Sau ngày 1/7, người tiêu dùng có còn “con kiến kiện củ khoai”?

30/06/2011 01:12
(GDVN) – Ngày 1/7, Luật bảo vệ quyền lợi NTD sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, đến lúc này NTD vẫn chưa được bảo vệ đúng mức và chưa biết bảo vệ mình.

(GDVN) – Ngày 1/7, Luật bảo vệ Người tiêu dùng sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, đến lúc này, người tiêu dùng (NTD) vẫn chưa được bảo vệ đúng mức và chưa biết bảo vệ mình. Đa số NTD khi mua phải hàng nhái, hàng giả đều cho qua vì họ quan niệm rằng, NTD đi kiện như “con kiến kiện củ khoai”...

>> Từ 1/7, người tiêu dùng "kêu" là sẽ được "cứu"

Hàng trong siêu thị cũng... không an toàn?

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các hệ thống siêu thị đã đem lại cho người mua nhiều tiện ích đáng kể. Tuy nhiên, ở góc độ người tiêu dùng, câu hỏi đặt ra là liệu siêu thị đã là địa chỉ tin cậy của NTD chưa?

Trong thời gian qua, điều mà NTD quan tâm và lo lắng nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Vì thế, nhiều người tìm đến siêu thị để được mua hàng hóa đảm bảo dù giá có đắt hơn bên ngoài. Tuy nhiên, NTD không khỏi thất vọng khi các kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng đối với một siêu thị đã phát hiện hàng loạt sản phẩm trái cây tươi đủ màu sắc, chủng loạt đóng gói đều vi phạm VSATTP, sữa chua nếp cẩm không đảm bảo, cá Basa khi mở ra đã có mùi thối..., phụ gia như phẩm mầu, chất bảo quản, chất tạo ngọt, gần đây nhất là thạch rau câu nhập khẩu từ Đài Loan có chất DEHP gây ung thư…

Người tiêu dùng bẫn không yên tâm về chất lượng hàng hóa trong siêu thị. Ảnh minh họa.

Người tiêu dùng bẫn không yên tâm về chất lượng hàng hóa
trong siêu thị. Ảnh minh họa.

Ngoài những vi phạm về chất lượng, một số siêu thị còn vi phạm cả về định lượng. Theo báo cáo của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (TC&BVNTD), có khách hàng đã khiếu nại một siêu thị có tầm cỡ, bán thịt gà của Côn gty CP Chăn nuôi VN, trên bao bì ghi là 930 gr, nhưng thực tế chỉ gần 500 gr; áo sơ mi giá 79.000 đồng, nhưng hóa đơn tính tiền lên tới 104.000 đồng... Ngoài ra, vấn đề bảo hành cũng khiến người tiêu dùng không hài lòng.

Bà Trần Thị Sương, thành viên câu lạc bộ nữ Hà Nội cho biết, sau khi đi rất nhiều siêu thị, bà thấy rằng hệ thống siêu thị của nhà nước bao giờ giá cũng đắt hơn hệ thống siêu thị cổ phần. Theo bà, người tiêu dùng cũng không nên mua hàng khuyến mại ở siêu thị, vì hàng khuyến mại thường gần hết hạn sử dụng hoặc chất lượng không tốt. Bà Sương cũng phân tích: sở dĩ người tiêu dùng vẫn thích mua hàng chợ nhiều hơn trong siêu thị vì ngoài chợ giá rẻ, còn trong siêu thị giá đắt hơn mà người mua luôn phải cảnh giác vì chất lượng hàng hóa. Đơn cử như hàng cá đông lạnh, dù hạn sử dụng vẫn còn nhưng mua về dùng thịt đã bở ra...

Theo bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông và đối ngoại của hãng mỹ phẩm L'oreal (Pháp), trên địa bàn TP.Hà Nội và ngay cả trong siêu thị, nhất là những tuyến phố như Bà Triệu, Xuân Thủy, Chùa Bộc... mỹ phẩm nhãn L’oreal toàn là hàng nhái. Khi thắc mắc với siêu thị về mỹ phẩm nhái, phía siêu thị lại trả lời rằng: chỉ biết bán hàng từ nhà cung cấp đã có kiểm định, siêu thị không có chức năng trả lời về hàng giả hàng nhái.

