Phương pháp đào tạo cán bộ quản lý "kỳ lạ" của Viettel

05/04/2013 11:30
Theo Infonet
Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) không chỉ nổi tiếng với những câu chuyện khó tin trong lĩnh vực viễn thông di động mà còn rất khác biệt trong triết lý đào tạo nhân sự.
Cách đây vài năm, trong một lớp đào tạo cho hơn 50 nhân viên kỹ thuật mới, vị phó tổng giám đốc tập đoàn này – ông Nguyễn Mạnh Hùng, là người đứng lớp. Thay vì thực hiện các bài giảng như thường lệ, ông Hùng yêu cầu nghiên cứu 1 chương hoặc 1 trang của bất kỳ quyển sách nào mà học viên thích, có thể không liên quan gì đến viễn thông. Tiếp đó, học viên cần phải trả lời được rất nhiều câu hỏi tại sao mà giáo viên đặt ra với nội dung có liên quan trong trang sách đó. Lãnh đạo của Viettel giải thích: “Có 2 điều chúng tôi muốn học viên nhận thức rõ. Thứ nhất, họ phải quen với việc liên tục tự đặt câu hỏi tại sao và tìm cách trả lời được. Thứ hai, giáo viên chỉ đóng vai trò huấn luyện viên, hướng dẫn cách làm và chỉnh sửa những sai sót; còn người học là những vận động viên tự luyện mọi kỹ năng cần thiết cho mình”.
Trong vài tuần đầu tiên, các học viên khá hoang mang bởi không được dạy gì mà mỗi lần lên lớp toàn bị vặn vẹo hỏi liên hoàn hết câu hỏi tại sao này đến tại sao khác chỉ quanh quẩn nội dung trong 1 trang sách. Bên cạnh đó, điều làm họ lo lắng nữa là kết quả tốt nghiệp của toàn lớp học chỉ được công nhận khi người kém nhất lớp học qua được kỳ sát hạch. Nếu một học sinh trong lớp không đạt yêu cầu, toàn bộ lớp học sẽ bị đánh trượt. Theo lý giải của vị lãnh đạo Viettel, tốc độ phát triển của tổ chức tương tự như một cỗ xe ngựa; vận tốc của cỗ xe ấy sẽ phụ thuộc vào vận tốc của con ngựa yếu nhất. Chính vì thế, việc đưa ra yêu cầu học viên yếu nhất quyết định kết quả chung của toàn lớp sẽ khiến cho tinh thần tập thể, tình đồng đội phát triển mạnh và trở thành yếu tố mang tính sống còn. Sau một thời gian hoang mang, lo sợ với cách học kỳ lạ này, lớp học gồm 57 học viên đã tự tìm ra phương pháp thích ứng. Họ phân chia ra các cặp, nhóm để đào tạo việc trả lời câu hỏi tại sao, những người giỏi nhất kèm những người yếu nhất. Họ cũng tự tìm tòi cách “ánh xạ” những kiến thức lý thuyết vào tình huống thực tiền và cùng nhau tìm cách trả lời câu hỏi tại sao cho vấn đề đặt ra… Đến nay, sau hơn 5 năm, gần 40% những học viên của “lớp học không thầy” ngày ấy đều đã trở thành những cán bộ quản lý của Viettel. Lớp học nói trên chỉ là một trong số những cách thức đào tạo khá kỳ lạ tại Viettel. Tập đoàn viễn thông số 1 Việt Nam là công ty trong nước đầu tiên đưa ra yêu cầu: Giám đốc phải nắm cả kỹ thuật và kinh doanh. Họ cũng là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên yêu cầu giám đốc phải có 2 bằng này và đã có 3 khóa đưa những người kỹ thuật đi học kinh doanh và sắp tới là người kinh doanh đi học kỹ thuật. Trong các lớp đào tạo nhân viên, lãnh đạo của Viettel cũng có định hướng khác biệt về việc học so với thông thường. Thứ nhất, trước khi học, mỗi người phải xác định xem mình có vấn đề gì không để xác định mục tiêu. Thứ hai, tìm kiếm thông tin và tìm đúng cái cần đọc để giải quyết vấn đề. Thứ ba, sau khi tìm được tài liệu thì phải biết cách đọc (luôn đặt ra câu hỏi tại sao). Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng xác định rõ, Viettel không dạy kiến thức và kỹ năng cho nhân viên bởi đó là khoản đầu tư cá nhân của mỗi người khi bước vào làm việc tại đây. Bộ phận đào tạo ngoài việc tập trug dạy văn hóa, binh pháp Viettel thì có thêm nhiệm vụ xây dựng đề thi dành riêng cho từng loại hình công việc, từng vị trí chức danh. Hàng năm, Viettel tổ chức rất nhiều cuộc thi sát hạch trình độ nhân viên. Thông qua đó, người Viettel phát hiện được mình còn hổng kiến thức ở đâu để tự bổ sung. Đó cũng là căn cứ để sắp xếp lại công việc và vị trí cho nhân viên. Cũng vì cách làm khác biệt nói trên mà việc tuyển dụng những người làm công tác đào tạo tại tập đoàn này không hề dễ dàng. Hiện tại, Viettel có nhu cầu tuyển dụng phó giám đốc, trưởng phòng đào tạo cho Trung tâm đào tạo của Tập đoàn. Một lãnh đạo của Viettel cho biết: “Khi tuyển dụng nhân sự vào những vị trí quan trọng này, chúng tôi muốn tìm kiếm những người chia sẻ quan điểm về đào tạo với mình. Nếu họ chia sẻ với chúng tôi những điều đó thì việc gia nhập đội ngũ Viettel sẽ rất thuận lợi. Hiện nay, Viettel  cần thêm rất nhiều cán bộ quản lý để thực hiện mục tiêu trở thành một công ty toàn cầu trong giai đoạn 201-2015 và vì thế 2 chức danh đang thông báo tuyển dụng là cực kỳ quan trọng với tập đoàn”.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Infonet