"Sau thương vụ Eximbank-Sacombank, 10 NH khác cũng nên sáp nhập"

31/01/2013 12:57
Tiểu Phương
(GDVN) - Theo chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành: Sau vụ sáp nhập Eximbank – Sacombank, 10 ngân hàng khác còn lại trong nhóm 12 ngân hàng mạnh, nếu cảm thấy “hợp nhãn”, tâm đầu ý hợp thì nên “cưới hỏi” để hợp tác cùng phát triển. Còn những đơn vị nào thực sự không phải ngân hàng thì Nhà nước nên “cho nghỉ”.
Nếu sáp nhập, quy mô Eximbank–Sacombank sẽ như thế nào?
Vừa qua, thông tin hai ngân hàng lớn trong khối ngân hàng tư nhân là Eximbank và Sacombank có dự định hợp nhất đã khiến thị trường ngân hàng “nóng” lên.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành ủng hộ cuộc sáp nhập giữa 2 ngân hàng Eximbank và Sacombank.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành ủng hộ
 cuộc sáp nhập giữa 2 ngân hàng Eximbank
và Sacombank.
Nhận định về “cuộc hôn nhân” này, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho biết: “Nếu nhập lại, Eximbank – Sacombank sẽ trở thành ngân hàng lớn nhất của Việt Nam”. Mặc dù theo số liệu được lấy từ Báo cáo tài chính hợp nhất Q3/2012, về tài sản, ngân hàng hợp nhất này sẽ vượt qua ACB để trở thành ngân hàng lớn nhất trong khối các ngân hàng tư nhân, tuy nhiên, khoảng cách so với các ngân hàng quốc doanh lớn vẫn còn khá xa.

“Sau khi sáp nhập, hệ thống chi nhánh sẽ hỗ trợ cho nhau bởi vì Eximbank ít chi nhánh hơn Sacombank, trong khi đó, hệ thống quản lý, điều hành của Eximbank lại tập trung và chất lượng rất tốt” – chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.
Điểm lại quá khứ, năm 2009, tổng tài sản của Eximbank mới chỉ dừng lại ở con số 60.000 tỷ đồng, nhưng tới năm 2010, tổng tài sản của Eximbank đạt tới 131.111 tỷ đồng, tăng tới 100,3% so với cuối năm 2009 và hoàn thành 149% kế hoạch. Theo thông tin từ tạp chí The Banker công bố, Eximbank là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á được chọn vào top 25 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tài sản cao nhất thế giới.
Tốc độ tăng trưởng này được ông Bùi Kiến Thành đánh giá là “rất tốt, bài bản và không gặp bất cứ sự khó khăn nào”.
Eximbank lớn mạnh nhờ đâu?
Ngoài ra, đặc thù của Eximbank là có sự đầu tư của đối tác nước ngoài lớn, đó là công ty Sumitomo Mitsui Banking Corporation. Lịch sử của quá trình đầu tư này cũng rất thú vị.
Ông Bùi Kiến Thành kể: Ban đầu, khi Sumitomo Mitsui thương lượng với Eximbank để mua 27% cổ phần của Eximbank, khi đó, giá cổ phần rất cao, hai bên ký hợp đồng hợp tác, tổ chức tại Nhật. Buổi lễ ký văn bản đầu tư và hợp tác giữa Sumitomo Mitsui và Eximbank có Nhật hoàng chứng kiến. Do vậy, đây là một sự kiện rất trọng đại.
Tuy nhiên, sau đó vài tháng, giá cổ phiếu của Eximbank rớt xuống, theo xu hướng chung của các ngân hàng khác. Lúc này Sumitomo Mitsui Banking Corporation băn khoăn nên tiếp tục hợp tác với Eximbank hay từ bỏ.
Xét về quyền lợi kinh tế, Sumitomo Mitsui hoàn toàn có thể hủy hợp đồng và không tham gia vào ngân hàng Eximbank nữa, nhưng về mặt tinh thần, do có sự “làm chứng” của Nhật hoàng trong “đám cưới” của Sumitomo Mitsui và Eximbank nên nhà đầu tư này quyết “không ly dị” để “giữ uy tín”.
Từ đó, quyết tâm đầu tư của Sumitomo Mitsui rất mạnh mẽ. Eximbank cũng nhờ Sumitomo Mitsui gửi chuyên gia qua làm việc và hoạt động trong hệ thống ngân hàng này. Trên thực tế, nhiều chuyên gia chuyên nghiệp của Nhật đang làm ở Eximbank, giữ một số vai trò chủ chốt như ông Mitsuaki Shiogo làm Phó Tổng Giám Đốc, ông Naoki Nishizawa làm Phó Chủ Tịch Hội đồng quản trị,…
Có thể thấy, việc các đối tác nước ngoài tham gia góp cổ phần tại các ngân hàng Việt Nam không quá lạ lẫm, tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng Việt đều không hiển thị được vai trò của đối tác – nhà đầu tư nước ngoài ở VN.
Ví dụ như trước đây, Deutsche Bank bỏ tiền ra để sở hữu 10% cổ phần Habubank nhưng Habubank không phát huy được lợi thế này, dẫn tới sự sụp đổ của ngân hàng.
Do đó, sự hợp tác giữa Sumitomo Mitsui và Eximbank có thể coi là một sự khác biệt lớn.
Ở Eximbank, sự thể hiện vai trò của đối tác nước ngoài rất rõ ràng, không dừng ở việc Sumitomo Mitsui cử người sang làm ở Eximbank, mà còn có những hợp đồng đào tạo cho nhân viên của Eximbank ở Singapore hay Nhật Bản,… thậm chí, cả hệ thống về IT của Eximbank đều được Sumitomo Mitsui ủng hộ.
Vì vậy, “có thể nói, Eximbank là một trong số ít ngân hàng biết cách khai thác mối quan hệ mật thiết với đối tác nước ngoài, từ đó sử dụng được tất cả những lợi thế của họ để đi lên. Đây là một trường hợp hiếm có của VN” – ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.
10 ngân hàng khác cũng nên sáp nhập
Theo nhận định của chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành: Eximbank được xây dựng rất bài bản, khoa học nên có thể đủ sức để sáp nhập với Sacombank để nâng Sacombank lên tầng cao mới.

