"Móc túi" người tiêu dùng, dễ hay khó?

15/08/2011 01:15
(GDVN) – Nhiều người tiêu dùng Việt đang ngày càng thông minh hơn với túi tiền của mình nhưng cũng không ít người "bất lực" khi biết mình bị "móc túi".

(GDVN) – Thực tế hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt đang ngày càng tỉnh táo, thông minh hơn với túi tiền của mình nhưng bên cạnh đó, cũng không ít người "bất lực" khi biết mình bị "móc túi...

Từ sự cố cư dân The Manor đồng lòng phản ứng chủ đầu tư Bitexco về mức phí chênh lệch diện tích căn hộ sau 5 năm chung sống đến việc vẫn có không ít người đang "cắn răng" đóng tiền điện giá khủng tại các khu nhà trọ nhưng chẳng biết kêu ai được báo điện tử Giáo Dục Việt Nam phản ánh trong thời gian gần đây cho thấy: Nhiều người tiêu dùng Việt đang ngày càng tỉnh táo hơn với túi tiền của mình nhưng cũng không ít người "bất lực" dù  biết mình đang bị "móc túi...

1. Cư dân The Manor đồng lòng phản ứng chủ đầu tư Bitexco

Sau 5 năm sinh sống, các hộ dân tại khu Villas (The Manor) bỗng nhiên bị chủ đầu tư Bitexco "đòi" thêm hàng trăm triệu đồng tiền chênh diện tích căn hộ.
 
Hơn 50 hộ dân tại khu Villas thuộc dự án The Manor không khỏi “ngơ ngác” khi nhận được thông báo từ chủ đầu tư là Công ty TNHH SXKD XNK Bình Minh (Bitexco) yêu cầu mỗi hộ dân tại đây nộp thêm hàng trăm triệu đồng với lý do chênh lệch diện tích căn hộ thực tế so với hợp đồng.

Theo đó, Bitexco cho biết: Để thực hiện các thủ tục liên quan đến việc xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các khách hàng theo hợp đồng đã ký, Bitexco đã thuê Công ty Cổ phần tư vấn Thiết kế Khảo sát và Đo đạc tiến hành đo đạc xác minh hiện trạng diện tích xây dựng nhà và diện tích đất thực tế của các căn Villa tại dự án The Manor.

Theo luật sư, nếu không thỏa thuận được, Bitexco và cư dân ở The Villas có thể đưa nhau ra tòa. (Ảnh Internet).
Theo luật sư, nếu không thỏa thuận được, Bitexco và cư dân ở
The Villas có thể đưa nhau ra tòa. (Ảnh Internet).

Theo kết quả đo đạc xác minh này, hầu hết các hộ dân sống ở căn Villa đều có diện tích xây dựng thực tế lớn hơn diện tích xây dựng trong hợp đồng.

Ví dụ: chị Trần Thị H. sống tại tòa nhà G4 Villa, sở hữu căn hộ có diện tích xây dựng nhà theo hợp đồng 314.21 m2, trong khi theo Bitexco, diện tích đo vẽ thực tế là 324.58 m2. Trong khi đó theo nguyên tắc tính chênh lệch quy định tại điều 2 của hợp đồng, sai số cho phép về diện tích theo quy chuẩn xây dựng là +_1%. Do đó, chênh lệch phát sinh (sau khi đã áp dụng tính sai số chênh lệch), diện tích xây dựng nhà là 7.23 m2. Chị H. sẽ phải đóng thêm phần giá trị diện tích tăng theo hợp đồng: theo diện tích xây dựng nhà 107,624,985 VND, tương đương 6,701.85 USD.

“Tôi thấy điều này thật vô lý, tôi bỏ tiền ra mua nhà từ năm 2006 và bàn giao nhà năm 2007, hai bên đã chốt tất cả các thông tin với nhau. Trong hợp đồng mua bán cũng như biên bản bàn giao nhà hoàn toàn không hề nhắc gì tới chuyện sau này đo đạc lại, diện tích đất cũng như diện tích xây dựng thừa hay thiếu sẽ xử lý thế nào”, chị H. bức xúc nói.

Thậm chí theo ý kiến của một số cư dân, đây chẳng khác gì “chiêu” lừa đảo của “ông lớn” Bitexco.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, không ít các giám đốc công ty Bất động sản ở Hà Nội đều cho rằng: Đây là lần đầu tiên, họ nghe thấy sự việc “bất thường” này. Thậm chí có người còn cho rằng: “Thật nực cười cho kiểu kinh doanh của một đơn vị tên tuổi như Bitexco. Hình như họ đang cố gắng tìm mọi cách để “vòi” được tiền của cư dân, trước đó không lâu là đòi tiền phí sổ đỏ cao khủng khiếp ở The Manor và bây giờ, quay sang Villas viện lý do diện tích chênh để bắt ép người dân đóng tiền”.

