Chùm bài: "Góc tối của người khổng lồ Starbucks"

Kỳ 2: Starbucks sẽ mang vào Việt Nam cà phê từ Trung Quốc?

02/02/2013 07:55
Cường Nguyễn
(GDVN) - Nếu Starbucks vào Việt Nam thì ai sẽ có lợi, ai sẽ vui mừng? Tỉnh Vân Nam Trung Quốc hay Tây Nguyên của Việt Nam? Starbucks sẽ giúp tăng tiêu thụ nội địa, tạo đầu ra cho nông dân trồng cà phê Việt Nam? Hay Starbucks vào rồi chúng ta sẽ uống cà phê “made in China” ngay tại nơi đang là vựa cà phê của thế giới? Loạt bài về “Góc tối của Starbucks” độc quyền tại báo Giáo dục Việt Nam sẽ giúp độc giả cũng như người tiêu dùng Việt có cái nhìn đa chiều về “người khổng lồ” cà phê Mỹ Starbucks.
Vừa qua, thông tin về một chuỗi cà phê Starbucks ngoại quốc vào Việt Nam được dư luận rất quan tâm. Trong số đó, một ít người vui mừng khi nghĩ rằng Starbucks sẽ giúp tăng tiêu thụ nội địa, tạo đầu ra cho nông dân trồng cà phê Việt Nam. Nhưng sự thực liệu có phải như vậy không?
Trong bài phân tích của tác giả Cường Nguyễn có nêu rõ: Khi Starbucks vào Việt Nam, với 540,000 hộ nông dân; 1,6 triệu lao động ở vùng sâu, vùng xa, nhất là ở Tây Nguyên thì công sức bỏ ra nhiều nhưng đang bị đầu nậu chèn ép. Nay biết thêm rằng, ở đâu đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ đưa lên miệng loại cà phê xuất xứ từ Trung Quốc ngay chính tại mảnh đất đang là nơi cung ứng cà phê số 1 thế giới. Nếu chúng ta không có hành động gì, thì đây là giấc mơ buồn nhưng có thực, không chỉ với người nông dân Việt Nam mà còn với tất cả những ai đã nhìn thấy được bản chất của vấn đề.


Kỳ 1: "Góc tối" của Starbucks bị phát hiện từ khi nào?

Nước mắt vàng đen

Năm 2006, bộ phim “Vàng Đen” của đạo diễn Mark Francis và Nick Francis được công chiếu. Từ “vàng đen” được sử dụng để ám chỉ cà phê không chỉ vì màu sắc đen của nó, mà còn vì giá trị của ngành cà phê toàn cầu mỗi năm lên đến 100 tỷ USD. Bộ phim đã tạo ra một cú hích lớn trong nhận thức của cộng đồng người tiêu dùng cà phê đối với nông dân.

Với các công ty đa quốc gia thì bộ phim này là đã chỉ ra được sự vô tâm của họ khi dùng sức mạnh tài chính của mình chèn ép giá mua cà phê từ người nông dân.
Phụ nữ Ethiopia đang sàng lọc cà phê (Ảnh: backgoldmovie)
Phụ nữ Ethiopia đang sàng lọc cà phê (Ảnh: backgoldmovie)
Bộ phim bắt đầu với dòng chữ trắng lớn dần trên màn hình đen: “Với một tách cà phê 3 đô la, nông dân kiếm được chỉ ba xu”

