NTD khóc ròng từ phí "cắt cổ" ở Keangnam đến sữa tươi Ba Vì bốc mùi

27/06/2011 00:05
(GDVN) - Ban Người tiêu dùng thông thái điểm qua 5 sự cố tiêu dùng tác động và gây bức xúc đến phần lớn người tiêu dùng (NTD) trong tuần qua.

(GDVN) – Tuần qua, từ sự kiện người dân Keangnam bức xúc tố cáo chủ đầu tư về các mức chi phí đắt đỏ đến chất lượng dịch vụ không như mong đợi tại tòa nhà cao nhất Việt Nam đến việc đại diện công ty sữa Quốc tế nhập nhèm xin lỗi khách hàng sau sự cố sữa tươi Ba Vì bị bốc mùi, chua đắng… cho thấy, người tiêu dùng “kêu vẫn cứ kêu”, còn giải quyết vấn đề thế nào lại là cách hành xử đầy ẩn số của nhà đầu tư, nhà sản xuất.

>> Bất ngờ kêu lỗ, Keangnam thu phí "khủng" để hồi vốn?

>> Quảng cáo lừa trên truyền hình, nhà đài không thể vô can

>> Hãi hùng “vịt quay Bắc Kinh” chế biến từ vịt chết thối

>> Bán thực phẩm đắt, thối, Metro bất chấp mất lòng “thượng đế”?

>> Sữa tươi Ba Vì bốc mùi chua, đắng, nhà sản xuất nhập nhèm xin lỗi

Từ 1/7/2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với 8 quyền cơ bản chính thức có hiệu lực, hy vọng đây sẽ là “tấm lá chắn” bảo vệ NTD một cách hữu hiệu nhất nhằm giúp NTD nắm rõ luật và biết cách “kêu cứu” khi mình bị xâm hại về quyền lợi.

Ban Người tiêu dùng thông thái xin điểm qua 5 sự cố tiêu dùng xuất hiện trên báo Giáo Dục Việt Nam, tác động và gây bức xúc đến phần lớn người tiêu trong tuần qua.

1. Phớt lờ đơn khiếu kiện của dân, Keangnam xem thường "thượng đế"?

Sự kiến nóng hổi nhất tuần vừa qua có lẽ phải kể đến việc người dân Keangnam gửi đơn khiếu kiện về phí gửi xe và phí dịch vụ quá cao so với quy định của UBND Tp.HN và xung quanh những bất thường của “hội nghị cư dân Keangnam” diễn ra vào chiều 22/6.

Trước những bức xúc của người dân liên quan tới các tiện ích của khu nhà chung cư hiện đại nhất Việt Nam này, đại diện của Công ty Keangnam Vina đã gửi thông báo tới toàn thể dân cư về việc tổ chức buổi "hội nghị" với nội dung ghi rõ: giới thiệu về công ty quản lý và dịch vụ căn hộ; Giải thích chi tiết về phí quản lý, phí đỗ xe...

a
Cư dân Keangnam bức xúc về phí gửi xe quá "chát".

Tuy nhiên, trái với hi vọng của người dân, nhiều người tham dự hội nghị đã phát bực và bỏ ra ngoài khi phải nghe phía chủ đầu tư thyết trình về những thứ "trời ơi" chẳng liên quan gì tới những thắc mắc chính đáng của mọi người. Trong suốt bài phát biểu dài hơn nửa tiếng đồng hồ, đại diện Công ty Keangnam Vina chỉ cặn kẽ giới thiệu cho khách hàng về những trang thiết bị, dịch vụ hiện đại mà người mua được hưởng khi sống tại chung cư cao cấp hàng đầu Việt Nam. Tất cả đều được trình bày một cách vô cùng chi tiết, từ việc thang máy mất điện sẽ tự động khởi động lại trong bao nhiêu giây đến chuyện tòa nhà có bao nhiêu chiếc camera… trong khi vấn đề người dân ở đây mong chờ là được giải đáp chủ đầu tư lại phớt lờ

"Nếu gọi đây là một cuộc họp thì thật là thảm họa,” chị Mai, cư dân ở tòa nhà A nói với giọng chán nản.

Còn anh Mạnh Hà, cư dân của tòa nhà B - người có mặt từ đầu đến cuối hội nghị này bức xúc: "Tôi nhận ra rằng phía Keangnam coi thường những người mua căn hộ ở đây quá. Họ không hề có thiện chí mời người dân, cũng không cần người dân đến họp, họ chỉ tổ chức cho có để rồi áp đặt chúng tôi theo những tính toán phi lý và không theo quy định chung của nhà nước Việt Nam”.
a
"Hội nghị cư dân Keangnam" diễn ra một cách chóng vánh cuối
tuần qua khiến người dân bất bình và quyết tâm kiện tiếp.
Chính vì lẽ đó, sau khi họp riêng với nhau bàn bạc cách đấu tranh, ban quản trị cư dân lâm thời cùng luật sư Bùi Quang Hưng - đại diện cư dân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ, quyết định: Bắt đầu từ tuần này sẽ gửi đơn tố cáo Keangnam lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

2. Sữa tươi Ba Vì vừa ra lò đã đóng cặn, bốc mùi chua đắng

Sau khi mở hộp sữa Ba Vì mới mua ra để cả nhà dùng, chị Lê Hà (ngụ ở Khu tập thể thanh tra chính phủ, ngõ 65 Vạn Bảo – Ba Đình – Hà Nội) chết điếng khi phát hiện thứ nước rót từ hộp ra không phải sữa mà là một loại dung dịch trắng sền sệt giống như bã đậu.