Trả lời về vấn đề này, đại diện phòng kinh doanh Bitexco cho biết: Hiện tại, đã có một số người đem tiền tới đóng và nếu ai có thắc mắc thì lên gặp trực tiếp phòng kinh doanh hoặc trả lời bằng văn bản tới công ty để yêu cầu giải quyết.

Hiện tại, các hộ dân sống tại Villa đang gấp rút hoàn thiện công văn để gửi Bitexco trước hạn chót nộp tiền (ngày 15/8/2011) với mong muốn yêu cầu phía Bitexco dừng ngay việc làm vô lý này và có động thái tôn trọng người dân hơn.

2. Cả tin, mất tiền "khủng" tại phòng khám Maria

Bên cạnh những người tiêu dùng đang ngày càng tỉnh táo với túi tiền của mình, vẫn có không ít người vì nôn nóng mà mất tiền oan như các bệnh nhân  bị cuốn vào những phác đồ điều trị với chi phí "siêu cắt cổ" tại phòng khám Maria (Thái Thịnh).

Theo quảng cáo tại phòng khám Maria (65 - 67 Thái Thịnh, Hà Nội) có thể điều trị khỏi bệnh trĩ chỉ trong 1 lần mổ, chị gái anh Trung (Ninh Bình) là Hoàng Ngọc Anh đến đây để mổ trĩ.  Sau một tuần nằm tại phòng khám với số tiền điều trị lên đến hàng chục triệu mỗi ngày,  chị Ngọc Anh đã tiêu tốn khoảng hơn 60 triệu nhưng bệnh vẫn không hề biến chuyển, nếu không nói là trầm trọng hơn.

Sau gần 10 ngày điều trị, thấy chị gái vẫn còn ra máu, mặc dù được các bác sĩ tại đây tiếp tục hứa hẹn chữa khỏi bệnh nhưng anh Trung quyết định đưa chị gái về nhà và  phải nhập viện tại bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình với triệu chứng ra máu không dứt vùng hậu môn

Khách méo mặt vì phòng khám Maria thu giá chát
Khách méo mặt vì phòng khám Maria thu giá chát.

Theo tìm hiểu của phóng viên, điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp mổ và đốt điện trong Bệnh viện Việt Đức chỉ mất khoảng 2 triệu đồng nhưng còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân. Xác định đây là bệnh chữa trị lâu dài, bệnh nhân vẫn phải mất nhiều thời gian đi lại mới có thể chữa dứt bệnh.
 
Trong khi đó, theo nhận định của một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa của Bệnh viện Bạch Mai, chi phí điều trị bệnh trĩ như trên tại phòng Maria thì đúng là quá "chát", ngang với bệnh nhân điều trị ung thư trong bệnh viện lớn.

Đa số những bệnh nhân đến phòng khám Maria vì tin tưởng vào quảng cáo phòng khám điều trị bằng sóng ngắn Viba và các máy móc hiện đại khác. Tuy nhiên, sóng này là gì, có công dụng thế nào, không phải bệnh nhân nào cũng biết. Họ chỉ biết "nó rất hiệu quả" cộng thêm giá cao nên họ yên tâm có thể điều trị được bệnh.
 
Trong khi đó, trên thực tế điều trị, không ít bệnh nhân phải “khóc ròng” vì sóng cao tần này. Theo quan sát của phóng viên, tại phòng khám không có bất cứ niêm yết giá dịch vụ nào để bệnh nhân ước lượng được chi phí điều trị. Do đó, sau một thời gian chữa trị tại đây, nhiều bệnh nhân không ngớt lời than thở: Họ phải thanh toán số tiền "khủng khiếp" vì hầu như không được tư vấn kỹ.

Trong khi đó, giải thích với phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam về việc các bệnh nhân thắc mắc chi phí điều trị quá cao, nhân viên của phòng khám Maria thừa nhận, đúng là phòng khám có mức phí cao hơn so với nhiều phòng khám, bệnh viện khác nhưng công nghệ điều trị bệnh tại đây chủ yếu dùng các máy móc hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, khác hoàn toàn với các bệnh viện khác ở Việt Nam.

