“Loạn” giá xe máy, người tiêu dùng kêu ai?

13/05/2011 06:03
(GDVN) - Đến nay chưa có một quy định nào bắt buộc các DN phải kiểm soát sự làm giá của đại lý bán xe nên người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt thòi.

(GDVN) - Xe máy Honda đang là thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng, nhưng trên thị trường hiện nay giá bán xe giữa nhà sản xuất và các đại lý ủy quyền luôn cao ngất ngưỡng so với giá niêm yết. Tuy nhiên, đến nay chưa có một quy định nào bắt buộc các doanh nghiệp phải kiểm soát sự làm giá của đại lý nên người tiêu dùng  vẫn phải chịu thiệt thòi.

>> Có hay không Honda VN "tiếp tay" cho đại lý làm giá?

Đại lý nâng giá, công ty không thể quản lý?

Từ đầu tháng 4/2011 đến nay, người tiêu dùng Việt không khỏi choáng váng với giá xe Air Blade của Honda Việt Nam. Chỉ sau vài ngày ra mắt, phiên bản Honda Air Blade 125cc đã gây “sốc” khi đưa ra mức giá bán đến 43,5 triệu đồng/xe, thậm chí có đại lý “hét” giá đến 50 triệu đồng/xe, trong khi đó, giá niêm yết mà nhà sản xuất đưa ra chỉ 35,99 triệu đồng và 36,99 triệu đồng/chiếc cho các màu khác nhau.

Có mặt tại một số Head Honda ở Hà Nội như 345 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), 198 Trần Quang Khải, 50A Trần Nhân Tông (Hoàn Kiếm),… chúng tôi nhận thấy, giá chung của xe Honda AirBlade FI tại đây là 42,6 triệu đồng/xe, AirBlade F1 sơn từ tính 48,5 triệu đồng/xe, tăng gần 14 triệu đồng/xe so với giá niêm yết.

“Loạn” giá xe máy, người tiêu dùng kêu ai? ảnh 1

Chỉ sau vài ngày ra mắt, phiên bản Honda Air Blade 125cc đã
gây “sốc” khi đưa ra mức giá bán đến 43,5 triệu đồng/xe.

Trước thực trạng mỗi đại lý "hét" một giá, nhân viên bán hàng tại Head Honda trên đường Trần Quang Khải cho biết, các đại lý bán xe được phép bán chênh lên so với giá quy định, còn chênh bao nhiêu tùy vào mỗi loại xe, đại lý to hay nhỏ, địa điểm... Bên cạnh đó, các đại lý đã mua đứt hàng từ công ty nên về nguyên tắc, công ty cũng khó có thể kiểm soát được giá cả một khi đã bán ra thị trường.

Theo khảo sát của phóng viên Giáo dục Việt Nam, bán chạy nhất hiện nay xe Honda Lead với mức giá trung bình 37,5 triệu đồng/xe đối với các màu màu bạc, nâu (trong đó giá nhà sản xuất 32,490 triệu đồng/xe) và 40 triệu đồng/xe đối với màu vàng ngọc trai (giá nhà sản xuất 32,490 triệu đồng/xe), tăng từ 6 - 7 triệu đồng/xe so với giá gốc.

Các dòng xe khác, tuy không “cháy” hàng như Honda Lead nhưng cũng chênh lệch giá đáng kể so với giá bán niêm yết. PCX hiện có giá 56 triệu đồng/xe (giá nhà sản xuất xuất 49,999 triệu đồng/xe), Honda Click 32,5 triệu đồng, tăng 7 triệu đồng/xe. Ngoài ra các dòng xe số thông dụng như FutureX-X F1 có giá từ 23 - 29 triệu đồng/xe, Wave các loại giá từ 20 - 28 triệu đồng/xe, cũng chênh từ 1 - 2 triệu đồng/xe so với mức giá ban đầu.

Không chỉ Air Blade 2011 “loạn” giá mà phiên bản cũ đã ngừng sản xuất cũng đội giá chóng mặt lên ngót nghét 45 - 46 triệu đồng vì “không còn xe mà mua”.

Tại đại lý số 198 đường Trần Quang Khải, khách hàng Nguyễn Văn Hợp (Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội), nói: “Từ sáng tới giờ tôi đi hỏi mấy nơi kể cả đại lý cấp 1, đại lý bán hàng nhưng tôi thấy có đại lý nói 51 triệu, có đại lý nói 52 triệu đồng/xe, thậm chí có chỗ nói 54, 56 triệu đồng/xe, tôi không biết giá thực sự là thế nào. Hỏi thì các anh ấy cho biết giá bán phụ thuộc vào linh kiện theo xe và địa điểm bán hàng. Tôi cũng kiến nghị với hãng Honda và các ban ngành liên quan phải điều chỉnh lại giá xe để người tiêu dùng khỏi bị thiệt thòi và bị móc túi một cách vô cớ"?

Nhà nước thất thu, người tiêu dùng kêu ai?

