Hàng mã rằm tháng 7: Nhà phải có "sổ đỏ", SH phải "phun xăng điện tử"

29/08/2012 14:18
Hoàng Lâm
(GDVN) - “Nhà lầu, xe hơi đang là “mốt” của người dân. Có người còn yêu cầu làm cả… sổ đỏ cho căn hộ mà họ mua để người đã khuất ở “dưới kia” khỏi phải “tranh chấp, kiện tụng”, anh Long - chủ một sạp hàng trên phố Hàng Mã cho biết.

Đua sắm tiện nghi hạng nhất cho… người âm
Rằm tháng Bảy hay còn gọi là ngày xá tội vong nhân, lễ Vu Lan... theo tín ngưỡng dân gian là dịp quan trọng nhất trong năm để các con cháu tỏ lòng thành với tổ tiên cùng những người đã khuất. Với quan niệm "trần sao âm vậy", dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng mua sắm đồ hàng mã là các vật dụng phục vụ cuộc sống tiện nghi nhất, với mong muốn ở cõi âm cũng sung túc, đủ đầy.

Xuất phát từ nhu cầu này, hằng năm đến rằm tháng 7 âm lịch, những con đường chuyên bán đồ hàng mã nổi tiếng Hà Nội như phố Hàng Mã, Lương Văn Can… lại nhộp nhịp vào mùa.
Trần sao âm vậy, người đã khuất cũng có "nhu cầu" dùng điện thoại thời thượng...
Trần sao âm vậy, người đã khuất cũng có "nhu cầu"  dùng điện thoại thời thượng...
Nếu trước kia, hàng mã chỉ đơn giản là mũ áo, ngựa xe... thì ngày nay phải là biệt thự, chung cư cao cấp, siêu xe đắt tiền, điện thoại đời mới, máy tính bảng, iPhone, iPad… thậm chí cả những cây xăng để các cụ khỏi “lạc hậu”. Trong thời bão giá, khi mọi gia đình đều phải thắt chặt chi tiêu, những người làm hàng mã rất biết cách để “hút khách” với những món đồ công nghệ cao và "khách đặt hàng gì cũng chiều". 
Nhiều tiền thì mua nhà 7 tầng, ít tiền thì mua nhà 2 tầng. Nhà giàu thì mua xe SH, xe hơi, người ít tiền thì mua xe đạp, xe máy rẻ tiền cho người đã khuất. Tuy nhiên, một số gia đình dù khó khăn cũng “cắn răng” chi tiền để có một ngày đại lễ Vu Lan thật tươm tất, tỏ lòng thành kính với bậc tiên tổ đã khuất với các món đồ như: iPhone, iPad hay xe hơi, nhà lầu.
“Một năm mới có một ngày, phận làm con, làm cháu làm sao có thể để các cụ “sống” thiếu thốn ở… dưới ấy được. Không đủ điều kiện mua nhà cả chục tầng như nhiều nhà khác, tôi chỉ mua được một chiếc xe… SH với một “căn hộ” 2 tầng này thôi”, chị Huệ - nhà ở đường Lạc Long Quân, đang chọn đồ ở phố Hàng Mã, cho biết.

Trần sành điệu, "âm" cũng phải sành điệu
Theo khảo sát của phóng viên, phố Hàng Mã năm nay tràn ngập các loại ô tô siêu sang, nhà biệt thự có kèm cả… “sổ đỏ”. Những loại đồ mã truyền thống như quần áo giấy thường chỉ có giá 50.000 đồng/bộ không còn được ưa chuộn. Thay vào đó là áo sơ mi, guốc cao gót, váy áo thời trang “hàng hiệu” nổi tiếng thế giới có giá từ 150.000 – 300.000 đồng/bộ. 
Người dân đi mua "biệt thự" cho người đã khuất
Người dân đi mua "biệt thự"  cho người đã khuất

Các loại đồ dùng “thường ngày” cho người đã khuất như: Tivi, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, xe máy SH có “phun xăng điện tử”, iPhone … 5G, máy tính bảng iPad, Galaxy Tab giá từ 150.000 – 300.000 đồng/ bộ, biệt thự giá 300.000 – 500.000 đồng/căn tùy độ cầu kì.
“Nhà lầu, xe hơi đang là “mốt” của người dân. Nhiều người sẵn sàng chi cả bạc triệu để mua đủ bộ cho người đã khuất. Có người còn yêu cầu làm cả… sổ đỏ cho căn hộ mà họ mua để người đã khuất ở “dưới kia” khỏi phải “tranh chấp, kiện tụng” nếu có gửi nhầm địa chỉ”, anh Long, chủ một sạp hàng mã trên phố Hàng Mã cho biết.
Xe máy SH là một trong những món hàng mã đang được người dân Hà Nội mua nhiều năm nay
Xe máy SH là một trong những món hàng mã đang được người dân Hà Nội mua nhiều năm nay

Trong cơn bão đô thị hóa, dường như quan niệm của người dân cũng thay đổi rất nhanh. Bằng chứng là những thứ đồ lễ truyền thống như quần áo, giày dép, mũ nón, ngựa xe đang dần biến mất để thay vào đó là những bộ đồ trang sức, quần áo thời trang “cao cấp”, ô tô, xe máy SH, biệt thự...
“Nhìn cách mua hàng mã, dễ đoán ngay người có tiền hay không. Những người nhà giàu sẵn sàng chi khá bạo tay. Nắm bắt nhu cầu này, các cửa hàng ở Hàng Mã cũng nhập ít dần những đồ mã truyền thống do bán chậm mà lãi chẳng được bao nhiêu. Điều này cũng  khiến không ít người do túi tiền eo hẹp phải đắn đo mãi để tìm mua đồ vừa ý”, chị Nguyễn Thị Hoa, bán hàng mã ở phố Lương Văn Can chia sẻ.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hoàng Lâm