Tiếp ngay sau đó là cảnh cư dân các thành phố phương Tây đang nhấm nháp Starbucks, đọc báo và dùng bánh ngọt, đan xen là hình ảnh của các nông dân khắc khổ ở Ethiopia đang hái quả bằng các công cụ thu hoạch lỗi thời trong ánh nắng như rang.
“Người lao động trong ngành công nghiệp này kiếm được tiền lương ít hơn một đô la mỗi ngày, và ước tính có khoảng 75 triệu người trên toàn thế giới đang kiếm sống bằng nghề trồng cà phê…  Trong năm 2006, họ chỉ kiếm được ít hơn 50 cent mỗi ngày. Đối với những người lao động và gia đình họ, có đủ thực phẩm, giày dép, nước sạch, và trường học cho con cái là điều xa xỉ” - Ted Ketchum, biên tập viên của Tạp chí GreenMoney viết. Ketchum nói thêm rằng hầu hết lợi nhuận từ cây cà phê trồng ở Ethiopia, đều đi đến bốn công ty đa quốc gia đang kiểm soát thị trường: Kraft Foods, Nestle, Proctor & Gamble và Sara Lee.
Danh sách các nhà rang xay đang chi phối ngành ccà phê thế giới năm 2010 (Nguồn: ICO)
Danh sách các nhà rang xay đang chi phối ngành ccà phê thế giới năm 2010 (Nguồn: ICO)
Nói đến ngành cà phê Việt Nam, dường như ai cũng biết rằng nước ta đã đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu cà phê Robusta. Năm 1997, Việt Nam mới vào danh sách bốn nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, sau Brazil, Colombia, và Mexico thì năm 2012, tức chỉ sau có 15 năm, Việt Nam đã vượt lên dẫn đầu thế giới. Mặc dù vậy, thực tế là các doanh nghiệp cà phê Việt Nam và nông dân trồng cà phê đang phải đối diện với vô vàn khó khăn. Có nhiều lý do, một phần vì yếu tố nội tại, nhưng phần nguy hiểm nhất lại từ chính các doanh nghiệp (DN) có mác “ngoại quốc”: các doanh nghiệp FDI. Lợi dụng kẽ hở trong luật pháp, các DN nước ngoài đã mọc lên như nấm và đang dần chi phối nguồn nguyên liệu cà phê của nước nhà.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở KHĐT Đăk Lăk cho hay: “Theo Nghị định 23/2007 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại quy định: DN có vốn đầu tư nước ngoài không được tổ chức mạng lưới mua hàng trực tiếp đến người sản xuất mà chỉ được mua hàng của thương nhân có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền phân phối hàng hóa xuất khẩu.... Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư thì không cấm hành động này”. Năm 1996, Đăk Lăk, thủ phủ cà phê VN, lần đầu tiên chứng kiến sự xuất hiện của một DN FDI, với giấy phép hoạt động do Bộ KHĐT cấp. Đó là Công ty Chế biến cà phê Man - Buôn Ma Thuột (Dakman). Đến nay đã có thêm gần chục doanh nghiệp FDI khác.  Cùng với sự gia tăng về số lượng, các DN FDI cũng gia tăng chiếm lĩnh thị trường. Từ chỗ chiếm lĩnh 50% thị phần thu mua cà phê của Đăk Lăk vào năm 2011, bước sang 6 tháng đầu năm nay, các DN FDI đã tăng thị phần thu mua cà phê lên 60%. Khi sức mạnh và số lượng DN FDI nước ngoài càng nhiều thì các DN Việt Nam càng teo tóp và biến mất khỏi bản đồ ngành cà phê. Cụ thể là trong 153 DN tham gia xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện nay, chỉ có 20 DN kinh doanh ổn định, xuất khẩu được lượng hàng tương đối lớn, còn phần lớn chỉ hoạt động cầm chừng, manh mún, với quy mô nhỏ lẻ. DN FDI có nguồn tài chính mạnh, lãi suất vay thấp, chỉ 5%. Trong khi đó các DN Việt Nam nếu vay ngoại tệ chịu 9%, còn vay tiền Việt Nam có thể lên đến 22%. Mà chưa kể là chính sách siết chặt tiền tệ khiến việc tiếp cận vốn của các DN Việt Nam rất khó khăn. Với bà con nông dân thì sự xuất hiện của các DN FDI có thể giúp họ “hạnh phúc trong ngắn hạn”, tức là nông dân hưởng lợi từ sự cạnh tranh giữa các DN nội địa và nước ngoài. Tuy nhiên, đây lại chính là “nước mắt trong dài hạn” của người nông dân, vì sau khi các DN FDI “làm gỏi” các DN trong nước thì chính các DN FDI này sẽ quay lại chèn ép giá với người nông dân. Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa): “Điều này diễn ra khắp nơi trên thế giới, khi đối tác chiếm lĩnh được thị trường, họ sẽ chi phối lại thị trường, khi đó người nông dân sẽ rủi ro và quay trở lại sẽ không quay trở lại được nữa. Rủi ro là khi chiếm lĩnh được thị trường người ta sẽ ép giá. Từ đầu năm ngoái, họ đã nói giá cà phê Việt Nam sẽ xuống 1500 USD/tấn”. Cần biết là giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã giảm mạnh, chỉ còn hơn 39,2 triệu đồng/tấn. Với giá hơn 39 triệu đồng/tấn hiện nay, nhiều hộ trồng cà phê cho biết họ chỉ hòa vốn, không có lãi. Vì thế, với giá 1500 USD/tấn (tức khoảng 30 triệu) thì nông dân của ta càng làm càng lỗ, càng làm thì ta chỉ làm giàu cho đầu nậu và các tay buôn ngoại quốc mà thôi.Cà phê từ Vân Nam, Trung Quốc Vân Nam, một tỉnh ở phía Tây Nam của Trung Quốc, giáp biên giới với Việt Nam. Vân Nam có dân số hơn 44 triệu người, diện tích 394.100 km². Thủ phủ của tỉnh này là thành phố Côn Minh. Vân Nam là nơi bắt nguồn của sông Hồng và sông Đà, sông Mê Kông cũng chảy qua Vân Nam. Vân Nam có nhiều vùng phong cảnh đẹp, các tập quán dân tộc đa dạng và khí hậu dễ chịu. Mới nghe qua, có thể bạn đang nghĩ Vân Nam là một khu vực lý tưởng cho các dịch vụ du lịch. Có thể đúng. Nhưng quan trọng hơn, nơi này chính là “thủ phủ cà phê của Trung Quốc”. Tại đây sản xuất ra 98% sản lượng cà phê “made in China”. Gần 100% café trồng và thu hoạch là Arabica. Trước đó, người ta đã thử trồng các loại khác như Robusta, Liberica, Excelsa nhưng đều thất bại.  Theo Quy hoạch phát triển ngành cà phê Việt Nam thì đến năm 2020, tổng diện tích trồng cà phê nước ta đạt 500,000 hecta, sản lượng cà phê nhân đạt 1,1 triệu tấn.
Starbucks và tập đoàn Ai Ni Group ký thỏa thuận hợp tác với mục tiêu đưa café Vân Nam ra thế giới. (Ảnh: Business Wire)
Starbucks và tập đoàn Ai Ni Group ký thỏa thuận hợp tác với mục tiêu đưa café Vân Nam ra thế giới. (Ảnh: Business Wire)
>> "Cuộc chiến" giữa Starbucks và Trung Nguyên Định hướng đến năm 2030, diện tích trồng cà phê cả nước giảm còn 479,000 hecta, sản lượng gần như không thay đổi so với năm 2020. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Vân Nam Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch toàn diện nhằm phát triển ngành cà phê thành sức mạnh chiến lược của tỉnh này (đồng nghĩa với chiến lược của cả ngành café Trung Quốc), đặt ra mục tiêu đến năm 2020 đạt sản lượng tăng gấp 4 lần hiện nay, đạt mức 200.000 tấn/năm. Trong năm 2011, Vân Nam đã xuất khẩu khoảng 50.000 tấn cà phê. Một lưu ý quan trọng là sự phát triển này của Vân Nam đã có sự tham gia của Starbucks. Với Starbucks, nguyên tắc lý tưởng của họ là kiểm soát hoàn toàn chuỗi giá trị, từ vùng nguyên liệu đến rang xay, đóng gói và phục vụ ngay tại quán. Vì thế, sau nhiều năm thăm dò hợp tác, vào tháng 2/2012, Starbucks đã ký văn bản chính thức thành lập liên doanh với công ty trồng và chế biến cà phê Trung Quốc Ai Ni Group để thu mua và chế biến cà phê tại Vân Nam. Starbucks sẽ kiểm soát hoạt động của liên doanh này.
Bà Wang Jingying, Chủ tịch Starbucks Trung Quốc phát biểu rằng: “Thông qua việc hợp tác với Tập đoàn Ai Ni (Ai Ni Group), Starbucks thể hiện quyết tâm hỗ trợ hệ thống quán Starbucks tại Trung Quốc, giúp nâng cao chất lượng cà phê và đưa cà phê Vân Nam đến với các thị trường khác trên thế giới".

