NHNN có đủ mọi nguồn lực can thiệp thị trường vàng

25/01/2013 16:25
Theo Vnexpress
"Ngân hàng Nhà nước có đủ mọi nguồn lực trong tay để triển khai quyết liệt yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Với nguồn lực vàng hiện có, Ngân hàng Nhà nước đủ sức bán ra can thiệp", Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối Nguyễn Quang Huy khẳng định.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối Nguyễn Quang Huy, trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên can thiệp để kéo giá trong nước về sát thế giới với chi phí hợp lý. Ông Huy trả lời báo chí liên quan tới định hướng tham gia mua bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, sau khi dự thảo Quyết định của Thủ tướng về vấn đề này được công bố.
Ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng
Vụ Quản lý Ngoại hối Ngân
hàng Nhà nước.
- Lần đầu tiên tham gia thị trường, Ngân hàng Nhà nước dự kiến thực hiện nghiệp vụ mua bán của mình như thế nào để đảm bảo thanh khoản cũng như tăng dự trữ quốc gia?
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng là một trong những văn bản pháp lý chuẩn bị cho việc Ngân hàng Nhà nước tham gia mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước. Tới đây, dự thảo thông tư hướng dẫn và quy trình đấu thầu, mua bán cũng sẽ được đưa ra trưng cầu ý kiến. Nội dung các văn bản này sẽ đề cập cụ thể hơn về cách thức mua bán, xác lập giá mua bán, cũng như các vấn đề kỹ thuật về nghiệp vụ can thiệp bình ổn thị trường và tăng dự trữ. Về cơ bản có hai cách thức Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện, mua bán trực tiếp hoặc thông qua đấu thầu. Nhưng trước mắt sẽ ưu tiên phương pháp đấu thầu, bởi đây là cách đảm bảo công khai và minh bạch nhất. Khi đủ điều kiện cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức thị trường liên ngân hàng để các bên tham gia mua bán trực tiếp. Tất cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đã được cấp phép kinh doanh vàng miếng và nguyện vọng sẽ được tham gia mua bán.
- Vậy khi nào Ngân hàng Nhà nước sẽ bắt đầu mua, bán vàng miếng?
Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết để tham gia thị trường khi các văn bản hướng dẫn được thông qua. Trước mắt, với tình hình giá như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên bán ra để đảm bảo mục tiêu kéo sát giá trong nước với thế giới. Với chiều mua vào, Ngân hàng Nhà nước cũng phải cân nhắc tới tiến độ tất toán số dư huy động vàng của các tổ chức tín dụng. Dự kiến sau 30/6, khi các ngân hàng tất toán xong, Ngân hàng Nhà nước có thể bắt đầu mua vào, nhưng còn phụ thuộc vào điều kiện thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô, nguồn cung, cũng như khả năng người dân đã sẵn sàng bán ra hay chưa.- Ông dự báo đến khi nào giá vàng trong nước có thể sát với giá thế giới? Tất nhiên không thể kéo sát giá ngay trong một hai phiên. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước tham gia thị trường, nên cần qua một vài phiên để phân tích, đoán định xu hướng, cung cầu. Thực tế thì sau ngày 10/1, chênh lệch giá vàng trong nước đã thu hẹp đáng kể, từ gần 5 triệu đồng mỗi lượng xuống quanh vùng 2 triệu đồng, khi các đầu mối tăng lực bán tăng mạnh, gần đây biên độ này lại giãn ra do nhu cầu mua tăng trở lại. Ngân hàng nhà nước sẽ can thiệp bán, nhưng có bán để kéo rụp giá sát ngay hay không thì phải cân nhắc. Ngân hàng Nhà nước có đủ mọi nguồn lực trong tay để triển khai quyết liệt yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Với nguồn lực vàng hiện có, Ngân hàng Nhà nước đủ sức bán ra can thiệp. Mặt khác, cũng sẽ có đầy đủ các công cụ hỗ trợ như xuất nhập khẩu, kinh doanh tài khoản với nước ngoài. Một khi Ngân hàng Nhà nước đã tham gia thị trường, sẽ không dễ để ai đó một mình tạo sóng, đầu cơ, bởi lợi nhuận mang lại không đáng so với những gì họ bỏ ra.- Ngân hàng Nhà nước cân nhắc thế nào về khả năng đứng ra huy động vàng của người dân? Phương án này chưa được tính tới, vì chi phí cao, mà có thể khiến kéo dài tâm lý găm giữ vàng. Nếu cần thu hút vàng trong dân, trước mắt Ngân hàng Nhà nước ưu tiên mua.
- Mục tiêu bảo toàn vốn sẽ được đặt ra thế nào khi Ngân hàng Nhà nước dùng tiền từ dự trữ quốc gia để mua bán vàng?
Nếu chiếu theo quy định hiện hành về dự trữ ngoại hối quốc gia, việc mua bán vàng phải đạt các mục tiêu tăng dự trữ, đảm bảo thanh khoản và mục tiêu thứ ba mới là sinh lời. Xin nhấn mạnh đây là mục tiêu thứ yếu.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Vnexpress