Phản ánh đến báo Giáo Dục Việt Nam, chị Hà bức xúc: “Khi tôi đánh liều nếm thử thì thấy dung dịch đã bốc mùi chua và có vị đắng”. Lật hộp sữa lên xem hạn sử dụng, quan sát kỹ hộp sữa, chị Hà mới để ý thấy những dấu hiệu bất thường như vỏ hộp sữa hơi bị phồng lên so với các loại hộp sữa tươi trước đó chị thường hay mua và sử dụng.

a
Khách hàng chết điếng khi phát hiện sữa Ba Vì bốc mùi chua
đắng, trắng sền sệt giống như bã đậu.

Trước bức xúc về chất lượng của loại sữa tươi nổi tiếng này,  Đại diện công ty Công ty sữa Quốc tế lại xin lỗi bằng một văn bản nhập nhèm với lời khẳng định: “Số sản phẩm này đạt chất lượng và phân phối ra thị trường mà không có bất cứ sự phản hồi nào khác về chất lượng sản phẩm”.

Theo đại diện công ty này, “hộp sữa Ba Vì bị phồng và kết tủa theo kết quả kiểm tra của chúng tôi có thể do trong quá trình vận chuyển, cất giữ và bảo quản từ nhà máy tới kho trung chuyển và tới các cửa hàng có sự va chạm mạnh, làm hỏng bao bì sản phẩm, dẫn đến làm hỏng sản phẩm”.

Với câu trả lời trên thực sự khiến gia đình chị Hà không thỏa mãn, qua Giáo Dục Việt Nam, chị vẫn muốn nhắn nhủ với người tiêu dùng nên cẩn trọng hơn khi sử dụng sản phẩm sữa tươi Ba Vì này.

3. Hãi hùng “vịt quay Bắc Kinh” chế biến từ vịt chết thối


Vịt quay Bắc Kinh, không chỉ là món ăn phổ biến ở Trung Quốc mà còn là món ăn khoái khẩu của phần lớn người dân Việt Nam, nên trong tuần qua, vụ việc một cơ chế biến vịt quay cung cấp chủ yếu cho thị trường Bắc Kinh bị phát hiện làm từ vị chết thối lâu ngày khiến không ít người tiêu dùng Việt hãi hùng.

Theo đó, thôn Nam Ấp, huyện Bạc Dã, thành phố Bắc Kinh vốn nổi tiếng về nghề gia công, chế biến thịt. Từ năm 2004, Nam Ấp trở thành nơi cung cấp vịt quay chủ yếu cho thị trường Bắc Kinh. Vịt nguyên liệu phần lớn là vịt thải loại, ốm, chết, sau khi đã đóng gói “vịt quay Bắc Kinh”, giá đầu vào chỉ khoảng 3 NDT (10.000 VNĐ).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Điều đáng nói là các xưởng gia công ở Nam Ấp làm vịt quay nhưng không hề có công đoạn quay, vì thiết bị để làm vịt quay khá đắt, nên vịt đã cắt bỏ đầu, cổ, các chân, cánh và nội tạng được làm chín, sau đó người ta dùng tương đậu ngọt phủ lên trên toàn thân con vịt. 

Các loại gia vị và hương liệu tổng hợp cũng được “trát” lên một cách tối đa để át đi mùi ôi thối. “Vịt quay” được các xưởng gia công tư nhân ở Nam Ấp đóng gói giả các thương hiệu nổi tiếng, sau đó giao cho đại lý cấp 2, hoặc bán vịt chưa đóng gói kèm bao bì để đầu mối tự gia công, tạo lợi nhuận khổng lồ, lãi mỗi gói 1,5 NDT.

Qua kiểm tra và khám xét nơi ở của Trương - kẻ chuyên cung cấp vịt quay đóng gói giả hiệu “Toàn Cư Đức”, công an Bắc Kinh đã phát hiện 111 thùng đựng 3.800 con vịt đã bốc mùi, cùng với 231 thùng đựng chân gà, cổ gà biến chất. Tiếp tục điều tra, khám nơi tạm trú “mối trên” của Trương, tìm thấy 200 thùng với hơn 7.000 con vịt thối. Tại 2 điểm này công an cũng phát hiện hàng trăm thùng tương đậu ngọt, loại gia vị chủ yếu để chế biến vịt quay Bắc Kinh.

Chính vì vậy, không ít người dân Bắc Kinh khi mua mấy con vịt quay chế biến sẵn đóng gói bán trên thị trường đã phát hoảng khi mở ra và thấy đống thịt thối bên trong.