3. "Móc hầu bao" mua mực khô giả gắn keo, tẩm chất bảo quản
 
So sánh với cá mực khô gửi từ Cát Bà thì những con mực khô này nhỏ hơn, phần phía đuôi mực khô dễ dàng bóc ra do được dính bằng keo. Quan sát kỹ, phần râu mực không có độ quăn tự nhiên như mực bình thường, không có mắt mực và hạch mực tự nhiên...

Anh Bùi Đức Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Quang Hải cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, cán bộ công ty và đồn biên phòng 50 bắt được một số mực khô giả ngay tại Cát Hải. Năm ngoái, bắt được 80kg mực khô giả. Là người thu mua và chế biến thủy sản lâu năm mà nhìn bằng mắt thường tôi còn không phân biệt được mực khô giả và mực khô thật vì về hình thức, hai loại giống hệt nhau. Chỉ khi nướng lên ăn mới phân biệt được vì có vị khác.

Theo nhiều người dân ở Cát Hải, đây là mực khô lậu từ Trung Quốc, giá bán rẻ hơn một nửa so với mực khô Cát Bà. Chính vì vậy, nhiều người kinh doanh mua về để trà trộn lẫn cá mực khô xịn của Cát Bà bán cho khách du lịch”.

 
Tình trạng mực khô giả bán với giá rẻ xuất hiện tại thị trường Hải Phòng khoảng 2 năm nay nhưng rộ lên là từ cuối năm 2010.

Ngày 30/10/2010, Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng tiêu hủy hơn một tấn mực khô là hàng Trung Quốc nhập lậu. Trước khi tiêu hủy, chi cục gửi mẫu sản phẩm lên Trung ương giám định. Kết quả giám định mẫu mực khô xé do Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng thu cho thấy, đây không phải là mực khô tự nhiên, hàm lượng xenlulo vượt quá chỉ tiêu cho phép. Lô hàng không đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng của mực khô theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam của Viện Dinh dưỡng.

Theo phản ánh của cán bộ Chi cục Quản lý thị trường, loại mực khô mà chi cục bắt được khi đưa đi tiêu hủy qua 5 tháng mà không bị mốc, trong khi loại mực khô bình thường chỉ để nửa tháng trong điều kiện tự nhiên là bị mốc. Điều đó chứng tỏ trong cá mực có chất bảo quản.

Trước đó, khi có thông tin tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận có mực khô và mực khô xé sẵn kém chất lượng, Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa) và Viện Hóa học (Viện Khoa học Việt Nam) kiểm tra bước đầu, sơ bộ nhận định các loại mực khô này được chế biến từ thịt cá xay, có thể là cá vụn hoặc xenlulo là một nguyên liệu được tổng hợp từ tinh bột hoặc từ nhiều nguồn bã nguyên liệu khác nhau như củ sắn dây, bột sắn.

Trước tình trạng trên, người tiêu dùng cần cảnh giác, lựa chọn kỹ, tránh hàng không bảo đảm chất lượng. Chú ý mua cá mực khô ở các cửa hàng có uy tín và không mua khi phát hiện cá mực có biểu hiện bất thường.

4. Người tiêu dùng vẫn "cắn răng" đóng tiền điện giá "chát"
 
Tình trạng các khu nhà trọ ở Hà Nội thu tiền điện cao hơn giá quy định tới 3-4 lần đang là thực trạng tồn tại nhiều năm nay, thậm chí nhiều chủ nhà trọ, dù biết quy định những vẫn “đội mũ phớt” để tiếp tục tìm mọi cách “móc túi” người đi thuê nhà trọ.

Năm 2011, giá điện tăng 15,28% so với năm 2010, tức là chưa đến 200 đồng mỗi kWh. Tuy nhiên ào ạt “té nước theo mưa” các chủ nhà trọ ấn định mức tiền điện cho người đi thuê nhà trọ tăng từ 500 – 1.500 đồng/kWh. Với mức giá này, giá điện tại các khu nhà trọ tăng gấp đôi, gấp 3, thậm chí gấp 5 lần so với giá điện của nhà nước.

Nhiều chủ nhà trọ vẫn tính giá điện rất cao cho người ở trọ để hưởng lợi. Ảnh Dân trí.
Nhiều chủ nhà trọ vẫn tính giá điện rất cao cho người ở trọ để
hưởng lợi. Ảnh Dân trí.

Theo một chủ nhà trọ, nhà nước tăng giá, nhà trọ buộc phải tăng giá theo. Giá điện như vậy là do hao điện qua hệ thống dây dẫn, vì vậy công tơ tổng nhà ông luôn cao hơn công tơ con. Ông cũng không có ý định đi kê khai để làm thêm công tơ cho người thuê nhà, ai có nhu cầu thì ở, chủ không thi mời đi chỗ khác.

