Nắm giữ hàng chục nghìn tỷ nhưng SCIC hoạt động thiếu chuyên nghiệp

08/03/2013 14:21
H.L (tổng hợp)
(GDVN) - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định: SCIC đã chệch hướng khỏi mục tiêu ban đầu và cần phải xem lại mô hình này.

Trong khi đó, đánh giá về vai trò của SCIC tại các doanh nghiệp sở hữu lớn vốn nhà nước, không ít đại diện doanh nghiệp khẳng định: Nắm khối lượng tài sản khổng lồ, tham gia nhiều HĐQT các công ty lớn, nhưng đến nay vai trò của SCIC tại các DN mà công ty sở hữu lại có vẻ không nổi bật, thiếu chuyên nghiệp.

SCIC là ai?

Trong báo cáo mới đây của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố kết quả kinh doanh năm 2012 tất cả các chỉ tiêu kinh doanh của tổng công ty đều vượt kế hoạch, đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2011. Tuy nhiên, con số gây tranh cãi chính là phần doanh thu 1.568 tỉ đồng của SCIC từ tiền lãi gửi ngân hàng. Theo tính toán, nếu doanh thu đạt 1.568 tỉ đồng thì số tiền SCIC mang gửi ngân hàng thu lãi có thể lên tới 19.600 tỉ đồng.

Việc dùng hàng chục ngìn tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước gửi ngân hàng lấy lãi của SCIC đang gây nhiều tranh cãi.
Việc dùng hàng chục ngìn tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước gửi ngân hàng lấy lãi của SCIC đang gây nhiều tranh cãi.

Trong khi các doanh nghiệp Nhà nước đang thiếu vốn đầu tư vào các dự án quan trọng thì SCIC lại có những khoản "tiền chết" lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng gửi ngân hàng để lấy lãi. Nguồn tiền mặt đáng mơ ước ấy của SCIC có từ đâu? Vì sao SCIC lại có được "may mắn" sử dụng số tiền ấy và việc gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi của SCIC có hợp lý? là những câu hỏi được dư luận đặc biệt quan tâm.
Câu trả lời đã được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng giải đáp trên báo Tuổi trẻ. Theo đó, bà Phạm Chi Lan khẳng định: SCIC đã chệch hướng khỏi mục tiêu ban đầu và cần phải xem lại mô hình này. Theo lời bà Phạm Chi Lan, trước kia khi chuẩn bị thành lập SCIC, Bộ Tài chính đã xây dựng đề án về mô hình hoạt động để trình Thủ tướng Chính phủ. Ban đầu mô hình SCIC thành lập là theo mô hình Temasek của Singapore với mục đích khi khi thành lập SCIC sẽ đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực mới nhằm khuyến khích chuyển đổi nền kinh tế. Sau khi xem xét, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 thành lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (viết tắt là SCIC từ tên giao dịch bằng tiếng Anh: State Capital and Investment Corporation). Với bộ máy gồm Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, các chức doanh TGĐ, Phó TGĐ, các công ty chi nhánh và văn phòng đại diện.Vai trò của SCIC với doanh nghiệp quá mờ nhạt Với tư cách là tổ chức chuyên quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn của Chính phủ, SCIC ra đời nằm trong tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của nhà nước tại doanh nghiệp. SCIC thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, thực hiện đầu tư tài chính, kinh doanh vốn theo những nguyên tắc, quy luật thị trường. Ngày 30/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 992/QĐ-TTg về việc chuyển Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Vào thời điểm ban đầu khi thành lập theo Quyết định thành lập được Thủ tướng Phan Văn Khải ký vốn điều lệ của SCIC là 5.000 tỉ đồng bao gồm vốn nhà nước là 1.000 tỉ còn lại là tiếp quản từ các công ty. Sau đó trong Quyết định chuyển đổi SCIC thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, số vốn điều lệ khi chuyển đổi là 19.000 tỷ đồng (Mười chín nghìn tỷ đồng). Theo Điều 7 quyết định này thì Thủ tướng Chính phủ và các Bộ theo sự ủy quyền của Chính phủ thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mấy năm qua SCIC lại cho thấy có không ít vấn đề về tổ chức, vận hành, hiệu quả. Kết quả hoạt động năm 2012 dù lãi nhưng lại cho thấy SCIC đang phải phụ thuộc khá lớn vào một số doanh nghiệp lớn làm ăn có lãi như Vinamilk và coi đấy là hiệu quả của mình. Như thế không thật sòng phẳng. Trong khi đó, SCIC lại có nhiều quyết định đầu tư khó hiểu như đầu tư cả ngàn tỉ đồng vào Vinaconex trong khi hoạt động của Vinaconex cũng như của toàn ngành bất động sản, xây dựng năm 2012 còn nhiều vấn đề... “Thực tế SCIC không đem lại nhiều lợi ích như chúng ta mong muốn” do đó, “cần đưa SCIC khỏi Bộ Tài chính, buộc nó phải công khai, chịu sự giám sát như công ty niêm yết” và SCIC nên hoạt động theo đúng mô hình Temasek định hướng ngay từ đầu. Trong khi đó, đánh giá về vai trò của SCIC tại các doanh nghiệp sở hữu lớn vốn nhà nước, không ít đại diện doanh nghiệp khẳng định: Nắm khối lượng tài sản khổng lồ, tham gia nhiều HĐQT các công ty lớn, nhưng đến nay vai trò của SCIC tại các DN mà công ty sở hữu lại có vẻ không nổi bật, thiếu chuyên nghiệp. Cũng chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, một đại diện của Vinamilk (đơn vị đang được SCIC nắm giữ tới 375 triệu cổ phiếu với tổng giá trị trên 39.300 tỉ đồng - tính đến ngày 6/3/2013), thẳng thắn: “Đáng ra, với vai trò chiếm tới 45,05% vốn điều lệ, SCIC phải cùng tham gia và ủng hộ các chiến lược để phát triển công ty, theo hướng vì quyền lợi chung của Vinamilk và của các cổ đông, trong đó có quyền lợi của SCIC. Tuy nhiên, đại diện vốn nhà nước SCIC đang hành xử với doanh nghiệp không đúng vai trò của mình mà đang còn có sự nhập nhằng mang tính quản lý nhà nước, gây lực cản sự phát triển của doanh nghiệp”.
Cách làm của Temasek Singapore là họ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới, lĩnh vực mũi nhọn mà khu vực tư nhân chưa có khả năng làm. Đôi khi Temasek không tham gia mà hỗ trợ cho doanh nghiệp dám tiên phong trong lĩnh vực mới, có thể đem lại hiệu quả cao cho đất nước. Họ từ chỗ chủ yếu dựa vào cảng, dịch vụ tài chính... đã tạo ra được những ngành có lợi thế mạnh như dịch vụ y tế, giáo dục cho cả khu vực, phát triển được khoa học công nghệ cao. Nhưng Temasek dù bỏ vốn nhưng chỉ sau một vài năm, khi doanh nghiệp vững mạnh thì họ rút vốn để đầu tư vào chỗ cần vốn khác.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
H.L (tổng hợp)