóm hàng thiết yếu từ gạo; thịt lợn; thịt gà - vịt; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; thủy hải sản đông lạnh; rau củ đến dầu ăn; đường kính.

Ngoài, bằng nguồn vốn tự có, 15 doanh nghiệp tham gia chương trình còn dự trữ số lượng hàng hóa gấp đôi so với số lượng hàng hóa được giao. Tổ chức kinh doanh, bán hàng BOG tại 653 điểm trên địa bàn.
Theo vef.vn