Bà Trinh bức xúc "Vậy Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đã làm gì cho người tiêu dùng?". Bà cho biết: "Ngay cả bản thân chúng tôi khi nhận được thắc mắc của khách hàng cũng không biết trả lời ra sao về tình trạng mỹ phẩm nhái của hãng". Về phía NTD, khi mua phải hàng giả, hàng nhái cũng chỉ thắc mắc, không biết kiện ai, có kiện thì cũng như "Con kiến kiện củ khoai" thôi. Bởi vậy, sau khi biết mình mua phải hàng nhái, họ chỉ biết ngậm ngùi bỏ qua.

Ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, dù các siêu thị đã cố gắng trong việc kinh doanh và phục vụ khách hàng, tuy nhiên vẫn còn nhiều NTD phàn nàn về chất lượng một số loại hàng hóa bán trong siêu thị về tinh thần và thái độ phục vụ chưa được chu đáo... Tuy có hàng chục nghìn mặt hàng kinh doanh, song siêu thị vẫn chưa phải là lực lượng chủ lực về ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường. Cũng theo ông Phú, muốn phát triển bền vững, các siêu thị cần đặc biệt chú trọng đến bảo vệ quyền lợi của NTD.

Người tiêu dùng chưa biết quyền của mình

Trước những thông tin mà người tiêu dùng nêu ra tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội TC&BVNTD - cho rằng, ngoài việc các cơ quan chức năng phải vào cuộc để bảo vệ người tiêu dùng, thì trước hết người tiêu dùng phải biết bảo vệ mình. Nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng phải tố cáo lên các cơ quan chức năng. Điều quan trọng là người tiêu dùng hiện nay chưa biết quyền lợi của mình.

“Ví dụ như vụ xe Toyota bị lỗi, Hội TC&BVNTD đã phối hợp với Cục quản lý cạnh tranh kiểm tra, có tới gần 80 nghìn chiếc xe bị lỗi, chúng tôi đã công khai trên báo chí, nhưng sau gần 2 tháng cũng chỉ có hơn 500 chiếc xe đến sửa chữa. Điều này cho thấy, ngay bản thân người tiêu dùng còn không quan tâm đến quyền lợi của bản thân mình thì làm sao cơ quan chức năng có thể can thiệp được?”.

Theo ông Nguyễn Phương Nam, phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), vừa qua Cục đã đi kiểm tra, kết quả cho thấy, phần lớn NTD chưa được bảo vệ tốt. Để bảo vệ NTD tốt hơn, năm nay, Cục đã xây dựng thêm một số những quy định, theo đó, Cục đã đề suất, các sở công thương phải xây dựng một bộ phận chuyên môn chuyên trách về quyền lợi NTD, khi NTD bị vi phạm thì sẽ có một cơ quan đứng ra giải quyết. Từ 1/7, cùng với Luật bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực, Cục cũng sẽ ký hợp đồng xuyên biên giới với các quốc gia. Nếu người nước ngoài mua hàng Việt Nam thấy chất lượng sản phẩm không tốt có thể kiện DN Việt Nam, và người Việt Nam cũng sẽ kiện lại nếu mua phải sản phẩm nước ngoài chất lượng kém...

Cũng theo ông Nam, nếu quyền lợi bị ảnh hưởng, NTD nên mạnh dạn gửi đơn hoặc đến gặp trực tiếp Sở Công thương tại các tỉnh hoặc Hội Bảo vệ người tiêu dùng để giải trình và nhờ giúp đỡ. Như vậy cơ quan chức năng mới có căn cứ để tìm hiểu, giúp đỡ, bảo vệ NTD.

Đức Trung

>> Từ 1/7, người tiêu dùng "kêu" là sẽ được "cứu"