Kêu lỗ nhưng báo lãi "khủng", Petrolimex có quyền nói dối?

22/07/2011 04:21
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, thay đổi doanh thu 100% như Petrolimex có thể dùng mẹo kế toán, mẹo về nghiệp vụ nhằm tạo ra bức tranh lãi suất đẹp.

(GDVN) - Liên tục kêu lỗ kể cả khi giá xăng dầu trên thế giới giảm mạnh nhưng nay Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại công bố con số lãi “khủng” trước thời điểm chuyển sang cổ phần khiến cho nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, người dân bức xúc vì doanh nghiệp “đánh lừa”.

>> Những con số không rõ ràng nhìn từ cổ phiếu Petrolimex

Phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong – Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế - Viện nghiên cứu phát triển Xã hội -  Kinh tế, Hà Nội xung quanh những con số được công bố trong báo cáo tài chính của Petrolimex.

Petrolimex có quyền nói dối vì độc quyền?

TS Nguyễn Minh Phong
TS Nguyễn Minh Phong.
Tiến sĩ Phong cho rằng, hiện ở Việt Nam, Petrolimex có vai trò rất lớn trong cuộc sống. Cộng với một cơ chế quản lý giá đặc thù, độc quyền là chủ yếu nên giá xăng dầu được đánh giá khá nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của nước ta cũng như đời sống người dân.

Nhà nước vẫn chưa tách rời giữa mục đích kinh doanh và mục đích chính trị của Petrolimex. Nhiệm vụ hiện nay của Petrolimex là chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn xăng dầu, an ninh năng lượng…
Mặt khác, các con số, chỉ số mà Petrolimex đưa ra trong báo cáo tài chính chưa được kiểm toán, vì vậy người dân và nhiều người búc xúc là hoàn toàn có cơ sở.

Về phía mình, TS Phong nhận định: Petrolimex bỗng dưng báo lãi khủng có thể vì Petrolimex sắp bán cổ phiếu. Khi lên sàn, một doanh nghiệp không thể báo cáo là kinh doanh lỗ lớn, không ai muốn bán cổ phiếu của mình mà lại kêu thua lỗ. Nếu bán cổ phiếu mà kêu lỗ, ai dám mạnh dạn mua “nợ” nên Petrolimex cần tạo ra bộ mặt đẹp để “chào hàng” trước khi chính thức lên sàn.

TS Phong nhận định, việc thay đổi doanh thu 100% như vậy có thể Petrolimex dùng mẹo kế toán, mẹo về nghiệp vụ khác tạo ra bức tranh lãi suất đẹp. Nếu đúng như nhận xét, vẫn có thể thông cảm với họ vì về mặt làm ăn, kinh tế.

Nếu lãi thực, khó phạt được Petrolimex?


Vấn đề là cùng một lúc Petrolimex vừa kêu lãi, vừa kêu lỗ. Trước đây, theo báo cáo 3 năm từ 2008 đến hết 2010, Petrolimex kêu lỗ, câu hỏi đặt ra là nếu Petrolimex lãi thật, có thể truy lại những khoản lãi “khủng” đó. Nếu đúng lỗ thì chuyện công bố lãi là nói dối. Đúng lỗ,  Petrolimex vẫn là người nói dối. Nếu như logic này, ở đây không chỉ Petrolimex nói dối, có lỗi mà ngay cả cơ chế quản lý cũng có lỗi trong vấn đề lỗ hay lãi của doanh nghiệp này.
Để làm rõ vấn đề này, việc cần làm là kiểm toán của bên chứng khoán nhưng hiện nay chứng khoán vẫn chưa bắt buộc phải kiểm toán mà chỉ phải báo cáo tài chính công khai nên rất khó.

Vấn đề họ báo lãi, Nhà nước nên xem xét lại xem lãi đó là đúng hay sai. Nếu lãi đúng, Petrolimex cần phải hạ giá xăng dầu để người dân đỡ khổ, có thể bình ổn thị trường hơn.
Petrolimex chỉ mang tội nói dối nên khó xử phạt
Theo TS Phong, có thể Petrolimex nói dối nên khó xử phạt.
Tuy nhiên, trong trường hợp kiểm toán thực sự là lỗ, vẫn chưa có chế tài phạt tội nói dối với Petrolimex. Nếu kiểm toán lỗ thực, người mua cổ phiếu phải chịu. Việc mua cổ phiếu Petrolimex hay không do người mua tự nguyện xem xét. Nếu cảm thấy là lãi thật người mua sẽ mua nhiều, lãi ít mua ít. Điều này do thị trường quy định.

Thực tế từ năm 2008, Petrolimex kêu lỗ lớn và được Nhà nước hứa hỗ trợ bù lỗ nhưng trên thực tế Petrolimex vẫn chưa nhận tiền bù lỗ của Nhà nước. Chính vì vậy, khi kiểm toán đúng Petrolimex lãi thực, doanh nghiệp này sẽ không được nhận tiền bù lỗ của Nhà nước nữa. Họ chỉ mắc tội nói dối và pháp luật vẫn chưa quy kết tội nói dối, chưa ai phạt nói dối.

“Petrolimex sẽ cân nhắc giữa việc chọn báo cáo lỗ thực hay lãi thực. Nhưng nếu trên thực tế, tôi sẽ đánh giá Petrolimex sẽ chọn giải pháp báo lãi. Nếu tính về lâu dài việc bán cổ phiếu quan trọng hơn là việc báo lỗ để nhận tiền bù lỗ từ Nhà nước”, ông Phong nhấn mạnh.

Ở nước ngoài, giá xăng dầu tự do theo thị trường, cạnh tranh tự do vì có nhiều công ty cung cấp. Họ công bố giá của nhau để người tiêu dùng tự chọn việc mua bán nhưng ở nước ta, người tiêu dùng vẫn bị “ép” vì chỉ có Petrolimex là doanh nghiệp cung cấp duy nhất, người dân không có lựa chọn khác. Trong khi đó, hàng ngày người dân vẫn phải chi thêm tiền để lập quỹ bình ổn giá.

Về phương diện cá nhân, ông Phong cho rằng: Việc thành lập quỹ bình ổn giá của Bộ Tài chính gây nhiều tranh cãi khác nhau. Thực tế, quỹ bình ổn giá có thể tăng thêm lạm dụng quỹ. Việc tăng quỹ hay giảm quỹ là do hành chính của quỹ làm chứ không phải do người dân.  Việc chi tiêu trong quỹ bình ổn giá rất tù mù, dễ dùng kế toán làm sai. Nếu báo cáo sai sẽ làm sai ngay từ đầu.

Phương Thúy

>> Lãi hàng nghìn tỷ, vì sao Petrolimex vẫn nhận tiền bù lỗ của Nhà nước?

>> Petrolimex lãi hàng nghìn tỷ vẫn kêu lỗ
Kêu lỗ nhưng báo lãi "khủng", Petrolimex có quyền nói dối? ảnh 3