Những cuộc đối đầu không thể tin nổi tại chung cư Hà Nội

28/12/2011 15:54
Năm 2011 đã khép lại, nhưng dư âm và những cuộc chiến chưa có hồi kết của các khu chung cư ở Hà Nội vẫn đang nhức nhối.
Phí dịch vụ quản lý “cắt cổ”, chất lượng và thi công chậm tiến độ... là những lý do nảy sinh nhiều vụ “đối đầu” giữa cư dân, chủ đầu tư và đơn vị quản lý tòa nhà tại nhiều chung cư.

1. Cư dân Sky City Towers phản đối phí trông xe

Ngày 1/4, hàng trăm cư dân sinh sống tại khu chung cư cao cấp Sky City Towers (88 Láng Hạ, quận Ba Đình) đã tập trung phản đối chủ đầu tư là Công ty TNHH Hanotex áp những khoản thu bất hợp lý, trong đó phí giữ ôtô lên đến 2,5 triệu đồng/tháng.

Người dân cho rằng, mức phí trên đã cao gấp đôi so với khung giá của UBND TP Hà Nội quy định với  mức cao nhất chỉ có 1,25 triệu đồng/tháng. Không thể chấp nhận mức giá chủ đầu tư đơn phương đưa ra, các cư dân đã mời luật sư vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho mình. Sau những động thái đó của người dân, chủ đầu tư đã phải “nhượng bộ” bằng cách chỉ thu 1,25 triệu đồng/tháng/xe ôtô.

2. Keangnam Vina và những scandal “ngớ ngẩn”


Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower (đường Phạm Hùng) do Cty TNHH một thành viên Keangnam Vina làm chủ đầu tư được khởi công với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD từ năm 2007, theo thiết kế cao 70 tầng và là tòa nhà cao nhất Việt Nam tại thời điểm đó.

Có lẽ do “chạy đua” tiến độ nên chỉ trong vòng chưa đầy một năm ( từ tháng 7.2009 đến tháng 2.2010) tại Keangnam liên tục xảy ra các vụ tai nạn lao động làm 6 người chết, nhiều người bị thương.

Cùng với đó, tòa nhà này còn liên tục xảy ra các vụ hỏa hoạn khiến người dân sinh sống tại tòa nhà vô cùng lo lắng. Sự cố vỡ trụ cứu hỏa do công nhân kỹ thuật vận hành chưa có kinh nghiệm xảy ra ngày 9.6 khiến nhiều căn hộ ở tầng 26, 27 chìm trong biển nước, cư dân hoảng loạn khi 10 thang máy đã bị “tê liệt”.

Chiều 27/8 lửa lại xuất hiện tại tầng 7 của tòa nhà đang xây dựng của Keangnam khiến hàng trăm công nhân đang làm việc tại đây vô cùng hoảng loạn chạy khỏi hiện trường. Gần đây nhất là ngày 6.11, một đám cháy bùng phát tại tầng 1 tháp B của tòa cao ốc 70 tầng Keangnam do cháy xốp vách ngăn giữa các phòng đã khiến người dân vô cùng hoảng sợ.

Tiếp đến là cuộc chiến dai dẳng từ tháng 6 đến nay vẫn chưa kết thúc về việc cư dân đấu tranh hàng loạt mức phí “khủng” do đơn vị quản lý tòa nhà đưa ra, nhất là mức phí quản lý 0,99 USD/m2 /tháng (gần 21.000 đồng). Sau nhiều lần đấu tranh căng thẳng, Keangnam mới chịu hạ phí quản lý xuống còn 17.130 đồng/m2 (chưa bao gồm VAT) nhưng cư dân Keangnam vẫn chưa đồng ý do vẫn cao gấp 4,5 lần quy định của UBND TP Hà Nội.

Ngày 3/12 vừa qua, Keangnam đã khóa thang máy đối với những hộ dân không đóng phí “khủng” khiến cư dân đã tụ tập phản đối bằng nhiều biểu ngữ được chăng khắp tòa nhà. Cư dân Keangnam đã gửi đơn “kêu cứu” tới các cơ quan chức năng, hiện câu chuyện “phí” tại đây vẫn chưa ngã ngũ.

3. Sự cố thang máy chết người ở CT3 Yên Hòa

Vụ tai nạn thang máy kinh hoàng xảy ra ở tòa nhà CT3 Yên Hòa (Cầu Giấy) ngày 21.9 khiến ông Nguyễn Văn Hòa, một vị khách đến chơi với người sống tại tòa nhà đã tử vong tại chỗ không chỉ gây xôn xao dư luận mà còn khiến người dân sống tại tòa nhà hoảng sợ, lo lắng.
Trước sự việc đáng tiếc này, sáng 28.9, các cư dân tòa nhà đã tìm gặp chủ đầu tư là TCty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim Holdings) để có thể tìm ra những câu trả lời thỏa đáng cũng như hướng giải quyết các vấn đề như: Thang máy hỏng liên tục và chuyện đi bộ của những người già trẻ nhỏ tại tòa nhà này là chuyện “cơm bữa”. Phía trước tòa nhà CT3 là sân chơi cho trẻ nhỏ thế nhưng từ lâu đã bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh trông giữ xe ô tô, khiến xe ra vào liên tục gây cản trở nghiêm trọng cho các hộ trong việc sinh sống.

