Siết toàn diện thị trường ô tô, người mua chịu thiệt

14/07/2011 02:54
Thị trường ôtô nhập khẩu đang rơi vào cảnh “rối loạn” trước hàng loạt các quy định mới về tiêu chuẩn hồ sơ nhập khẩu cũng như chính sách thuế.

Thị trường ôtô nhập khẩu đang rơi vào cảnh “rối loạn” trước hàng loạt các quy định mới về tiêu chuẩn hồ sơ nhập khẩu cũng như chính sách thuế.

Chưa bao giờ thị trường ôtô lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Do được xem là “thủ phạm” quan trọng dẫn đến nhập siêu tăng cao nên hàng loạt chính sách nhằm hạn chế nhập khẩu mặt hàng này đang được tung ra.

Siết toàn diện


Đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước, các doanh nghiệp đang rơi vào cảnh bị áp thuế xe nguyên chiếc cho bộ linh kiện nhập khẩu, với số tiền thuế bị truy thu lên hàng chục tỷ đồng. Quan trọng hơn, vì chưa có hướng giải quyết hợp lý, linh kiện không nhập được dẫn đến sản xuất bị đình trệ.

Các doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc thì lại đang phải đối mặt với các quy định ngặt nghèo tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương. Cả trăm doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu thương mại, do không thể đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý, nên xem như phải ngừng luôn hoạt động kinh doanh nhập khẩu ôtô. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp vì đã đầu tư không ít vốn liếng cho nhà xưởng, cửa hàng… Không những thế, “số phận mong manh” của những lô hàng đã ký hợp đồng, hàng chưa kịp về cũng khiến không ít doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Không chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu thương mại gặp khó, mà nhiều nhà nhập khẩu phân phối chính hãng cũng đang loay hoay với các quy định mới này. 6 nhà nhập khẩu chính hãng các thương hiệu xe sang (gồm Công ty cổ phần Liên Á quốc tế, nhà nhập khẩu chính hãng xe Audi, Công ty cổ phần Ôtô Âu Châu phân phối xe BMW, Công ty cổ phần Ôtô Đông Dương - đơn vị phân phối các mẫu xe Chrysler, Dodge, Jeep của Chrysler, Công ty TNHH xe hơi thể thao uy tín phân phối chính hãng cho xe Porsche của Đức, Công ty TNHH Auto Motors Việt Nam phân phối chính hãng xe Renault của Pháp và Công ty TNHH Hình tượng Ôtô Việt Nam - nhà phân phối độc quyền thương hiệu xe Subaru của Nhật Bản) mới đây đã không hẹn mà cùng “đồng loạt” gửi văn bản tới Bộ Công Thương để hỏi thêm về các loại giấy tờ thủ tục sao cho đáp ứng đúng tiêu chuẩn mà không bị “ách” hàng tại cửa khẩu. Mải lo lắng về thủ tục, chưa dám chắc chắn, nhiều nhà nhập khẩu chưa dám nhập xe trong giai đoạn này.

Không chỉ xe mới, xe cũ cũng chịu cùng cảnh ngộ. Căn cứ vào tờ trình của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 69/2011/QĐ-TTg về thuế nhập khẩu xe cũ. Theo biểu thuế mới này, từ 15/8, nhiều loại ôtô cũ nhập khẩu về Việt Nam sẽ có giá bán… đắt hơn xe mới 100% cùng loại nhập khẩu (!), do vừa phải “gánh” thuế tính theo phần trăm như xe mới, vừa “gánh” thuế tuyệt đối. Đây là chiêu nhằm ngăn chặn dòng xe siêu sang đang ùn ùn nhập khẩu về thời gian qua.

Người mua chịu thiệt


Anh T. (Hà Nội) dành dụm rất lâu để cố tậu một chiếc xe “còi” nhưng mãi vẫn chưa đủ tiền. Hoang mang trước tin đồn 2 thành phố lớn sẽ tăng thuế trước bạ kịch khung cho phép, cùng xu thế ngày càng khan hiếm xe trên thị trường, anh đành cắn răng vay tiền mua xe.

Nhưng dù lo được tiền, thì mua xe trong thời điểm này hóa ra cũng không dễ dàng. Chiếc Kia Morning nhập khẩu được anh nhắm tới hiện được bán với giá 23.700 USD (đắt hơn 1.000 USD so với thời điểm trước đây 1 tháng). Không những thế cửa hàng còn ép phải đặt tiền ngay để giữ xe, nếu không sẽ tăng giá tiếp hoặc không còn xe để mua. Vậy nhưng đặt tiền rồi, anh T. mới phát hiện ra đầu xe đã từng bị đâm móp méo. Anh T. không đồng ý mua, song chủ hàng cũng chẳng phàn nàn gì nhiều, bởi theo bà chủ, “hàng giờ đã hết mà khách nhao đi mua thì đầy”.

Tâm lý khách hàng lo lắng trước biến động khó lường của thị trường cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhà nhập khẩu phân phối mẫu xe sang BMW ngay lập tức đã ký được 50 hợp đồng bán xe BMW X3 khi loại xe này vừa ra mắt trong tháng 6 vừa qua (phải đến tháng 12/2011 mới được nhận xe). Còn tại thời điểm này mới đi mua thì chỉ có cách chờ. Nhưng hỏi chờ bao lâu thì nhà nhập khẩu chỉ cười trừ!