4. Siêu thị Metro bán thực phẩm đắt, thối

Không chỉ bị khách hàng than vãn về việc thường xuyên khan hàng và giá cả đắt đỏ, siêu thị Metro còn khiến nhiều “thượng đế” bức xúc trước thực trạng nhiều thực phẩm héo, thối vẫn vô tư được bày bán tại đây. 

Loại ngao biển có giá khoảng 26.000 đồng được siêu thị đề biển “ngao sống” nhưng nhiều khách hàng có ý định mua khi vừa bước chân đến khoang hàng này đã phải nhăn mũi quay đi vì ngao tươi đâu chẳng thấy, chỉ thấy mùi hôi thối của ngao chết bốc lên nồng nặc. Bên cạnh ngao là các loại ngò biển, hàu biển cũng không thiếu những con đã “há miệng”.

a
Ngao thối nhan nhản trong khoang bán ngao của Metro.
Khu vực bán rau củ quả cũng khiến Metro mất điểm khi để khách hàng bắt gặp rau quả đã héo, thối khá nhiều trên các quầy hàng. Bắp cải tím héo rũ, còn khoai tây tươi, hỏng bày lẫn lộn, củ bị sứt, thối chảy nước vẫn ngang nhiên nằm trên sạp. Loại hành tây đỏ khi sờ vào nhiều củ mềm nhũn, thâm đen, xơ xác như đã được siêu thị này “ngâm” cả tháng trời.

“Tôi không thể hiểu, là siêu thị lớn mà tại sao họ lại làm ăn như vậy”, chị Nguyễn Mai Chi bức xúc "tố".

Trước hàng loạt các bức xúc của người dân như vậy, phía đại diện Metro lại liên tục “đá bóng trách nhiệm” né tránh trả lời chính thức tới các cơ quan ngôn luận. Thư kí của vị Giám đốc Metro cho hay: “Chỉ giải quyết khiếu nại của từng khách hàng đối với Metro và sẽ không trả lời cụ thể các câu hỏi cho báo chí".

5. Phạt 451 triệu đồng Happy Shopping bán hàng nhập lậu qua truyền hình

Vừa qua, UBND TP.HCM đã quyết định xử phạt 451 triệu đồng đối với hàng loạt sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Công ty CP Mua Sắm Hạnh Phúc (công ty bán hàng qua truyền hình có tên gọi Happy Shopping - ảnh), trụ sở tại đường Thống Nhất, P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Happy Shopping là công ty có tần suất quảng cáo trên truyền hình rất nhiều và xuất hiện trên các chương trình tự giới thiệu của đài truyền hình.

Sau khi Chi cục quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra ngày 4/4, Happy Shopping bị phát hiện kinh doanh 13.000 sản phẩm nhập lậu gồm mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, trang sức...

a
Phạt 451 triệu đồng Happy Shopping bán hàng mỹ phẩm, trang
sức, đồ gia dụng nhập lậu qua truyền hình.
Ngoài ra, Happy Shopping còn bán 594 sản phẩm giả, 10.700 mặt hàng nhập khẩu có nhãn bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Kết quả điều tra cho thấy Happy Shopping đã có tám hành vi vi phạm như: nhập khẩu và bán hàng giả, hàng nhập lậu, kinh doanh mỹ phẩm chưa có số đăng ký và công bố chất lượng, kinh doanh hàng nhập khẩu không có nhãn tiếng Việt, sử dụng lao động nước ngoài không có giấy phép (đối với tổng giám đốc có quốc tịch Trung Quốc)...

Các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu như máy cắt rau củ hiệu Kitchen King Pro, cây lau nhà dùng pin hiệu Swivel Sweeper, bộ dụng cụ tắm, bộ dao đa năng... cũng buộc phải tiêu hủy do mang nhãn hiệu “As on seen TV” đã được một doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam...

Sau sự việc này, tất cả đài phát thanh, truyền hình rà soát quảng cáo Happy Shopping. Theo ông Đào Kim Phú (Trưởng đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử  tại TP.HCM), để xảy ra tình trạng quảng cáo lừa trên truyền hình, trách nhiệm đầu tiên trong chuyện này thuộc về các đài, cụ thể là các đài chưa làm nghiêm khâu thẩm định, ký hợp đồng quảng cáo. Việc đưa lên màn hình những quảng cáo sai sự thật, rao bán sản phẩm kém chất lượng là không chấp nhận được.
 

Hiếu Sự

>> Bất ngờ kêu lỗ, Keangnam thu phí "khủng" để hồi vốn?

>> Quảng cáo lừa trên truyền hình, nhà đài không thể vô can

>> Hãi hùng “vịt quay Bắc Kinh” chế biến từ vịt chết thối

>> Bán thực phẩm đắt, thối, Metro bất chấp mất lòng “thượng đế”?

>> Sữa tươi Ba Vì bốc mùi chua, đắng, nhà sản xuất nhập nhèm xin lỗi