Giá xe thì bán đội lên gấp nhiều lần so với giá đề xuất từ phía công ty, nhưng điều đáng nói ở đây hóa đơn ghi cho khách hàng chỉ tương đương với giá đề xuất của công ty. Người tiêu dùng biết là mình bị mua đắt, các cửa hàng do Honda ủy quyền nâng giá bán nhưng chẳng biết kêu ai.

Theo anh Nguyễn Quang Thắng ở Hoàng Cầu, anh mua chiếc xe honda Wave RSX với giá là 21,5 triệu đồng, nhưng khi viết hóa đơn, phía cửa hàng đề nghị viết theo giá 15,9 triệu, cộng cả VAT vào là 17,5 triệu đồng. Phía cửa hàng giải thích là viết hóa đơn như vậy sẽ giảm được thuế khi khách hàng mang xe đi đăng ký. Như vậy, lợi cả đôi đường (!?).

Hóa đơn xe honda Wave RSX cộng cả VAT vào là 17,5 triệu đồng trong khi thực giá người mua phải trả là 21,5 triệu đồng.
Hóa đơn xe honda Wave RSX cộng cả VAT vào là 17,5 triệu
đồng trong khi thực giá người mua phải trả là 21,5 triệu đồng.

Anh Kiên, một sinh viên trường đại học Kiến Trúc Hà Nội cũng cho biết, tháng trước anh mới mua chiếc xe Sirius của hãng Yamaha tại đại lý 231 ở phố Tôn Đức Thắng với giá "quen biết" là 17,5 triệu (giá bán thực tế là 18,2 triệu). Tuy nhiên, khi viết hoá đơn, giá chiếc xe máy này chỉ còn 14,5 triệu. Việc giảm giá trên hóa đơn nghe ra, người tiêu dùng có vẻ được lợi khi nộp thuế cho nhà nước, nhưng thực tế, số tiền chênh lệch giữa giá bán và giá viết hoá đơn thì DN được lợi, còn nhà nước thì thất thu, người tiêu dùng bị thiệt thòi do giá bán đẩy cao hơn so với thực tế.
 
Hầu hết các loại xe do Honda Việt Nam sản xuất đều có giá bán cao hơn nhiều lần so với giá niêm yết, nhưng cũng chưa có một quy định nào bắt buộc các doanh nghiệp phải kiểm soát được cách làm giá như vậy. Người tiêu dùng cũng không có đầy đủ thông tin hay quyền lực gì để kiểm soát được.

Ông Vương Ngọc Tuấn – Phụ trách văn phòng Tư vấn Khiếu nại, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, cho biết: “Công ty Honda Việt Nam đã có văn bản trả lời chính thức rằng: không thể can thiệp vào việc các cửa hàng do Honda ủy quyền bán sản phẩm này giá bao nhiêu vì như thế sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh của Việt Nam. Điều này Công ty Honda Việt Nam không có gì sai nhưng vì trách nhiệm xã hội, vì uy tín của doanh nghiệp, vì chất lượng sản phẩm mà Honda Việt Nam nên chăng cần thay đổi cách bán đứt sản phẩm cho các cửa hàng do Honda ủy quyền, bán theo giá chỉ đạo chung để hưởng phần trăm trên mỗi đầu xe bán ra thì việc nâng giá bán quá cao từ các đại lý sẽ bớt đi, và như vậy người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi”.

Cũng theo ông Tuấn, từ ngày 1/7 tới, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực, song đến thời điểm này, người tiêu dùng vẫn chưa thực hiện hết các quyền của mình và phải chấp nhận việc các cửa hàng do Honda ủy quyền tăng giá bán bất hợp lý, gây thiệt hại về tài chính.

Khi nhà sản  giao xe cho đại lý đã tính cả phần trăm hoa hồng, lợi nhuận đại lý được hưởng, cả thuế, cả chi phí bán hàng thế nhưng các đại lý các đại lý để thu lợi năm bảy đường. Phần giá đại lý đẩy tăng thêm lại không đưa vào diện tính thuế trước bạ. Cơ quan thuế chỉ tính thuế đến phần giá đề xuất của doanh nghiệp sản xuất đưa ra. Giá cứ 10 triệu đồng tăng thêm thì Nhà nước mất 1 triệu đồng tiền thuế. Trong khi đó, phần 10 triệu đồng tăng thêm của mỗi xe trên thị trường chỉ đại lý và doanh nghiệp sản xuất được lợi. Nhà nước thất thu, người tiêu dùng chịu thiệt.

Đức Trung

>> Có hay không Honda VN "tiếp tay" cho đại lý làm giá?

Là người tiêu dùng, bạn nhận định thế nào về giá cả, chất lượng các dòng xe của Honda Việt Nam hiện nay? Bạn đã từng gặp phải những sự cố không mong muốn nào khi mua cũng như sử dụng xe của Honda nói riêng và các hãng xe khác? Hãy chia sẻ đến báo Giáo dục Việt Nam bằng cách phản hồi vào ô Gửi tòa soạn dưới đây hoặc gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn. Trân trọng!