Hệ thống cấp thoát nước của toà nhà CT3 rất kém nên 6 tháng gần đây khi trời mưa to khoảng 1 tiếng hoặc chỉ cần mưa nhỏ 2-3 tiếng thì nước mưa và nước thải trong khu chung cư không có lối thoát nên ứ đọng ngay lại trên các mặt đường nội bộ từ 30-50cm. Còn nếu mưa to trong nhiều giờ đồng hồ thì nước trên mặt đường tràn mạnh xuống dưới, tầng hầm bị ngập, gây thiệt hại tài sản và nguy hiểm đến tính mạng người dân. Các tòa nhà phải dùng máy bơm riêng để hút nước liên tục từ tầng hầm đẩy lên mặt đường nội bộ trong suốt thời gian mưa....

Theo phản ánh của các hộ dân, đến nay chủ đầu tư mới chỉ sửa được mỗi cái thang máy, còn các vấn đề khác chưa giải quyết dứt điểm mà chỉ khắc phục mang tính “đối phó”. Vì thế, cư dân CT3 cho hay, họ sẽ tiếp tục đấu tranh đến cùng nếu chủ đầu tư cứ cố tình làm ngơ.

4. Tòa nhà Kinh Đô bị dân “tố” cơi nới tầng thượng

Từ tháng 8 đến nay, cư dân tòa nhà Kinh Đô - 93 Lò Đúc đã và đang “tố” chủ đầu tư là Cty TNHH Khách sạn Kinh Đô (Cty Kinh Đô) tự ý cơi nới, xây dựng không phép trên tầng thượng, tầng thứ 30 của tòa nhà (hay là tầng 27 vì có 3 tầng là G, M, KT không đánh số).

Cùng với đó, người dân còn “phanh phui” từ khi đóng tiền góp vốn xây dựng mua căn hộ với Cty Kinh Đô, mỗi căn hộ đều phải đóng 12,5 triệu đồng vào đợt góp vốn thứ 3 để xây dựng hệ thống gas trung tâm. Tuy nhiên, cho đến nay hệ thống gas chẳng thấy đâu, còn người dân thì khổ ải khi nhà nhà phải gọi gas lẻ bên ngoài rất bất tiện và không an toàn. Điều đáng nói, mỗi bình gas người dân đều phải trả thêm 30% trên tổng số giá thành để trả cho chi phí vận chuyển gas bằng cầu thang bộ vì không được đi cầu thang máy.

Bên cạnh đó, người dân còn “tố” Cty Kinh Đô đã thu phí nước sinh hoạt sai quy định. Cụ thể, từ năm 2008, đơn vị này đã thu tiền nước của cư dân theo giá nước kinh doanh là 5.000đồng/m3 trong khi qui định của thành phố đối với nước sinh hoạt là 2.800đồng/m3. Tháng 7.2010 đến nay, chủ đầu tư thu của dân là 6.000đồng/ m3 trong khi quy định của thành phố là 4.000đồng/m3....

Đến nay, sự việc vẫn chưa có hồi kết khi người dân vẫn gửi đơn tố cáo khắp các cơ quan chức năng, Thanh tra Sở Xây dựng vẫn đang vào cuộc để kiểm tra vẫn đề người dân “tố” chủ đầu tư xây dựng không phép ở tầng thượng tòa nhà.

5. Cty TSQ bị khách hàng mua chung cư Euroland kiện

Dùng đôla Mỹ làm đơn vị cho giá trị hợp đồng, áp dụng lãi suất phạt chậm thanh toán tới 24%, huy động vốn vượt mức quy định, chậm tiến độ giao nhà... là những điều mà hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại hai tòa nhà T1 và T2 chung cư CT01 – Việt Kiều Châu Âu Euroland ở KĐT Mỗ Lao (Hà Đông) đã tố cáo chủ đầu tư là Cty TSQ Việt Nam.
Đến nay, nhiều khách hàng đang đứng trước nguy cơ “mất trắng” dù đã đóng đến 90% giá trị dự án do chủ đầu tư đơn phương chấm dứt hợp đồng. Hiện, hàng trăm khách hàng của dự án làng Việt kiều châu Âu đã gửi đơn kiện lên Tòa án quận Hà Đông để được giải quyết.

Theo Lao động