Lỗ nặng, nợ đầm đìa, siêu thị điện máy ngấp nghé bờ vực phá sản

06/09/2013 07:32
Theo Vietnamnet
Lại có thêm chuỗi siêu thị điện máy thua lỗ, đóng cửa. Trong khi đó, đang có nhiều DN khác trong tinh trạng ngày càng khó khăn teo tóp, tính chuyện rút lui khỏi thị trường.
Thông điệp phổ biến và thường xuyên gần đây của các DN bán lẻ điện máy vẫn là giá rẻ, giá thấp, phi lợi nhuận... để đánh lại đối thủ. Hễ 1 siêu thị nào sắp tung ra chương trình khuyến mãi thì các siêu thị khác tung quân đến thám thính, nghiên cứu kỹ chương trình của đối thủ và ngay lập tức tung đòn trước, đối thủ giảm giá mặt hàng nào, bao nhiêu thì cũng giảm giá những mặt hàng đó thậm chí thấp hơn để phá kế hoạch. Chính cách làm này đã đưa tất cả đến tình cảnh hiện nay là thua lỗ nợ nần.

Lỗ nặng, nợ đầm đìa

Chuỗi siêu thị điện may HomeOne (Công ty CP Dịch vụ Bán lẻ Tiên Phong) vừa đóng cửa siêu thị điện máy tại ngã ba Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh (Quận Gò Vấp, TP.HCM) vào chiều ngày 31/8 và tại tầng B1 của Vincom Center A (Quận 1, TP.HCM) vào ngày 2/9 vừa qua.

Nhiều thông tin cho biết, từ vài tháng nay HomeOne đã gặp khó khăn, nợ tiền thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên lên tới hàng tỷ đồng do kinh doanh thua lỗ.

Được biết, khi mới thành lập, HomeOne có số vốn khoảng 200 tỷ đồng, nhưng chỉ sau 2 năm kinh doanh đã gần như kiệt sức và phải ngừng hoạt động, theo bước các DN như Best Carering, Wonderbuy thời gian trước.


Trong khi đó, tại Hà Nội, nhiều DN kinh doanh bán lẻ điện máy cũng đang ngấp nghé bờ vưc phá sản do thua lỗ kéo dài.

Giới kinh doanh còn cho biết tại Hà Nội có DN đang sở hữu chuỗi siêu thị điện máy lớn, năm 2012 mở ra tới 4-5 siêu thị mới, bán hàng luôn đại hạ giá, cạnh tranh rất mạnh với các DN khác, thị phần cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, đến nay, DN này đã chìm ngập trong khó khăn, gánh khoản nợ lên tới gần 600 tỷ đồng, liên tục bị các ngân hàng và công ty bảo hiểm đưa ra cảnh báo.

Theo tính toán của chính các DN, để vận hành 1 siêu thị, chi phí mỗi tháng không dưới 5 tỷ đồng, một năm khoảng 60 tỷ đồng,. Để hòa vốn thì các DN phải đạt doanh số 15 tỷ đồng/tháng, tính ra mỗi ngày phải bán được 500 triệu đồng. Dưới mức này coi như thua lỗ.

Trong khi đó, doanh thu các mặt hàng điện máy của nhiều siêu thị tại Hà Nội hiện chỉ ở mức 100 triệu đồng/ngày. Có những đại siêu thị mở tại khu vực phía Tây Hà Nội với cả chục ngàn m2 nhưng doanh số mỗi ngày chỉ được 200 triệu đồng.

Nhiều DN do bán hàng kém, doanh số thấp nên không nhận được hỗ trợ lớn từ các nhà cung cấp, khiến cho giá cả kém cạnh tranh đang trong cơn khốn cùng chưa biết xoay sở ra sao.

Khó khăn cũng không tha ngay cả các ông lớn, trường vốn như Trần Anh, quý 2 vừa qua, theo báo cáo kinh doanh đã thua lỗ gần 6 tỷ đồng. Hệ thống siêu thị Việt Long, một trong những thương hiệu Việt đầu tiên trong lĩnh vực bán lẻ điện máy nay đang trong tình cảnh hết sức khó khăn. Nhiều nhà cung cấp không còn chịu bán hàng trả chậm, mà yêu cầu Việt Long muốn mua hàng phải thanh toán ngay. Cách đây 3 tháng, Việt Long đã phải đóng cửa siêu thị điện máy lớn tại số 10 Trần Phú (Hà Đông- Hà Nội).

