Nói sữa hoàn nguyên thành "sữa tươi tiệt trùng" là gian lận thương mại

12/11/2012 16:13
Theo Mai Thanh/Diễn đàn doanh nghiệp
PGS TS Nguyễn Đăng Vang cho rằng: Những sản phẩm sữa nước được chế biến bằng cách pha thêm nguyên liệu sữa bột, qua xử lý ở nhiệt độ cao thì phải gọi là "sữa hoàn nguyên tiệt trùng", thế nhưng rất nhiều DN vẫn ghi trên nhãn là "sữa tươi tiệt trùng". Đây rõ ràng là hành vi đánh lừa người tiêu dùng và hành vi gian lận thương mại này ngày càng phát lộ.
Xoay quanh câu chuyện về thực trạng đáng báo động khi các doanh nghiệp sữa vi phạm quy cách giới thiệt sản phẩm (sữa lỏng) khi ghi trên nhãn là “sữa tươi nguyên chất”, “sữa tươi tiệt trùng” trong khi nguyên liệu chế biến đều là sữa gầy... phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS TS Nguyễn Đăng Vang - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội để làm rõ hơn vấn đề này. Ông Vang cho biết, cách đây 3 năm báo chí cũng nói đến việc sữa tươi và sữa hoàn nguyên khi nguyên liệu sản xuất sữa nhập từ Trung Quốc bị nhiễm melamin. Tuy nhiên, sau những xử lý không dứt điểm của cơ quan chức năng, sự việc bị “chìm xuồng”. Những sản phẩm sữa nước được chế biến bằng cách pha thêm nguyên liệu sữa bột, qua xử lý ở nhiệt độ cao thì phải gọi là "sữa hoàn nguyên tiệt trùng", thế nhưng rất nhiều DN vẫn ghi trên nhãn là "sữa tươi tiệt trùng". Đây rõ ràng là hành vi đánh lừa người tiêu dùng và hành vi gian lận thương mại này ngày càng phát lộ.- Là người làm công tác nghiên cứu khoa học, chắc ông có số liệu để chứng minh cho hành vi “gian lận thương mại” như ông nói ? Theo thống kê của nhà nước tính đến tháng 10/2011 cả nước có 142.702 con bò sữa, trong đó bò cái vắt sữa là 102.667 con, sản lượng sữa thu được là 345.444 tấn. Hà Nội có 9.655 con bò sữa, trong đó, bò cái vắt sữa là 6.655 con. Vùng Sơn La (Mộc Châu) sở hữu 7.365 con bò sữa, trong đó, bò cái vắt sữa là 3.725 con. TP HCM là 77.329 con, trong đó có 61.245 con bò cái vắt sữa sản lượng là 214.014 tấn. Trong khi đó, bình quân mức tiêu thụ sữa của mỗi người dân đến thời điểm này vào khoảng 15 - 17 lít/ người. Cũng theo nghiên cứu của chúng tôi, với điều kiện tự nhiên của VN hiện nay việc bò sữa cung cấp 100% sữa tươi là không có tính khả thi.
- Nhưng như ông đã nói, thực tế này chúng ta biết từ rất lâu nhưng tại sao đến nay vẫn y nguyên, thưa ông?