Cũng theo chủ nhà trọ này, việc ai quy định cứ quy định, ai kiểm tra cứ kiểm tra, ông vẫn cứ giữ giá điện như vậy. Nghe nói giá điện tới sẽ tăng theo quý, cứ khi nào tăng giá, nhà trọ này cũng sẽ tăng giá theo.

Trên thực tế, những người đi thuê nhà là những thành phần khó khăn về kinh tế, đó là sinh viên, là những người lao động nghèo. Họ về Hà Nội để học hành, mưu sinh, mong kiếm được đồng tiền ít ỏi bằng chính công sức của mình để giúp đỡ gia đình.

Nhưng trước tình trạng giá cả leo thang như hiện nay, sinh viên, những người lao động nghèo chỉ còn biết thắt chặt hầu bao trong những bữa ăn hằng ngày để trả cho những khoản chi tiêu vượt chội do giá tăng, nhất là những khoản tăng vô lý như giá điện, giá nước tại các khu nhà trọ.

Khi được hỏi về số điện thoại để người dân có thể phản ánh việc bị thu phí điện cắt cổ, đại diện Sở Công thương cho biết, người dân nên gọi điện cho điện lực, còn EVN Hà Nội lại cho rằng, người dân nên gọi điện đến sở Công thương thì đúng người đúng việc hơn (?!).

Như vậy, trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm nào của mình, thì mong giá điện đúng quy định cho người đi thuê nhà trọ đang bị bỏ rơi và giá điện đúng quy định vẫn chỉ là trong mơ của họ.

5. Một tuần, nhà đầu tư "mụ mị" trong vòng xoáy giá vàng
 
Cú nhảy lớn của giá vàng trong nước trong tuần qua được nhiều phương tiện truyền thông mô tả như một "cơn điên loạn". Vấn đề đặt ra là không am tường về thị trường vàng một cách chắc chắn nhưng người tiêu dùng lại luôn chạy theo các "cơn điên" của thị trường.

Cơn sốt giá vàng tuần qua khiến nhiều người dân Hà Nội đứng ngồi không yên. Các tiệm vàng trở thành trung tâm chú ý của những nhà đầu tư có ý định kiếm lời từ kim loại quý này.

Mặc dù trời mưa rất to nhưng ngay từ sáng sớm người dân đổ xô lên khu phố Trần Nhân Tông để chờ mua, bán vàng ngày 11/8.
Mặc dù trời mưa rất to nhưng ngay từ sáng sớm người dân
đổ xô lên khu phố Trần Nhân Tông để chờ mua, bán vàng
ngày 11/8.

Hai ngày đầu tuần, giá vàng “vọt” lên đỉnh cao của mọi thời đại vượt qua mức 46,2 triệu đồng/lượng vào trưa ngày 9/8 rồi nhanh chóng hạ nhiệt khi NHNN cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng để sản xuất vàng miếng, bổ sung nguồn cung vàng trong nước.

Những ngày tiếp theo, sau 1 ngày “điên đảo”, so với mức đỉnh gần 46 triệu đồng/lượng thiết lập ngày 11/8, giá vàng hiện đã giảm xấp xỉ 1,5 triệu đồng/lượng về quanh mốc 44,5 triệu đồng/lượng..

Nhiều người dân và các nhà đầu tư ngày 11/8 đã chứng kiến thêm “một ngày nổi sóng” của giá vàng trong nước. Đầu giờ sáng, giá vàng tăng vọt lên 46 triệu đồng/lượng, cao hơn 1,6 triệu đồng/lượng so với giá đóng cửa hôm trước. Sau đó chỉ hơn 1 giờ đồng hồ, giá vàng  “bốc hơi” đúng 1 triệu đồng/lượng, còn 45 triệu đồng/lượng, rồi lại quay đầu tăng mạnh.

Sang ngày 12/8, mở cửa phiên giao dịch, hầu hết các tiệm kinh doanh vàng đều niêm yết giá vàng miếng quanh 44,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và trên 44 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào. So với mức giá đề ra vào cuối giờ chiều qua, mốc giá mới này đã rẻ đi 1 – 1,5 triệu đồng/lượng.

Các nhà phân tích thế giới nhắc nhở: Người đầu tư vàng nên chốt giá nhanh và thoát khỏi thị trường khi tình huống xấu xảy ra.

Hải Hà (tổng hợp)
{iarelatednews articleid='10092,10244,10498,10253,9896,10165,10165,10035'}

alt