Làng Vòng tự cứu mình bằng cốm "không phẩm màu"

06/10/2011 06:37
Phương Thúy
(GDVN) - Đến làng Vòng hỏi mua cốm, người mua sẽ được giới thiệu ngay món cốm mộc "tuyệt đối an toàn, không có phẩm màu" giá từ 200 - 220 nghìn đồng/kg.
Nếu chỉ cách đây khoảng 1 tháng, khi hỏi mua cốm mộc (không nhuộm màu) tại làng Vòng, người bán yêu cầu khách phải đặt tiền để họ làm riêng, hôm sau đến lấy thì hiện tại, khách đến đây không khỏi ngạc nhiên khi chỉ có cốm mộc mà vắng bóng cốm màu.Cốm nhuộm phẩm màu bỗng dưng... khan hàng Sau khi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài phản ánh hiện tượng cốm làng Vòng (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) sử dụng phẩm màu công nghiệp để giúp cốm có màu xanh bắt mắt và nguy cơ độc hại tiềm ẩn từ phẩm màu này vẫn chưa được làm sáng tỏ thì dường như người làng Vòng đã tự mình loại bỏ phẩm màu ra khỏi nguyên liệu làm cốm. Hiện người làm cốm bắt đầu chuyển sang làm cốm mộc vì khách hỏi mua đòi cốm mộc nhiều hơn. Hơn một tuần trước, khi chúng tôi hỏi mua món cốm mộc, hầu hết người bán cốm dọc phố Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) đều lắc đầu: "Không có" với lời giải thích, loại cốm ấy chưa được xử lý kỹ nên cứng và dai. Muốn mềm, dẻo thì phải lấy cốm xanh như họ đang bán. Thế nhưng mới hôm qua, cũng tại con phố này, khi có người hỏi mua cốm mộc, nhiều chị bán hàng đã đon đả mời chào, giới thiệu loại cốm "tuyệt đối an toàn, không có phẩm màu" được bán với giá từ 200 đến 220 nghìn đồng/kg.
Làng Vòng tự cứu mình bằng cốm "không phẩm màu" ảnh 1
Cốm màu vàng nhạt này được người bán khẳng định là cốm mộc
không có phẩm màu.
Chúng tôi tiếp tục về thăm làng Vòng vào đầu một buổi chiều, khi công đoạn làm cốm vừa xong và những bà, những chị trong làng chuẩn bị mang thúng hàng đi bán. Theo thói quen ở đây, người dân chỉ làm cốm vào buổi sáng sớm, đến chiều là những mẻ cốm vừa ra lò sẽ xuất hiện trên khắp các nẻo đường của thủ đô, đến tay những người mê cốm. Đặt thẳng câu hỏi "Có hay không có phẩm màu trong mẻ cốm" với một chị đang buộc những đoạn thừng cuối cùng cho thúng hàng trên chiếc xe máy, chúng tôi nhận được từ chị câu trả lời gay gắt: "Làm gì có phẩm màu". Vừa đóng cốm cho khách mang đi miền Nam, chị P – một người làm cốm ở làng Vòng cho biết, mỗi ngày chị bán khoảng vài chục kg cốm. Khách mua mang đi miền Nam, mang đi nước ngoài lấy hàng chục cân. Tuy nhiên, sau những thông tin về cốm nhuộm phẩm màu, chị P. thừa nhận nhiều khách cũng băn khoăn hơn vì sợ độc hại và họ bắt đầu chuyển sang săn lùng cốm mộc. Với thâm niên hơn 10 năm làm cốm, chị P. khẳng định mình không dùng phẩm màu: “Chủ yếu bán cho khách quen, nếu dùng phẩm màu họ mua một lần rùi họ không bao giờ mua nữa. Người quen đặt mua nhiều lắm nên mình khó làm điêu được. Cốm không nhuộm phẩm chị cứ nói thẳng là cốm mộc, cốm nhuộm phẩm thường có màu xanh lét, không phải vàng nhạt như cốm mộc, nhìn là biết ngay thôi". Phân bua về sự cố cốm làng Vòng có nguy cơ bị tẩy chay, bác N. (làng Vòng) cho biết: Đã hơn 20 năm làm cốm, cả nhà bác mỗi ngày làm nửa tạ cốm. Khi nghe tin cốm có phẩm màu bác cũng lo lắng không biết thông tin có chính xác không, cũng sợ người dân tẩy chay cốm, không mua. Nhưng cho đến nay, lượng cốm bán ra của gia đình bác không có nhiều thay đổi, chứng tỏ "người dân vẫn còn mặn mà với cốm lắm", bác N vui vẻ. Hàng ngày, từ 4 giờ sáng cả gia đình bác N. đã lục đục dậy rang thóc, làm cốm. Làm hàng cho khách đặt và bác mang ra đường Xuân Thủy bán lẻ, nhưng không có ngày nào còn cốm ế mang về. Nếu khách hỏi mua cốm mà còn lăn tăn cốm nhuộm phẩm bác sẽ chỉ ngay cho họ cách phân biệt cốm nhuộm phẩm và cốm mộc.Nhuộm cốm bằng lá riềng, lá gấc Khi chúng tôi đề cập đến những loại phẩm nhuộm cốm, chị D. -  người dân làm cốm ở làng Vòng thừa nhận, từ trước người làng Vòng muốn nhuộm cho cốm có màu xanh, họ thường giã lá riềng và cô lại để lấy màu. Song việc giã lá riềng cô lại không phải ai cũng làm được.
Làng Vòng tự cứu mình bằng cốm "không phẩm màu" ảnh 2
Những chai phẩm nhuộm cốm được PV báo điện tử GDVN phát hiện
trong một lần đến làng Vòng.

Trong khi đó, ngày nay đến các nhà làm cốm ở làng Vòng, phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam tìm mỏi mắt cũng chẳng có dụng cụ chày, cối để giã lá riềng như chị D. nói. Trước đó, trong một lần vô tình, không ít người làm cốm làng Vòng đã buột miệng khẳng định họ làm cốm nhưng họ chẳng dám ăn  mà chỉ bán ra ngoài. "Nếu khách nhìn thấy cảnh này thì sẽ chẳng có ai dám ăn cốm nữa", vừa nhuộm cốm, một người làm cốm nói. Theo bà T. - người dân ở tại ngõ 123 Xuân Thủy (Hà Nội), trước đây bà làm cốm rất nhiều và theo kinh nghiệm của bà việc dùng phẩm màu sẽ làm hạt cốm xanh lét, nhìn bằng mắt thường cũng biết chứ không cần đến kiểm nghiệm. Đúng là ngày trước, người dân làm cốm thường giã lá riềng, lá gấc để lấy màu xanh cho cốm nhưng bây giờ cánh đồng làng Vòng không còn, người dân phải thuê ruộng cấy ở xa nên họ thường làm cốm mộc để bán, ít nhà giữ được thói quen giã lá riềng, lá gấc nữa. Nhận xét về màu xanh của cốm bây giờ, bà chỉ cười cho rằng, đó là bí quyết của mỗi gia đình, bà không nắm chắc nên không dám khẳng định.
Phương Thúy