Nếu Air Mekong ngừng bay, chuyện không bất ngờ!

18/02/2013 07:02
Hà Nhi
(GDVN) - Mặc dù chưa được nêu danh chính thức nhưng việc Air Mekong ngừng bay dường như đã được tiên liệu trước. Và với các chuyên gia trong ngành hàng không, việc này không quá gây bất ngờ!

Nếu Air Mekong ngừng bay: Kết quả đã được tiên liệu trước
Gần đây, thông tin Air Mekong tạm ngừng khai thác rộ lên ở các đại lý bán vé máy bay do hãng chỉ bán vé đến hết ngày 28/2. Hành khách mua vé trực tuyến tại địa chỉ www.airmekong.com.vn hoặc mua vé trực tiếp tại đại lý, phòng vé của hãng đều được trả lời chưa có lịch bay từ tháng 3 nên chưa bán. 
Trên một số trang tin điện tử có nêu rõ: Mỗi ngày mua 1,3 tỉ đồng tiền xăng nhưng Air Mekong gần đây đã không thể trả tiền đúng hạn, buộc Công ty Xăng dầu hàng không phải có văn bản đốc thúc trả nợ.
Chính thức bay từ cuối năm 2010, hãng hàng không tư nhân Air Mekong đã lỗ nhiều hơn dự kiến và đang trở thành con nợ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngành hàng không. 
Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nhận định: Câu chuyện của Air Mekong hay trước đó là Indochina Airlines ngừng bay không có gì quá bất ngờ, mà nó thậm chí còn được báo trước qua diễn biến thị trường hàng không.
Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nhận định: Câu chuyện của Air Mekong hay trước đó là Indochina Airlines ngừng bay không có gì quá bất ngờ, mà nó thậm chí còn được báo trước qua diễn biến thị trường hàng không.

Mới đây, thông tin từ Cục Hàng không cho biết, do khó khăn, nhiều khả năng một hãng bay tư nhân sẽ ngừng bay vào cuối tháng 2/2013.
Điều này càng tăng thêm nghi vấn cho người tiêu dùng về việc Air Mekong ngừng bay trong thời gian tới. 
Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nhận định: Câu chuyện của Air Mekong hay trước đó là Indochina Airlines ngừng bay không có gì quá bất ngờ, mà nó thậm chí còn được báo trước qua diễn biến thị trường hàng không.
Như một vĩ nhân nào đó đã từng nói: “Muốn trở thành triệu phú hàng không, phải bắt đầu từ tỉ phú”.  
Trước đó, tính đến hết tháng 11/2011, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam gồm 96 tàu bay các loại, trong đó có 43 tàu bay do hãng sở hữu (chiếm tỷ lệ 44,8%). Năm 2012, hàng không Việt Nam được bổ sung thêm 2 hãng hàng không mới gồm cả AirMekong và VietJet Air. Tổng số giờ bay của các hãng hàng không Việt Nam năm 2012 tăng mạnh 34,6% so với năm 2011. Số chuyến bay tăng 52,2%, lên con số 179.143 chuyến.
Sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam năm 2012 là 17,5 triệu lượt hành khách trong đó nội địa chiếm 12,2 triệu khách, tăng tương ứng 1,8% về hành khách so với năm 2011. Như vậy, tổng thị trường đi lại nội địa hầu như không tăng, (chỉ khoảng 1,8%). Từ đó kết luận, khi có thêm nguồn cung, hoặc cung bị thừa thì các hãng thu hút khách bằng cách giảm giá, lượng khách chuyển dịch qua lại giữa hãng này và hãng khác mà không tạo ra nguồn khách mới.
Trong khi, trước năm 2008, khi thị trường hàng  không nội địa chỉ có một mô hình truyền thống, sau đó, Jetstar Pacific chuyển sang mô hình hàng không giá rẻ như một luồng gió mới cho thị trường, bởi sự phân chia dịch vụ dành cho nhóm khách bình dân, những người đi lại vừa với tiền túi của mình. Kết quả, năm 2008 – 2009, thị trường hàng không có sự tăng trưởng rõ rệt về lượng khách, Jetstar Pacific có thời điểm tăng đến 30%.
Đến nay, khi có thêm đơn vị tư nhân tham gia lĩnh vực giá vé rẻ, cạnh tranh đã trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng chủ yếu bằng chiêu thức giảm giá. “Điều này sẽ dẫn đến các hãng hàng không "tự hại" lẫn nhau khi doanh thu sụt giảm từ cạnh tranh giá” – chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nhận định.