Mặc dù đã có không ít kẻ "thập tử nhất sinh" thì "cuộc chiến" giữa các siêu thị điện máy vẫn nổ ra khốc liệt. Mục đích chính là giành giật thị phần và tiêu diệt lẫn nhau.

Theo tính toán, chi phí từ khâu nhập hàng đến phân phối, bán lẻ, các mặt hàng điện máy hiện nay cần phải tăng giá từ 15-20% DN mới trang trải đủ chi phí. Song ngược lại, các siêu thị đã phải liên tiếp tung chiêu khuyến mãi khủng, nhiều mặt hàng có thời điểm phải giảm giá tới 50% để kéo khách.

Thông điệp phổ biến và thường xuyên gần đây của các DN bán lẻ điện máy vẫn là giá rẻ, giá thấp, phi lợi nhuận... để đánh lại đối thủ. Hễ 1 siêu thị nào sắp tung ra chương trình khuyến mãi thì các siêu thị khác tung quân đến thám thính, nghiên cứu kỹ chương trình của đối thủ và ngay lập tức tung đòn trước, đối thủ giảm giá mặt hàng nào, bao nhiêu thì cũng giảm giá những mặt hàng đó thậm chí thấp hơn để phá kế hoạch. Chính cách làm này đã đưa tất cả đến tình cảnh hiện nay là thua lỗ nợ nần.

Chuyển về quê

Ngoài ra, với nhiều DN cùng tham gia vào thị trường và liên tiếp phát triển hệ thống siêu thị để tăng độ bao phủ rộng, nhưng chưa hình dung hết nghiệp vụ kinh doanh của nhóm sản phẩm điện máy này là đòi hỏi cao về công tác hậu mãi với chi phí tốn kém, phức tạp, trong khi lãi gộp trung bình chỉ 10%, đã đem lại rủi ro lớn.

Không chuẩn bị tốt những vấn đề này, các DN khó bề trụ vững và đóng cửa là chuyện tất yếu. Thời gian tới, sẽ còn nhiều DN điện máy phải bỏ "cuộc chơi" vì nhẵn túi.


Tìm cách tồn tại, một số DN điện máy đã đi tiên phong trong việc mở các siêu thị tại địa phương như Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương, về các tỉnh, chi phí thuê mặt bằng, nhân công đều thấp hơn tại các thành phố lớn, không những thế nhu cầu về ti vi màn hình tinh thể lỏng cũng như nhiều hàng hóa gia dụng tại nông thôn đang có nhu cầu cao. Vấn đề là khả năng thanh toán thấp vì vậy phải tìm ra nguồn hàng có giá rẻ, cộng với chế độ bảo hành bảo dưỡng tốt, sẽ giúp tiêu thụ tốt.

Trên thực tế các siêu thị điện máy vừa mở về các địa phương đều có doanh số bán khá tốt. Tuy nhiên nhận ra điều này, sắp tới sẽ có một cuộc "đại khai phá" với quy mô lớn trong việc phát triển hệ thống siêu thị về các địa phương.

Nhiều chủ chuỗi điện máy lớn ở Hà Nội cho biết sẽ mở rộng về các địa phương. Media mart sẽ mở khoảng 10 siêu thị điện máy tại các tỉnh miền Bắc trong thời gian tới, Trần Anh có tham vọng sẽ phủ kín hệ thống siêu thị của mình trên toàn quốc, Nguyễn Kim lên kế hoạch đến năm 2015 sẽ phủ khắp 32/64 tỉnh thành...

"Cuộc chiến" của các DN điện máy được dự báo sẽ chuyển từ phố về quê. Tuy nhiên khi nhiều siêu thị cùng mở về địa phương, cùng cạnh tranh theo kiểu đại hạ giá để tiêu diệt lẫn nhau như hiện nay mà không quan tâm đến nâng cao năng lực quản lý, chất lượng dịch vụ thì nguy cơ cảnh báo về thua lỗ phá sản là khó tránh khỏi.

Trầm Thủy
Theo Vietnamnet