Quảng cáo lừa trên truyền hình: "Các nhà đài đừng tất cả vì tiền!"

27/06/2011 04:13
(GDVN) – Về quảng cáo lừa trên truyền hình, theo ông Vương Ngọc Tuấn, Phụ trách Văn phòng tư vấn khiếu nại Vinastas, các nhà đài đừng tất cả vì tiền...

(GDVN) –  Theo ông Vương Ngọc Tuấn, Phụ trách Văn phòng tư vấn khiếu nại Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), các nhà đài đừng tất cả vì “tiền”, hãy vì uy tín của “thông tin”, vì sự phát triển của một nền kinh doanh lành mạnh, vì NTD, quảng cáo và đưa tin quảng cáo trên truyền hình và trên các phương tiện thông tin đại chúng cần phải trung thực, chính xác và đầy đủ.

>> Tất cả đài phát thanh, truyền hình rà soát quảng cáo Happy Shopping

>> Phạt 451 triệu đồng một công ty bán hàng nhập lậu qua truyền hình

Vừa qua, Công ty CP Mua sắm Hạnh Phúc (đơn vị bán hàng qua truyền hình với tên gọi Happy Shopping) bị phạt 451,5 triệu đồng do có đến 8 hành vi vi phạm trong kinh doanh như: nhập khẩu và bán hàng giả, hàng nhập lậu, kinh doanh mỹ phẩm chưa có số đăng ký và công bố chất lượng, kinh doanh hàng nhập khẩu không có nhãn tiếng Việt, sử dụng lao động nước ngoài không có giấy phép (đối với tổng giám đốc có quốc tịch Trung Quốc)...

Văn phòng tư vấn khiếu nại (VPTVKN) Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cũng đã từng nhận được khiếu nại liên quan đến việc bán hàng qua quảng cáo trên truyền hình. Phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện cùng ông Vương Ngọc Tuấn - Phụ trách Văn phòng tư vấn khiếu nại của Hội, nhằm tìm lời giải cho câu hỏi: Người tiêu dùng từng mua phải hàng giả cần làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?.

a

Ông Vương Ngọc Tuấn, phụ
trách VPTVKN Vinastas
.

- Thưa ông, với tư cách là đơn vị bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), trong trường hợp của quảng cáo bán hàng Happy Shopping, quyền lợi NTD đã bị xâm phạm và ảnh hưởng như thế nào? Happy Shopping đã vi phạm điều luật gì của Luật bảo vệ NTD?

- Ông Vương Ngọc Tuấn:
Điểm 2, điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ghi rõ quyền của người tiêu dùng: “Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng mua và sử dụng”.

Việc nhập lậu, hàng giả, giả cả nhãn mác, bán hàng không hóa đơn chứng từ là những hành vi lừa dối NTD, gây thiệt hại lớn đến NTD không chỉ về kinh tế, mà cả còn về sự an toàn, an toàn vệ sức khỏe và vệ sinh nhất là những mặt hàng về mỹ phẩm.

Happy Shopping đã vi phạm các quyền của NTD, vi phạm Điều 10 các hành vi bị cấm, Điểm 1 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD: Cấm "Tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua quảng cáo hoặc che dấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác…”.

- Như vậy, những người đã mua phải hàng giả qua quảng cáo của Happy Shopping, Công ty Hạnh Phúc phải có trách nhiệm như thế nào trong việc bồi thường, đảm bảo quyền lợi NTD? Vì nếu là mỹ phẩm giả, có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới da mặt, đồ gia dụng có thể ảnh hưởng gián tiếp tới sức khỏe con người…

- Ông Vương Ngọc Tuấn:
  Điều 23, Điểm 1 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD qui định: “Tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD...”.

NTD đã mua phải hàng giả có thể khiếu nại để đòi lại quyền lợi của mình, kể cả những ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu có đầy đủ chứng cứ.

- Thưa ông, Hội bảo vệ NTD đã từng xử lý những vụ việc nào tương tự như Happy Shopping chưa?

- Ông Vương Ngọc Tuấn:  Văn phòng tư vấn khiếu nại của Vinastas đã từng nhận được khiếu nại liên quan đến việc bán hàng qua quảng cáo trên truyền hình, khi quảng cáo thì nghe rất “mùi mẫn” với các tính năng, tác dụng “tuyệt hảo”, nguồn gốc hàng thì “chính hãng”, bán hàng thì mang đến tận nhà “miễn phí”, nhưng thực chất về chất lượng chỉ khi mua rồi mới biết rằng không đúng như quảng cáo. Hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, không công bố chất lượng, bán hàng không hóa đơn chứng từ, trốn thuế, khi người tiêu dùng yêu cầu bảo hành, có khi năm lần bảy lượt công ty chủ quản chẳng được.

Khi nhận được khiếu nại, Văn phòng tư vấn khiếu nại đã nhanh chóng yêu cầu các doanh nghiệp giải trình và giải quyết khiếu nại. Những doanh nghiệp này họ cũng biết cách “lách” và “tránh” nên thông thường nhanh chóng đổi lại hàng hoặc trả lại tiền cho khách hàng. Hội cũng đã có các kiến nghị lên cơ quan quản lý liên quan đến việc kiểm soát thuế và chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp.
a
Chảo hai mặt bán trên thị trường chỉ 400.000 đồng - 500.000
đồng/cái nhưng quảng cáo trên truyền  hình đến 1,5 triệu
đồng/cái.

- Như ông nói thì có không ít các vụ việc  liên quan tới quảng cáo lừa giống như Happy Shopping. Vậy ông đánh giá thế nào về chất lượng quảng cáo trên truyền hình? Có phải vì tiền mà nhà đài vẫn để những hàng nhái, giả, hàng lậu lọt qua vòng kiểm soát? Hay lỗi ở đây là do giấy tờ giả mạo quá tinh vi có thể “bịt mắt" cả truyền hình?

- Ông Vương Ngọc Tuấn: Điều 13 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin hàng hóa và dịch vụ cho NTD, Điểm c ghi rõ: “Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ”.

Tôi hi vọng, các nhà đài đừng tất cả vì “tiền”, hãy vì uy tín của “thông tin”, vì sự phát triển của một nền kinh doanh lành mạnh, vì NTD, quảng cáo và đưa tin quảng cáo trên truyền hình và trên các phương tiện thông tin đại chúng cần phải trung thực, chính xác và đầy đủ.

- Xin cảm ơn ông về buổi trao đổi thẳng thắn này!

Hàng quảng cáo khác gì hàng Trung Quốc?

Qua tìm hiểu cho thấy, phần lớn những sản phẩm rao bán trên truyền hình chỉ thuộc dạng hàngthông thường, thậm chí có nhiều loại chất lượng rất kém. Phần lớn nguồn hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc một số nước khu vực Đông Nam Á.

Ông Lê Văn Tám, chủ cơ sở làm hàng xi mạ tại quận 6 - TP.HCM, cho biết những món nữ trang rao bán trên truyền hình có giá trên 1 triệu đồng/món thực ra không khác nhiều so với sản phẩm nữ trang xi mạ của Trung Quốc bán đầy rẫy trên thị trường, giá gốc chỉ vài chục ngàn đồng/món hoặc bộ. Cái khác ở đây chỉ là kiểu dáng và cách đặt tên sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách hàng. Tương tự, hàng gia dụng cũng chẳng khác gì hàng chợ.

Chẳng hạn, chổi lau nhà “thần kỳ” bán tại các siêu thị điện máy chỉ từ 200.000 đồng - 270.000 đồng/cây nhưng bán trên truyền hình lên đến gần 1 triệu đồng. Máy ép đa năng có giá từ 400.000 đồng - 500.000 đồng/cái, trong khi trên truyền hình bán với giá khoảng 1,5 triệu đồng.

Tại chợ Dân Sinh (Q.1-TP.HCM), mặt hàng chảo hai mặt có giá bán lẻ 400.000 đồng- 500.000 đồng, còn trên truyền hình đẩy lên 1,5 triệu đồng; dao đa năng ở chợ chỉ có 70.000 đồng - 80.000 đồng/cái, bán trên truyền hình gần 500.000 đồng/cái... (Theo Người lao động)

>> Tất cả đài phát thanh, truyền hình rà soát quảng cáo Happy Shopping

>> Phạt 451 triệu đồng một công ty bán hàng nhập lậu qua truyền hình


Phương Hạ (ghi)