Sim số đẹp rớt giá thê thảm, khách mua vẫn thờ ơ

30/07/2013 07:29
Theo An ninh thủ đô
Những chiếc sim số đẹp trị giá hàng trăm triệu giờ giá giảm xuống chỉ còn vài chục triệu đồng nhưng khách mua vẫn thưa thớt. Phải chăng, sim số đẹp đang hết thời?
Tuột dốc không phanh Một thời, trào lưu dùng sim số đẹp rộ lên khiến giá bán những chiếc sim này được đẩy lên cao chót vót. Giao dịch mua bán, sang tên, chuyển nhượng luôn nhộn nhịp. Anh Tuấn, một người chuyên kinh doanh sim số đẹp tại Cầu Giấy cho hay: “Khoảng năm 2010 trở lại, một ngày tôi bán 5 sim số đẹp cho khách hàng trên khắp cả nước. Tôi phải vào tận TP.HCM để tìm một người tin tưởng chuyên giao sim số đẹp cho mình ở khu vực miền Nam. Nhưng 2 năm trở lại đây, công việc kinh doanh đã khó khăn hơn. Giao dịch thưa thớt hẳn”. Anh Đỗ - chủ nhân số điện thoại tứ quý chín chia sẻ: “Tôi rất vất vả, phải nhờ mấy mối mới tìm được số điện thoại ưng ý. Bỏ ra hơn 60 triệu đồng để sở hữu một chiếc sim điện thoại, nhiều người cho là lãng phí nhưng những người mê sim số đẹp lúc đó lại cho là rẻ. Sau khi mua số chỉ hơn 1 tháng, đã có người liên hệ, thiết tha mua lại với giá 203 triệu đồng để làm quà tặng. Lưỡng lự mãi tôi không bán”. Sau đó, anh Đỗ tiếp tục mua sim điện thoại cho máy cố định kéo dài của mạng điện lực (giờ là Viettel), đuôi tứ quý 8 với giá hơn 10 triệu đồng.
“Lúc mua số đẹp, công việc làm ăn đang thuận lợi. Sở hữu sim số đẹp không chỉ khẳng định đẳng cấp của người sử dụng, mà còn chứng tỏ mình kinh doanh, làm ăn rất tốt. Nhưng giờ thì số đẹp cũng không khiến công việc làm ăn thuận lợi hơn. Nếu bán hơn 200 triệu đồng lúc đó thì không những có lãi lớn, mà khoản tiền này cũng đáng để tái đầu tư gì đó”- anh Đỗ tiếc nuối. Mới đây, có người nhắn tin xin mua lại số tứ quý 9 của anh Đỗ với giá 40 triệu đồng nhưng anh không bán. Còn số tứ quý 8 của máy không dây kéo dài thì rất ít khi sử dụng vì hầu hết khách hàng có thói quen sử dụng điện thoại di động. Theo anh Thái- kinh doanh bất động sản (ở Đống Đa), khi khủng hoảng kinh tế chưa xảy ra, anh nghĩ  sim số tiến của mình mang lại rất nhiều may mắn, “chỉ tiến chứ không lùi” nên cho dù nhiều người gạ nhưng mua anh kiên quyết không bán. Giờ nhiều người trả giá cho chiếc sim số đẹp này chưa bằng một nửa so với trước đây.
Mừng hay lo?
Khi kinh doanh sim số đẹp thịnh vượng, nhiều đại lý săn lùng và ôm cả đống sim với tổng giá trị hàng tỷ đồng. “Nếu có khách mua ở thời điểm hiện tại, người bán sẽ không lãi nhiều. Tính trên số vốn bỏ ra trong hơn 2 năm nay tôi thậm chí đã lỗ nặng”- anh Tuấn chia sẻ. Theo anh Tuấn, khi nền kinh tế khởi sắc thì mọi giao dịch, mua bán hàng hóa đều trôi chảy và có lợi nhuận cao. Thế nên khách hàng không đắn đo nhiều khi bỏ tiền để mua sim số đẹp. Nhưng khi khủng hoảng, hàng hóa tồn kho nhiều thì sim số đẹp cũng không thể làm hàng hóa bán chạy hơn. Khẳng định giá trị của sim số đẹp nhưng lãnh đạo một doanh nghiệp viễn thông cho rằng, sim số đẹp “rớt giá” lại là tín hiệu đáng mừng: “Những chiếc sim bị thổi giá sẽ có mức giá hợp lý hơn, bởi giá trị của chiếc sim bị tăng lên vài lần do quảng cáo và các giao dịch trung gian. Giờ chi phí trung gian cũng phải giảm mới có khách mua”. Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, lợi nhuận lớn từ kinh doanh sim số đẹp thời kỳ trước không chảy vào túi nhà mạng, mà do người buôn bán trung gian hưởng. Do đó, ông ủng hộ việc đấu giá sim số đẹp vì các mục đích xã hội hơn là mua bán, chuyển nhượng đơn thuần giữa các cá nhân. Đối với những người đang sở hữu sim số đẹp, sự tự tin về đẳng cấp vẫn còn, song họ không còn tin về giá trị. “Người muốn mua sim số đẹp ngày càng ít và trả giá thấp. Còn người mời thế chấp sim vay tiền ngày càng nhiều. Có ngày, tôi nhận được 2-3 cuộc điện thoại mời thế chấp sim vay tiền. Họ nói sim của tôi có thể thế chấp vay được 25 triệu đồng với lãi suất 2.000 đồng/ngày” -  anh Đỗ chán nản.
>> Tra cứu điểm thi ĐH - CĐ tại đây: http://diemthi.giaoduc.net.vn/Home.mvc/Index
Theo An ninh thủ đô