Với hàng loạt chính sách thắt chặt quyết liệt như vậy, nguồn hàng trên thị trường (đặc biệt là xe nhập khẩu) giảm là điều hiển nhiên. Mặc dù là giai đoạn doanh nghiệp đang cố tranh thủ nhập trước khi Thông tư 20 có hiệu lực, song tháng 5 vừa qua, lượng xe nhập về chỉ còn 5.300 chiếc (giá trị kim ngạch 116 triệu USD), thấp hơn so với con số 5.500 xe của tháng 4 (giá trị 113 triệu USD). Tháng 6, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu tiếp tục giảm, chỉ còn khoảng 4.800 xe (giá trị kim ngạch 85 triệu USD). Tháng 7, khi Thông tư 20 đã có hiệu lực, dự đoán kim ngạch nhập khẩu xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi sẽ còn tiếp tục giảm mạnh.

Điều dễ nhận thấy trên thị trường ôtô hiện nay là cảnh khan hiếm hàng và tâm lý hoang mang của người mua. Nhiều khách hàng đã không tìm hiểu kỹ chất lượng, hồ sơ giấy tờ xe nên đã rơi vào cảnh giá vừa đắt, chất lượng xe mua về lại không đảm bảo.

Cơ quan quản lý cũng đau đầu


Cuối tháng 5/2011, Bộ Công Thương “bất thình lình” ban hành Thông tư 20 trong đó có quy định doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải có Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Tại thời điểm đó, Bộ Giao thông Vận tải lại chưa kịp soạn thảo xong tiêu chuẩn về cơ sở bảo hành bảo dưỡng ôtô; khiến cho các doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Họ sợ quy định này cao quá, dù là “nhập khẩu phân phối chính hãng” cũng chưa chắc đã đáp ứng được tiêu chuẩn. (May sao, ngày 9/6/2011 Bộ cũng đã ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn này).

Cũng vì quy định khá chặt chẽ và ngặt nghèo, nên sau khi ban hành Thông tư 20, Bộ Công Thương cũng đã phải có tới 2 văn bản để hướng dẫn cơ quan hải quan phối hợp thực hiện. Song các đơn vị hải quan địa phương vẫn không khỏi thắc mắc với nhiều điểm cần “hỏi lại”.

Không chỉ vậy, do quy định nhập khẩu xe nguyên chiếc quá ngặt nghèo nên Bộ Công Thương vẫn lo các doanh nghiệp nhập khẩu hô biến xe mới thành xe cũ để lọt qua cửa hải quan. Hiện điểm phân biệt giữa xe cũ với xe mới được quy định khá đơn giản: xe cũ là xe được đăng ký tối thiểu thời gian 6 tháng và đã chạy được tối thiểu 10.000 km tính tới thời điểm về cảng Việt Nam. Và nếu vậy, để biến chiếc xe mới 100% thành xe đã chạy không khó khăn gì. Trả lời phỏng vấn về thuế nhập khẩu xe cũ, một quan chức của cơ quan hải quan thừa nhận: do có sự chênh lệch lớn giữa số thuế phải nộp của xe đã qua sử dụng (thực chất là xe mới nhưng người nhập khẩu đã quay đồng hồ để đạt số km đã chạy là 10.000km) và xe mới cùng loại nên Bộ Tài chính mới tính đến chuyện điều chỉnh mức thuế và cách tính thuế đối với các loại xe cao cấp, có giá trị lớn.

Vậy nên Bộ Công Thương dự định chặn nốt “ngách” này bằng cách đề nghị Tổng cục Hải quan lưu ý hải quan địa phương kiểm soát chặt các hoạt động nhập khẩu xe cũ. Theo đó, đối với các trường hợp được Bộ Công Thương cấp giấy phép nhập xe đã qua sử dụng và có hiệu lực sau ngày 26/6 vẫn được đưa hàng về thị trường, tuy nhiên, doanh nghiệp phải nộp cho hải quan các loại giấy tờ theo quy định như đối với xe mới theo Thông tư 20/TT-BCT. Điều này có nghĩa là, các hợp đồng nhập khẩu xe cũ về sau ngày 26/6 sẽ áp dụng quy định theo xe mới và phải xuất trình giấy uỷ quyền của nhà sản xuất, hãng được chỉ định phân phối… và có xác nhận của cơ quan ngoại giao tại nước ngoài.
Xem ra thị trường ôtô sẽ còn khó khăn dài dài.
 
Theo Quyết định 69/2011/QĐ-TTg, mức thuế tuyệt đối được quy định cho xe ôtô đã qua sử dụng từ 15 chỗ ngồi trở xuống được chia thành 3 loại để đánh thuế; bao gồm loại từ 5 chỗ ngồi trở xuống; loại từ 6-9 chỗ ngồi; loại 10-15 chỗ ngồi (số chỗ ngồi trên kể cả lái xe).

Trong mỗi loại này lại chia theo dung tích xi-lanh với mức thuế tuyệt đối cụ thể từ 3.000 USD đến 25.000 USD/chiếc tùy theo dung tích xi-lanh và số chỗ ngồi trên xe. Bộ Tài chính có thể điều chỉnh mức thuế trong phạm vi 20%. Trên cơ sở mức thuế và thẩm quyền quy định tại Quyết định số 69, Bộ Tài chính đã điều chỉnh thuế ở mức trần cao nhất (hết biên độ 20% so với mức hiện hành theo Quyết định số 23/2008/QĐ-BTC ngày 8/5/2008).

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp