SCIC giải trình việc gửi hàng chục nghìn tỷ lấy lãi

20/03/2013 07:17
V.P (th)
(GDVN) - Trước ý kiến của dư luận về thông tin gửi ngân hàng hàng chục tỷ đồng từ vốn Nhà nước lấy lãi, ngày 19/3, đại diện Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, SCIC đang báo cáo toàn bộ sự việc gửi các cơ quan chức năng.
Những ngày qua, thông tin Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giữ quyền đại diện vốn nhà nước, thế nhưng SCIC đã sử dụng hàng chục ngàn tỷ đồng tiền vốn này để gửi ngân hàng lấy lãi khiến dư luận đặc nhiều câu hỏi: Trong khi các doanh nghiệp Nhà nước đang thiếu vốn đầu tư vào các dự án quan trọng thì SCIC lại có những khoản "tiền chết" lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng gửi ngân hàng? Vì sao SCIC lại có được "may mắn" sử dụng số tiền ấy và việc gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi của SCIC có hợp lý? Trước ý kiến của dư luận, hôm qua (19/3) trả lời trên báo Đất Việt, đại diện Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, đơn vị này hiện đang báo cáo toàn bộ sự việc lên các cơ quan chức năng. Cũng liên quan đến hàng chục ngàn tỷ gửi ngân hàng của SCIC, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH cho biết Ủy ban đang tìm hiểu xung quanh sự việc này.
Nguồn: SCIC - Đồ họa: v.cường Ảnh: T.Đạm
Nguồn: SCIC - Đồ họa: v.cường Ảnh: T.Đạm
Trước đó Tuổi Trẻ đưa tin, theo báo cáo của SCIC, doanh thu tài chính năm 2012 chịu ảnh hưởng trực tiếp của lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, còn 8%/năm so với mặt bằng chung năm 2011 là 14%/năm nên chỉ đạt 1.568 tỉ đồng. Như vậy có thể thấy với số tiền lãi thu về 1.568 tỉ đồng, ước tổng số tiền SCIC mang gửi tại các ngân hàng có thể lên tới 19.600 tỉ đồng, tăng mạnh so với năm 2011 (số tiền mang gửi ngân hàng ước trên 10.500 tỉ đồng, lãi thu về khoảng 1.479 tỉ đồng)!
Hoạt động gửi tiền lấy lãi tiết kiệm, hoặc đem tiền ủy thác đầu tư tại các ngân hàng (thực chất cũng là một hình thức gửi tiền lấy lãi tiết kiệm) đã được SCIC thực hiện trong nhiều năm nay. Năm 2011, báo cáo tài chính của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương VN (Vietinbank) cho thấy SCIC đã gửi vào ngân hàng này 4.227 tỉ đồng theo hình thức ủy thác đầu tư không kỳ hạn và kỳ hạn 14 tuần, lãi suất 3-14%/năm. Trước đó, năm 2010, SCIC cũng gửi tiền vào Vietinbank theo hình thức trên với tổng số tiền lên đến 7.199 tỉ đồng, không kỳ hạn và kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 2,4-11,2%/năm... Nhận định về cách làm này cyra SCIC, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Mức lợi nhuận trong năm 2012 chưa nói lên được sự năng động của SCIC khi 96% tiền lãi có được từ việc chia cổ tức và tiền lãi gửi ngân hàng. Nếu xét một lực lượng hùng hậu doanh nghiệp mà SCIC đang tiếp quản thì số lãi đem về chủ yếu từ một vài công ty làm ăn được, điều này có nghĩa rất nhiều khoản đầu tư mà SCIC đang nắm giữ chưa thể sinh lời, thậm chí là lỗ đậm. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, việc SCIC gửi tiền ngân hàng cần công khai minh bạch và SCIC cần giải thích rõ để dư luận hiểu. Trong khi đó, đánh giá về vai trò của SCIC tại các doanh nghiệp sở hữu lớn vốn nhà nước, không ít đại diện doanh nghiệp khẳng định: Nắm khối lượng tài sản khổng lồ, tham gia nhiều HĐQT các công ty lớn, nhưng đến nay vai trò của SCIC tại các DN mà công ty sở hữu lại có vẻ không nổi bật, thiếu chuyên nghiệp.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
V.P (th)