Năm 2012, sẽ có nhiều doanh nghiệp BĐS phá sản

01/01/2012 13:12
Khởi Sự
(GDVN) - Theo đánh giá của những nhà kinh doanh BĐS: 2012 là năm cạnh tranh khốc liệt, thậm chí là cuộc chiến sống còn của doanh nghiệp BĐS.

Năm 2012 sẽ có nhiều doanh nghiệp BĐS phá sản?


Đã từ lâu, từ “đại gia” luôn được gắn liền với tên gọi của những người kinh doanh Bất động sản (BĐS). Trong một cuộc chuyện trò cuối năm, Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng lắc đầu thừa nhận về nghịch lý trên thị trường BĐS khi người bán là “thượng đế” còn người mua luôn phải cầu cạnh, tung hô. Tuy nhiên, năm 2011 lại là năm khá đặc biệt của thị trường này, khi quyền của người mua ít nhiều đã được trả lại đúng chỗ của nó.

Theo đó, cảnh trầm lắng, đóng băng của thị trường BĐS suốt một thời gian dài vừa qua khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải hạ giá bán, không ít công ty phải chấp nhận lỗ 20 – 30%. Mặc dù vậy, theo thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, dù giá bán đang có xu hướng giảm xuống song giao dịch bất động sản trong nửa cuối năm 2011 trên địa bàn Thủ đô vẫn sụt giảm mạnh.

Nếu như 6 tháng đầu năm, báo cáo từ các sàn giao dịch cho thấy có 2.700 giao dịch nhà, đất thành công. Nhưng trong quý 3/2011 vừa qua, toàn thành phố chỉ có 900 giao dịch, trong đó vẫn chủ yếu tập trung ở phía Tây, Tây Nam – khu vực vốn là “thiên đường” của giới đầu cơ trước đây.
Theo đánh giá của những nhà kinh doanh BĐS: Năm 2012 là năm cạnh tranh khốc liệt, thậm chí là cuộc chiến sống còn của doanh nghiệp BĐS.
Theo đánh giá của những nhà kinh doanh BĐS: Năm 2012 là năm cạnh tranh khốc liệt, thậm chí là cuộc chiến sống còn của doanh nghiệp BĐS.
Giải thích cho hiện tường này, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành cho rằng: Năm 2011, tình hình kinh tế khó khăn, một số sản phẩm BĐS không phù hợp với thị trường.

“Người dân có nhu cầu chỉ dưới 1 tỷ đồng cho một căn hộ, trong khi, chúng ta chủ yếu cung cấp những căn hộ 2- 3 tỷ đồng. Do đó, chúng ta có một cuộc khủng hoảng vừa thừa vừa thiếu. Thừa những căn hộ 2 – 3 tỷ đồng mà thiếu những căn hộ dưới 1 tỷ đồng”. Do đó, theo ông Đực: Nếu Bộ xây dựng không kịp thời can thiệp, đưa ra các giải pháp, phương án để các nhà đầu chuyển đổi mục đích, hướng kinh doanh, chú ý tới các căn hộ nhỏ khoảng 30-50m2 với giá 500 triệu đến 1 tỷ đồng thì sắp tới nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn, thậm chí phá sản.

Ông Đực nhấn mạnh: Năm 2012 sẽ là năm kinh tế cực kỳ khó khăn. Nhà nước cần kịp thời đưa ra các luật lệ hướng dẫn nhà đầu tư, càng sớm, các doanh nghiệp càng nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng khó khăn.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó chủ tịch hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đánh giá: Việc có nhiều các doanh nghiệp BĐS phá sản trong năm 2012 là điều chắc chắn. Ông Hiệp cho biết: “Có rất nhiều doanh nghiệp BĐS đã phá sản chỉ có điều họ không công bố”. Với tình hình không bán được hàng, bị ngân hàng thúc ép, ông Hiệp tin rằng: “Chắc chắn, nhiều doanh nghiệp phải mua đi bán lại hoặc phá sản”.

Năm 2012, doanh nghiệp BĐS vẫn nín thở lo vay vốn?

Hiện nay, việc thắt chặt tín dụng bất động sản cả phía cung lẫn cầu được coi là một trở ngại lớn đối với khả năng phục hồi của thị trường bất động sản. Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2012 chỉ là năm đảo nợ của thị trường BĐS vì tiền vốn không nhiều.

Chia sẻ với báo Giáo Dục Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó chủ tịch hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng: Phải hết quý 3 may ra thị trường BĐS mới có dấu hiệu khả quan hơn. “Chúng tôi xác định từ nay tới đó chủ yếu sẽ chỉ cầm hơi và chống chọi”.
Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đều đi vào chiến lược giá thành, tính toán chi li từ thiết kế, thi công tiết kiệm, chống lãng phí để giảm giá thành ở mức cao nhất có thể.
Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đều đi vào chiến lược giá thành, tính toán chi li từ thiết kế, thi công tiết kiệm, chống lãng phí để giảm giá thành ở mức cao nhất có thể.

Ông Hiệp cho biết: Hiện nay, doanh nghiệp BĐS vẫn đang cố gắng bằng nội lực của mình, câu chuyện vay vốn ngân hàng trở nên khó khăn và xa vời.

Hơn nữa, theo ông Hiệp, các chủ trương của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ cho thị trường Bất động sản, các văn bản, xu thế đều phải có một độ trễ nhất định trước khi có hiệu quả tác động làm thị trường khởi sắc.

Còn ông Nguyễn Văn Đực (Công ty TNHH địa ốc Đất Lành) lại lo lắng về một kịch bản mà ông cho rằng “hết sức nguy hiểm” có thể xảy ra ở năm 2012.

Trong đó, một doanh nghiệp có 200 tỷ, vay ngân hàng 300 tỷ, thu khách hàng 200 tỷ, tổng cộng đầu tư 700 tỷ để xây dựng dự án. Tuy nhiên, tới lúc gần hoàn thiện thì không còn tiền nữa, ngân hàng không bơm vốn vào còn người dân đã cạn tiền, doanh nghiệp phải bỏ giữa chừng, khối bê tông khổng lồ trở thành vô giá trị. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản hoặc buộc phải bán cho ngân hàng hay Doanh khác với giá khoảng 300 tỷ.

Như vậy, 300 tỷ này, theo ông Đực, chỉ đủ trả nợ cho ngân hàng còn 200 tỷ của người dân đóng góp vào sẽ “không cánh mà bay”, chưa kể sự góp vốn của các doanh nghiệp xây lắp khác tham gia vào dự án.

“Nếu kịch bản này xảy ra thì một sự xáo trộn xã hội to lớn sẽ bùng nổ, Nhà nước xử lý không tốt, doanh nghiệp sẽ phá sản, điều đó cũng đồng nghĩa với việc người dân có nguy cơ mất luôn nhà” – ông Đực không khỏi băn khoăn.

Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đều đi vào chiến lược giá thành, họ phải tính toán chi li từ thiết kế, thi công tiết kiệm, chống lãng phí để làm sao giảm giá thành ở mức cao nhất có thể.

“Năm 2012 sẽ là năm cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, các doanh nghiệp cũng như người dân sẽ phải chịu một “cơn bão” BĐS, thậm chí đây sẽ là cuộc chiến sống còn của doanh nghiệp. Doanh nghiêp nào khôn ngoan, đủ bản lĩnh mới có thể sống sót được. Còn doanh nghiệp nào nào yếu kém về tài chính, nhân lực, khoa học kỹ thuật sẽ sớm bị thải loại, hoặc dự án xây xong, giá cao sẽ không bán được hàng” – ông Đực nhận xét.
Khởi Sự