Mía đá, phòng khám... tung "chiêu trò" hút khách ngày nắng nóng

12/05/2012 09:51
Theo Vnexpress
Ngồi vỉa hè, Quang và bạn bè vẫn được thưởng thức những bộ phim kinh điển với giá "vé" chưa đến 10.000 đồng một người, bằng một phần tư, thậm chí một phần mười so với tại rạp.
Quang là khách ruột của quán trà đá "cinema" tại vườn hoa trên phố Tây Sơn (Hà Nội) từ đầu mùa hè năm nay. Đến đây, không chỉ uống trà, cậu và đám bạn còn được xem phim miễn phí qua màn hình máy chiếu. "Chất lượng âm thanh, hình ảnh không bằng, nhưng không gian rõ ràng thoải mái hơn", Quang nói.

Dịch vụ kinh doanh nước mát kèm chiếu phim mới xuất hiện tại khu vực này. Chị Thu, bán nước tại đây cho biết, ban đầu, quán nào cũng như nhau, chỉ có một cái bàn nhỏ, chục cái cốc và mấy món hoa quả, đồ khô như xoài, củ đậu, hướng dương... Tuy nhiên, khoảng vài tuần nay, một số người mang máy chiếu ra chiếu phim cho khách xem, nên chị cũng tính học theo. So với những hàng khác, quán có chiếu phim đông khách hơn hẳn, chị nói.

Chi phí cho một "rạp phim lưu động" kiểu này không quá đắt. Chỉ cần chủ hàng đầu tư bình sạc, một máy chiếu và tấm vải trắng, vài chiếc ghế nhựa, bàn, cốc, đồ uống, đồ ăn... là kinh doanh được. Một chủ quán tại đây tiết lộ, nhờ dịch vụ này, lượng khách cũng tăng lên. Giá nước chè vẫn 2.000 đồng một cốc, hướng dương 5.000 đồng một gói... nhưng vì có phim, khách ngồi lâu nên bán được nhiều hàng. Chị này nói thêm, những hôm Hà Nội nắng nóng hơn 40 độ C tuần trước, số lãi thu về hơn 500.000 đồng mỗi tối, cao gấp đôi so với ngày bình thường.

Những quán trà chanh vỉa hè vào mùa hè luôn đắt hàng song không phải quán nào cũng biết tận dụng cách thức kinh doanh mới để thu hút nhiều khách hơn
Những quán trà chanh vỉa hè vào mùa hè luôn đắt hàng song không phải quán nào cũng biết tận dụng cách thức kinh doanh mới để thu hút nhiều khách hơn


Cũng kinh doanh "mía đá cinema" tại quảng trường sân vận động Mỹ Đình, anh Chính, nhà ở Nhân Mỹ (Từ Liêm) chia sẻ, ý tưởng mới nảy ra từ mùa hè năm nay để cạnh tranh với hàng chục quán khác trên trục đường này. Hè 2011, anh Chính bán nước mía kèm theo dịch vụ hát karaoke trên vỉa hè. Nhưng sau đó, hàng chục quán cùng lúc phát loa ầm ĩ, náo loạn nên karaoke vỉa hè bị xóa sổ.

Giá bán mía đá kèm xem phim là 12.000 đồng mỗi cốc, đắt hơn 2.000 đồng so với chỗ khác, nhưng khách đến quán anh Chính vẫn đông. Mỗi tối, anh bán được 50- 70 cốc, hôm nắng nóng khoảng 80 -100 cốc. Thêm tiền từ các đồ ăn kèm khác như hoa quả, hướng dương..., số tiền lãi thu về mỗi tối khoảng 300.000 - 500.000 đồng, cao hơn trước kia khoảng 100.000 - 150.000 đồng. Khách chủ yếu là sinh viên, anh nói.

Lê Hồng, sinh viên Đại học quốc gia thường xuyên cùng bạn bè uống trà tại quảng trường Mỹ Đình cho biết, năm ngoái, cậu khách ruột của quán karaoke lề đường. Nhưng theo Hồng, việc chủ quán đổi sang chiếu phim văn minh hơn nhiều. "Hát karaoke, mỗi quán một dòng nhạc, đập nhau chan chát nên rất ầm ĩ và khó chịu. Rõ ràng ngồi xem phim, uống mía đá vẫn vui, mát mà đỡ đau đầu hơn", Hồng nói

Dịch vụ in ấn tờ rơi quảng cáo trên quạt nở rộ trong những ngày nắng nóng.
Dịch vụ in ấn tờ rơi quảng cáo trên quạt nở rộ trong những ngày nắng nóng.


Ngoài những người kinh doanh quán nước, một số dịch vụ khác cũng đang tận dụng các chiêu trò để thu hút khách trong ngày nắng nóng.

Ngã tư Kim Mã - Liễu Giai trong cái nắng gần 40 độ C, tranh thủ lúc các phương tiện dừng chờ đèn đỏ, hai nhân viên phát tờ rơi thoăn thoắt đưa quạt cầm tay cho người đi đường. Trên quạt có đăng quảng cáo một phòng khám đa khoa. "Hình thức đăng quảng cáo trên quạt chỉ xuất hiện vào mùa hè hay mùa thi song hiệu quả hơn nhiều so với tờ rơi bằng giấy thông thường", Hòa Bình, một trong hai nhân viên nói trên chia sẻ.

Bình nhận xét, nếu chỉ là giấy thông thường, xem xong, người nhận ném ngay. Nếu là quạt, nhiều người giữ lại dùng, và biết tới công ty được quảng cáo. Cậu cũng bổ sung thêm, nhiều khi nhân viên chưa kịp phát, người đi đường đã xin chiếc quạt có in quảng cáo trên đó.

Anh Kiên, chủ một cửa hàng in tờ rơi, card visit trên đường Hồ Tùng Mậu cho hay, năm ngoái, khách chọn in trên quạt chủ yếu là các trường đại học. Nhưng năm nay, ngay từ những ngày nắng nóng, các công ty kinh doanh dược phẩm, thời trang... cũng chọn chất liệu in là quạt nhựa, giấy.

So với giấy, in trên quạt đắt hơn khoảng 500- 1.000 đồng, nhưng là "đắt sắt ra miếng" vì hiệu quả hơn nhiều, anh Kiên bình luận. Chủ cửa hàng in tờ rơi nói thêm: "Có khách in tờ rơi bán đồ ăn nhanh trên giấy thường, phải làm đi làm lại 2 - 3 lần mới bán được hàng, nhưng sau khi được tư vấn in trên chất liệu lạ là nhựa, bán chạy hơn hẳn".
Theo Vnexpress