Người tiêu dùng Việt có biết rằng: Khi uống Starbucks là bạn đang đưa lên miệng thứ café xuất xứ từ Trung Quốc ngay chính tại mảnh đất đang là nơi cung ứng café số 1 thế giới.
Người tiêu dùng Việt có biết rằng: Khi uống Starbucks là bạn đang đưa lên miệng thứ café xuất xứ từ Trung Quốc ngay chính tại mảnh đất đang là nơi cung ứng café số 1 thế giới.


Đầu năm 2009, Starbucks đã cho ra đời sản phẩm “South of the Clouds Blend” dùng arabica từ Vân Nam. Loại cà phê này hiện đang được bán tại nhiều địa điểm trên khắp châu Á và Hoa Kỳ.

Như vậy, với tham vọng của ngành cà phê Trung Quốc và liên minh chặt chẽ với Starbucks Hoa Kỳ, ngành cà phê của nước ta sẽ có thêm đối thủ, không đâu xa xôi, mà ngay sát biên giới Việt - Trung.

Từ những sự việc trên cần nhìn thấy rằng: Nếu Starbucks vào Việt Nam thì ai sẽ có lợi, ai sẽ vui mừng? Tỉnh Vân Nam Trung Quốc hay Tây Nguyên của Việt Nam? Starbucks sẽ giúp tăng tiêu thụ nội địa, tạo đầu ra cho nông dân trồng cà phê Việt Nam? Hay Starbucks vào rồi chúng ta sẽ uống cà phê “made in China” ngay tại nơi đang là vựa cà phê của thế giới?

Với 540,000 hộ nông dân; 1,6 triệu lao động ở vùng sâu, vùng xa, nhất là ở Tây Nguyên thì công sức bỏ ra nhiều nhưng đang bị bọn đầu nậu chèn ép. Nay biết thêm rằng, ở đâu đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ đưa lên miệng thứ cà phê xuất xứ từ Trung Quốc ngay chính tại mảnh đất đang là nơi cung ứng cà phê số 1 thế giới.

Nếu chúng ta không có hành động gì, thì đây là giấc mơ buồn nhưng có thực, không chỉ với người nông dân Việt Nam mà còn với tất cả những ai đã nhìn thấy được bản chất của vấn đề.

(Còn tiếp)

* Tác giả của bài viết là người đã có thâm niên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đào tạo và tư vấn Tiếp thị, từng cộng tác giảng dạy tại Học viện tư vấn tiếp thị hàng đầu Việt Nam (IAM VN).

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Cường Nguyễn