Các hãng hàng không đang “tự hại” lẫn nhau?

Báo cáo của chính doanh nghiệp nắm thị phần chi phối thị trường hàng không nội địa - Vietnam Airlines cho thấy, việc tham gia mạnh mẽ của VietJetAir là lý do khiến hãng này bị mất thị phần trên hai đường bay có dung lượng hành khách lớn nhất hiện nay là Hà Nội - TP.HCM và TP.HCM - Đà Nẵng.
Khởi động đường bay từ cuối năm 2011, đến nay, VietJetAir đã khai thác những đường bay nối những địa danh trọng điểm bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, Phú Quốc và các đường bay quốc tế trong thời gian tới.
Được biết, trước sự cạnh tranh quyết liệt của Air Mekong và VietJetAir, thị phần vận chuyển hàng không nội địa của Vietnam Airlines đã giảm từ 77% hồi cuối năm 2011 xuống còn 74,4% vào cuối tháng 5/2012.
“Có thêm nhiều hãng hàng không, bao gồm cả tư nhân tham gia là điều tích cực, có lợi cho người tiêu dùng nhưng trên thực tế, đối với tư nhân, thường mục đích cuối cùng của họ là tìm kiếm lợi nhuận khi đầu tư vào lĩnh vực nào đó. Với hàng không cũng vậy, họ đầu tư và kỳ vọng vào lợi nhuận, khi bị lỗ hoặc cảm thấy cơ hội không cao thì họ dừng lại, hoặc chuyển lĩnh vực khác” – một chuyên gia hàng không nhấn mạnh.

Các hãng hàng không "tự hại" lẫn nhau khi doanh thu sụt giảm từ cạnh tranh giá. (Ảnh minh họa)
Các hãng hàng không "tự hại" lẫn nhau khi doanh thu sụt giảm từ cạnh tranh giá. (Ảnh minh họa)

Theo quy luật cạnh tranh, doanh nghiệp trường vốn thì sẽ tồn tại tiếp và doanh nghiệp yếu vốn sẽ bị "chết". 
Còn về lý thuyết, khi một đơn vị hàng không bị loại ra khỏi danh sách bay, doanh nghiệp tồn tại sau đương nhiên sẽ có lợi, tuy vậy, không ít người đang hoạt động trong ngành hàng không đã thú nhận: Để hưởng được “cái lợi” đó còn phải chờ đợi dài dài!
Bởi đến lúc đó, hãng nào “sống sót” đều phải đối mặt với 2 khó khăn song hành: Một là sự tốn kém về chi phí sau một thời gian gồng gánh, đồng thời, phải vừa tiếp tục phải đảm bảo lưu thông vận tải hàng không.
“Nếu đúng Air Mekong sẽ dừng bay vào cuối tháng 2/2013, người thiệt nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng, bớt đi các lựa chọn bay của mình. Còn đối với thị trường hàng không, trên thực tế, Air Mekong  mất đi sẽ không ảnh hưởng quá nhiều bởi Air Mekong đóng vai trò nhỏ trong tổng vận tải hàng không và chủ yếu phục vụ đường bay ngắn, còn đường bay trục có các hãng lớn” – một doanh nghiệp hàng không cho biết.
Trước đó, Air Mekong khai thác liên tục trung bình trên 30 chuyến bay mỗi ngày với 13 đường bay đến 9 điểm nội địa, gồm Hà Nội, TP.HCM, Vinh, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đà Lạt, Quy Nhơn, Côn Đảo, Phú Quốc.
Đối mặt với tin đồn ngừng bay, Air Mekong vẫn tỏ ra khá điềm tĩnh. ông Trương Thành Vũ - Giám đốc Thương mại và Dịch vụ Air Mekong chia sẻ trên trang tin điện tử của VTC: "Doanh nghiệp nào chẳng có nợ. Chúng tôi nợ người khác, người khác lại nợ chúng tôi. Nợ có đảm bảo, đến hạn sẽ thanh toán". 
"Doanh nghiệp nợ nhau là việc bình thường trong kinh doanh, đối với Air Mekong, chúng tôi đảm bảo theo đúng cam kết. Lịch bay của Air Mekong được công bố cho từng giai đoạn để hạn chế đến mức thấp nhất phải thay đổi gây phiền toái cho khách", ông Trương Thành Vũ khẳng định.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hà Nhi