Nhà chồng Á hậu Thiên Lý sở hữu cổ phiếu cao bất thường tại NamABank

31/08/2013 10:22
Theo Infonet
Với số lượng thành viên có mối quan hệ mật thiết với nhau lấn át hoàn toàn trong HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), nhóm cổ đông liên quan đến gia đình bà Tư Hường cũng sở hữu một lượng lớn cổ phiếu và thậm chí còn vượt tỷ lệ sở hữu cho phép theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng.
Cụ thể, cổ đông pháp nhân duy nhất và là cổ đông lớn nhất được lộ diện tại NamABank là Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương (Pacific Dragon)1, sở hữu 11.035% vốn của ngân hàng.

Đây là một trong những công ty thuộc gia đình bà Tư Hường (Trần Thị Hường) và cũng là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Hoàn Cầu2. Rồng Thái Bình Dương có vốn điều lệ 90 tỷ đồng, do con trai và con gái bà Tư Hường đứng tên góp gần 100% vốn. Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Toàn góp 89.7 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc góp 250 triệu đồng.


Về phía cá nhân, theo số liệu công khai thì những thành viên trong gia đình bà Tư Hường nắm giữ hơn 15.97% vốn cổ phần tại NamABank.

Bà Tư Hường (cố vấn HĐQT NamABank) tuy đã giảm tỷ lệ sở hữu đáng kể so với trước đây nhưng vẫn còn nắm 4.96%. Hai người con của bà Hường là ông Nguyễn Quốc Mỹ và bà Nguyễn Thị Xuân Loan nắm giữ tỷ lệ lần lượt 4.130% và 0.654%. Con rể của bà Hường, ông Huỳnh Thành Chung (chồng bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc) cũng sở hữu tỷ lệ 1.305%. Đồng thời, bà Loan, ông Mỹ, ông Chung đều nằm trong HĐQT ngân hàng do bà Loan nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT.


Một nhân vật mới toanh đối với NamABank nhưng không mấy xa lạ chính là á hậu Dương Trương Thiên Lý (con dâu bà Tư Hường, vợ ông Nguyễn Quốc Toàn – Chủ sở hữu Rồng Thái Bình Dương) đã bất ngờ nắm 14,764,414 cp, ứng với 4.92% vốn tại NamABank tính đến cuối năm 2012.

Cập nhật đến ngày 31/12/2012
Cập nhật đến ngày 31/12/2012

Như vậy, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông trên lên đến hơn 27% vốn điều lệ của NamABank theo số liệu tính đến cuối năm 2012. Mức sở hữu này chưa bao gồm 2.857% vốn cổ phần của một nhân vật cũng có sự gắn bó lâu dài với gia đình bà Hường là ông Phan Đình Tân. Ông đang giữ vị trí Thành viên HĐQT NamABank, đồng thời cũng là Tổng giám đốc của Hoàn Cầu (Đây là công ty thuộc sở hữu của vợ chồng bà Tư Hường do ông Tân làm Tổng giám đốc từ năm 1990).

Bên cạnh đó, theo bản cáo bạch năm 2010 của NamABank thì một số người con khác trong gia đình bà Hường cũng có nắm giữ cổ phần gồm bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc – con gái bà Tư Hường nắm 588,280 cp NamABank (tỷ lệ 0.47% với vốn điều lệ tương ứng 1,253 tỷ đồng), ông Lê Đình Trí – chồng bà Nguyễn Thị Xuân Loan nắm 1,108,066 cp NamABank (tỷ lệ 0.88%). Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, NamABank không công bố thông tin về sở hữu cổ phần của bà Ngọc và ông Trí.

Tuy nhiên, khi tham vấn với một luật sư tại TPHCM, ông này cho biết, xét về định nghĩa người có liên quan theo điểm c, d, đ tại Khoản 28, Điều 4 của Luật Tổ chức Tín dụng 2010, nhóm cổ đông được xem là liên quan trong trường hợp NamABank bao gồm Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương, ông Nguyễn Quốc Toàn, ông Nguyễn Quốc Mỹ, bà Dương Trương Thiên Lý và bà Trần Thị Hường.

Nhóm cổ đông có liên quan này sở hữu 25.05% vốn điều lệ tại NamABank như số liệu thống kê trên.

Bà Trần Thị Hường - bà Dương Trương Thiên Lý - bà Nguyễn Thị Xuân Loan - ông Nguyễn Quốc Mỹ - ông Huỳnh Thành Chung
Bà Trần Thị Hường - bà Dương Trương Thiên Lý - bà Nguyễn Thị Xuân Loan - ông Nguyễn Quốc Mỹ - ông Huỳnh Thành Chung

Cũng theo Luật Tổ chức tín dụng 2010, một điểm đáng lưu ý là Luật quy định tỷ lệ sở hữu của cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó trong một tổ chức tín dụng không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, bao gồm cả ủy thác đầu tư. Như vậy, gia đình bà Tư Hường có tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng NamABank vượt hơn 5 điểm phần trăm so với Luật định xét về những khoản sở hữu đã công khai công bố.

Cũng trong năm 2012 này, ngân hàng NamABank đã có những hoạt động cho vay rất lớn với những công ty có liên quan đến thành viên HĐQT, lên đến hàng ngàn tỷ đồng (1,192 tỷ đồng), chiếm hơn 19% tổng dư nợ cho vay khách hàng và tương đương 36% vốn tự có của ngân hàng. Cũng cần lưu ý, theo quy định về giới hạn cấp tín dụng của Luật các Tổ chức tín dụng 2010, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại.Trong khi tỷ lệ này tại NamABank đã lên đến con số 36%.

Theo Infonet