Sau thương vụ Eximbank - Sacombank hợp nhất, 10 ngân hàng còn lại trong nhóm 12 ngân hàng mạnh cũng nên sáp nhập - theo tư vấn của chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành.
Sau thương vụ Eximbank - Sacombank hợp nhất, 10 ngân hàng còn lại trong nhóm 12 ngân hàng mạnh cũng nên sáp nhập - theo tư vấn của chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành.
“Sacombank từ trước tới nay quản lý rủi ro không tốt từ việc đưa ra Sacombank real, hay đầu tư vào bất động sản, tới việc ông Đặng Văn Thành (Nguyên Chủ tịch HĐQT – pv) đề cử con trai tham gia bộ máy lãnh đạo. Quan hệ gia đình, bạn bè đã làm cho Sacombank bị yếu thế. Vì vậy, muốn tổ chức, xây lại Sacombank cần những biện pháp kiên quyết, một bàn tay đủ mạnh – và có lẽ Eximbank là người làm được điều đó” – ông Thành nhận xét.

Theo sau Eximbank, ông Thành cho rằng: các ngân hàng khác cũng nên nghĩ tới chuyện sáp nhập.
Ở VN có 49 ngân hàng, trong đó có 12 ngân hàng mạnh, chiếm 85% thị phần của ngân hàng theo báo cáo của NHNN, còn lại 37 ngân hàng ở mức trung bình và yếu kém. 
“Vẫn biết nhiều ông chủ muốn đứng ra lập ngân hàng, để huy động vốn của nhân dân tài trợ cho những dự án cá nhân của mình nhưng đó không phải là tinh thần của ngân hàng thương mại phục vụ cho quần chúng. Vì vậy, sau vụ sáp nhập Eximbank – Sacombank, 10 ngân hàng khác còn lại trong nhóm 12 ngân hàng mạnh, nếu cảm thấy “hợp nhãn”, tâm đầu ý hợp thì nên “cưới hỏi” để hợp tác cùng phát triển. 
Còn những đơn vị nào thực sự không phải ngân hàng thì Nhà nước nên “cho nghỉ”. Nếu không, cứ bé, nhỏ, cạnh tranh qua những phương thức không hiệu quả sẽ là đại họa cho hệ thống ngân hàng VN – khi các ngân hàng đua nhau nâng lãi suất huy động, lập đỉnh lên tới 17 – 18% mỗi năm” – Chuyên gia kinh tế, tài chính Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Tiểu Phương