Ngân hàng ACB phải mất nhiều năm giải quyết tồn đọng vụ "bầu Kiên"

14/08/2013 09:57
Theo Thời báo kinh doanh
Sau sự cố ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị bắt, ngân hàng Á Châu (ACB) bị chao đảo mạnh, tài sản sụt giảm hàng trăm nghìn tỷ đồng. Hơn nữa, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm trước.
ACB sẽ phát triển như thế nào khi lợi thế về đầu tư vàng, đầu tư tài chính không còn là thế mạnh? ACB sẽ đi về đâu khi lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là ngân hàng bán lẻ đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi những đối thủ có tiềm lực tài chính mạnh?
Nợ xấu tăng phi mã
Ngân hàng TMCP Á Châu vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2013. Theo đó, tại thời điểm 30/6, ngân hàng có tổng tài sản 169.403 tỷ đồng, giảm 3,9% so với 176.307 tỷ đồng hồi cuối năm ngoái. Tổng tài sản giảm chủ yếu do khoản tiền gửi tại TCTD khác của ACB giảm mạnh, tới hơn 9.200 tỷ đồng, tương đương 45,6%, xuống còn 11.011 tỷ đồng. Khoản tiền này có 2.337 tỷ đồng là không kỳ hạn và có kỳ hạn là 8.637 tỷ đồng. Trong phần tiền gửi có kỳ hạn, thuyết minh báo cáo lưu ý vẫn còn 719 tỷ đồng số dư tiền gửi tại một ngân hàng TMCP quốc doanh (Vietinbank) còn liên quan đến cuộc điều tra. Dư nợ cho vay khách hàng của ACB tính đến hết quý II năm nay là 108.786 tỷ đồng, tăng 7,4% so với đầu năm. Tín dụng tăng đi kèm với khoản nợ xấu của ACB cũng tăng theo. Thuyết minh báo cáo cho thấy ngân hàng có tổng cộng 3.302 tỷ đồng nợ xấu tại thời điểm 30/6, tăng 28,5% so với 2.570 tỷ cùng kỳ năm ngoái và chiếm 2,99% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.
ACB cần mất nhiều năm để xử lý các khoản nợ xấu
ACB cần mất nhiều năm để xử lý các khoản nợ xấu
Trong các nhóm nợ xấu, duy có nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là giảm 23%, còn lại nợ nhóm 4 và nhóm 5 đều tăng mạnh. Tại thời điểm 30/6, ACB có 946 tỷ đồng nợ nghi ngờ và 1.782 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, tăng lần lượt 40,6% và 55% so với cuối năm 2012.
ACB cũng là TCTD đầu tiên lên tiếng về khả năng bán lại nợ xấu cho VAMC, khoảng 1.500 tỷ đồng. Theo giới phân tích nhận định, nợ xấu tại ACB đang xấu đi nghiêm trọng. So với cùng kỳ năm ngoái, số nợ xấu đã tăng thêm 20%, tốc độ gần như là nhanh nhất trong lịch sử 20 năm hoạt động của ngân hàng này. Nhưng tỷ lệ nợ xấu của ACB vẫn thấp hơn 3%, mức bắt buộc phải bán lại nợ cho VAMC. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB, cho biết: "Chúng tôi chủ động tính toán các phương án và xem số nợ xấu có khả năng bán là bao nhiêu. Thời gian bán lại nợ xấu cho VAMC là 5 năm, thời gian đó đủ để các ngân hàng giảm bớt áp lực nợ xấu, thứ hai là tiền thu được từ bán nợ xấu sẽ đưa vào kinh doanh để sinh lời". Theo ACB, nếu không xử lý được nợ xấu, các ngân hàng đang phải gánh trên lưng 2 loại chi phí: thứ nhất đó là lãi vay vẫn phải trả đều đặn cho người gửi tiền, thứ hai ngân hàng phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để trích lập dự phòng rủi ro. Tiền không đẻ ra tiền, không đem lại lợi nhuận, mà càng để lâu lại càng hao hụt. Do vậy, dù dồi dào thanh khoản, nhưng bán lại nợ xấu vẫn là một giải pháp đỡ xấu hơn. Mặc dù hiệu quả đối với ACB là không cao lắm, nhưng áp lực xử lý nợ xấu có giảm hơn. Khi nợ xấu giảm, ACB có thể tính đến việc mua nợ. Mua bán nợ xấu cũng là mảng kinh doanh sinh lời.Mất nhiều năm giải quyết tồn đọng Trước đây, hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối là thế mạnh, mang lại nhiều lợi nhuận cho ACB thì năm ngoái đây là một đòn giáng mạnh với tổng mức lỗ trên 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang quý II năm nay, các khoản đầu tư này đã có lãi 30 tỷ đồng, nhưng lũy kế 6 tháng chỉ lỗ 54 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ vẫn là do ACB phải tất toán, trả lại vàng cho người gửi, đồng thời bù đắp bằng nguồn vốn huy động tiền đồng với chi phí cao hơn. Theo ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành Công ty CP chứng khoán Tp.HCM, lợi nhuận của ACB giảm là do còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề tồn đọng. Theo số liệu từ HSC, đến 30/6, dư nợ cho vay đối với bầu Kiên và các bên liên quan là 7.128 tỷ đồng. Gốc vay đã được gia hạn trả đến năm 2015, 2018 và 2020, lãi thanh toán định kỳ hoặc hàng năm. Tài sản thế chấp gồm 20,5% là cổ phiếu niêm yết, còn lại chủ yếu là chứng khoán chưa niêm yết. Hiện bên vay đã không thể trả lãi định kỳ và nếu khoản lãi này tiếp tục bị khất thì sẽ phải đưa vào nhóm có rủi ro cao hơn trong năm sau. Điều này sẽ gây tác động đến thu nhập lãi thuần cũng như tăng chi phí dự phòng trích lập, khiến kết quả kinh doanh của ACB bị ảnh hưởng sang cả năm 2014. Hơn nữa, ACB đã đặt một khoản tiền gửi là 1.193 tỷ đồng tại một ngân hàng cổ phần khác để đảm bảo khả năng thanh toán nợ của các công ty liên quan đến bầu Kiên vay tại nhà băng. "Chúng tôi không có con số cụ thể về nghĩa vụ bảo đảm này. Khoản nợ của nhóm các công ty bầu Kiên vay tại ngân hàng cổ phần nói trên được bảo đảm bằng tài sản định giá 604 tỷ đồng. Rõ ràng, ACB có trách nhiệm thanh toán phần chênh lệch giữa giá trị khoản vay và giá trị thu hồi tài sản đảm bảo nếu các công ty này không thể trả nợ", ông Mac Cana phân tích thêm. ACB cũng còn 854 tỷ đồng dư nợ cho vay đối với Vinalines, đã được cơ cấu và phân loại nợ nhóm 2. Thông thường, khoản vay của Vinalines có tài sản bảo đảm là các con tàu. Tuy nhiên, cũng không đủ thông tin để đánh giá chất lượng những tài sản này nên nhiều khả năng ACB phải trích lập dự phòng đáng kể cho khoản vay trên. Mặc dù ACB đang rất tích cực tìm kiếm giải pháp phù hợp để xử lý các khoản nợ trên nhưng mọi thứ vẫn chưa thay đổi và ACB vẫn cần mất nhiều năm để xử lý các khoản nợ xấu này.
Theo Thời báo kinh doanh