Điều dễ hiểu là vì... quá nhiều cơ quan quản lý. Bộ Công Thương quản lý mảng thị trường tiêu thụ, Bộ NN
- PTNT quản lý nguồn cung ứng sữa, Bộ Y tế quản lý chất lượng… Và cũng mặc dù đã có rất nhiều văn bản quy định, hướng dẫn, song lại rất chồng chéo, không phân định rõ trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành, chưa phủ hết các lĩnh vực, có khoảng trống giữa các khâu trong trách nhiệm quản lý liên tục một loại sản phẩm. Vì vậy, thực trạng “cha chung không ai khóc” là điều dễ hiểu. Hơn nữa, ngay trong công tác quản lý quảng cáo sữa cũng có vấn đề. Theo quy định trước khi quảng cáo DN phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định xem nội dung có trung thực hay không. Nhưng thực tế thì nhiều DN không chấp hành, cứ quảng cáo quá so với chất lượng đã công bố tại cơ quan quản lý có thẩm quyền. Ví dụ, nhiều loại sữa quảng cáo bổ sung thêm DHA làm trẻ thông minh, phát triển trí não. Chất đó có tác dụng đấy, nhưng phải hàm lượng khoảng bao nhiêu, sử dụng như thế nào… chứ chỉ có một phần nhỏ mà quảng cáo rùm beng phát triển trí não, giúp bé thành thiên tài...- Nhưng khi được hỏi về chế tài xử phạt đối với các DN vi phạm trong kinh doanh sữa, đại diện cơ quan quản lý của Bộ Y tế chỉ khẳng định một câu ngắn gọn rằng: “Cần phải tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm”. Nói như vậy là lâu nay chúng ta chưa xử lý nghiêm? Đối với vấn đề thực thi chế tài xử phạt tôi là người ngoài cuộc. Nhưng xét về bình diện chung, thị trường sữa VN là một thị trường cạnh tranh không lành mạnh. Trong câu chuyện này chúng ta cần phải công tâm phân tích rõ những mặt làm được và chưa làm được của từng bộ, tránh tình trạng “đá bóng” trách nhiệm, vì như vậy vô hình trung chúng ta không tạo được tính minh bạch cho thị trường sữa mà càng làm cho nó rối bời thêm mà thôi.- Vậy theo ông, ở thời điểm này chúng ta nên làm gì? Cần có một cuộc kiểm tra tổng thể trên toàn quốc về việc chấp hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng sữa. Đây là thời điểm nước rút, yêu cầu các cơ quan chức năng cần sớm có những quy định chặt chẽ về quy trình sản xuất, chế biến và thông tin minh bạch về nguồn gốc, chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.Thứ nhất, cần quy định rõ việc ghi xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm. Ðể cho người tiêu dùng tránh hiểu lầm về xuất xứ nguồn nguyên liệu của "sữa hoàn nguyên", "sữa tươi" cũng như giảm những rủi ro có liên quan đến sức khỏe do sử dụng các sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc, các bộ như: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chức năng sớm xem xét, rà soát lại các tiêu chí, quy định cụ thể về quy cách đặt tên sản phẩm thế nào là "sữa tươi", "sữa hoàn nguyên". Cần ban hành và định nghĩa rõ ràng các tiêu chí về dòng sữa nước. Hiện tại, ở thị trường VN, các dòng sữa bột nhập ngoại đã ghi đầy đủ các tiêu chuẩn như xuất xứ nguyên liệu đầu vào, nên dòng sữa nước chiếm lớn nhất (72% thị trường nhập bột để làm sữa hoàn nguyên) cũng cần phải ghi rõ các tiêu chí này để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và DN. Bên cạnh những quy định hiện có trên bao bì sản phẩm như tên gọi, các thành phần dinh dưỡng... DN phải có trách nhiệm công khai xuất xứ nguồn nguyên liệu đầu vào trên bao bì nhãn mác để người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm theo mong muốn. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền bảo đảm về tính chính xác của các thông tin cũng như bảo hộ thương hiệu của sản phẩm đó.Thứ hai, là các cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra và phân loại các sản phẩm sữa đang lưu hành trên thị trường. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng thành lập các Ban kiểm tra liên ngành (đặc biệt có sự vào cuộc của Bộ Công an) để kiểm tra, rà soát lại thị trường sữa, phân loại ngay tất cả các sản phẩm đủ tiêu chuẩn lưu hành và cấm bán các sản phẩm sữa không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Từ đó mới bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng cũng như ổn định và tạo môi trường phát triển lành mạnh cho ngành sữa ở VN. Đây được xem là yếu tố sống còn, quyết định sự phát triển minh bạch của thị trường sữa tươi VN.Thứ ba, xử lý nghiêm các vi phạm. Các cơ quan chức năng cần rà soát, bổ sung và yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất, gia công, kinh doanh sữa phải công khai, minh bạch các thông tin ghi trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm. Luật an toàn thực phẩm đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011 cần phải được thực thi nghiêm túc, DN vi phạm phải bị xử lý nghiêm và chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật (bị thu hồi giấy phép kinh doanh, xử lý hình sự...). Vì nếu mức phạt không đủ mạnh thì DN vẫn tiếp tục “lập lờ”.- Đó là các biện pháp trước mắt, còn lâu dài thì sao, thưa ông? VN nên thành lập một ủy ban giám sát riêng cho chất lượng ngành sữa. Tôi cho rằng, đây phải là một cơ quan hoàn toàn độc lập - tức không thuộc nhánh các cơ quan điều hành, mà phải thuộc các cơ quan giám sát. Cơ quan này dứt khoát phải nằm ngoài sự điều hành của Chính phủ nhưng để làm được điều này không phải chỉ trong ngày một ngày hai.
- Xin cảm ơn ông!
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Mai Thanh/Diễn đàn doanh nghiệp