Sự thật những sản phẩm được thổi phồng "siêu diệt khuẩn"

15/08/2011 00:10
Nhiều sản phẩm khi được quảng cáo với những lời lẽ hoành tráng là có khả năng diệt khuẩn. Vậy đâu là sự thật?

Nhiều sản phẩm khi được quảng cáo với những lời lẽ hoành tráng là có khả năng diệt khuẩn. Vậy đâu là sự thật?

Từ nồi niêu đến quần lót đều... diệt khuẩn

Mới đây trên tivi có giới thiệu một loại chảo chống dính với năm đặc điểm nổi bật gồm: Siêu bền nhờ năm lớp phủ; Diệt khuẩn, tiệt trùng nhờ công nghệ Nano-Silver (lớp phủ bạc có công dụng kháng khuẩn), giúp giữ thực phẩm được tươi ngon; Men chống dính cao cấp được chứng nhận an toàn cho sức khỏe của FDA (Mỹ); Chống dính tốt hơn nhờ lớp phủ đá hoa cương: không dính, không trầy xước, dễ rửa; Cảm ứng nhiệt: Giúp xác định nhiệt độ thích hợp để bắt đầu quy trình nấu… được chào bán với giá khoảng 860.000 đồng/cái.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung, phụ trách quản lý chất lượng của Cty Happy Cook cho biết, dòng sản phẩm này được phủ thêm một lớp men cao cấp tạo thêm một lớp bảo vệ bền bỉ cho lòng chảo. Đồng thời lớp men này có độ trơn láng nên tăng khả năng chùi rửa dễ dàng thôi, chứ khả năng diệt khuẩn thì chỉ mang tính marketing mà thôi, thực tế trên thị trường không có sản phẩm này. Là người làm trong ngành đồ gia dụng mà còn nói vậy thì không hiểu độ tin cậy của quảng cáo kia đến đâu.

Từ đồ gia dụng.
 Từ đồ gia dụng.

Thổi phồng hơn là việc giới thiệu tính năng của quần lót có tính năng diệt khuẩn, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể nên sẽ không bị ngứa, mà đặc biệt là dùng loại quần này nếu lỡ “yêu” không phòng bị cũng không lo có em bé?!

Nhiều trang web còn tâng bốc, quần lót trị liệu đa chức năng với hai mặt nam châm mátxa, công nghệ nano, bảo vệ sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch và trao đổi chất trong cơ thể, cải thiện lưu thông máu, tránh được nhiều bệnh ở phụ nữ... Chống viêm, kháng khuẩn. Với hiệu ứng nhiệt hồng ngoại, có thể làm tăng sức sống của các tế bào, giúp cho phụ nữ có làn da xinh tươi hơn...?!.

Quần lót dành cho nam giới được quảng cáo là tích hợp đến 67 công nghệ kỹ thuật cao của Mỹ và được bảo hộ bản quyền sáng chế phát minh. Vải may quần làm từ "chất liệu kháng khuẩn carbon từ tính ion bạc" diệt khuẩn hiệu quả, tự động thải độc, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm..." Bằng các lời lẽ có vẻ "khoa học", sản phẩm này được mô tả là thiết kế 16 điểm, có khả năng phóng năng lượng từ trường đạt đến 3.000Gs trong 24 giờ, làm tăng cường hoạt động của tế bào cơ quan sinh dục, phục hồi sức mạnh của nam giới...

Không chỉ trên mạng, loại quần lót diệt khuẩn này đang được bán khá rộng rãi tại nhiều cửa hàng, sạp chợ, với gần 20 kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Chất liệu vải may quần đa dạng, từ vải ren thun, thun lưới, thun cotton, từ kiểu thường đến kiểu gen bó nhẹ, bó chặt... nhưng có điểm chung là lớp vải lót đáy của tất cả các loại đều có màu xám, từ nhạt đến đậm. Một vài kiểu quần dệt kim nguyên khối, không có đường cắt may, phần đáy quần cũng có lớp sợi dệt màu xám đen. Trên tem nhãn ghi tiếng Anh, Hoa hoặc Hàn Quốc, người bán giới thiệu là hàng nhập từ Mỹ, Đài Loan hoặc Hàn Quốc.

Giá các sản phẩm có thêm tính năng diệt khuẩn thường đắt hơn hàng cùng loại khoảng 20%. Từ rẻ là vài chục ngàn đến cả triệu đồng một chiếc.

Trên tem nhãn sản phẩm quần lót diệt khuẩn không hề có dòng chữ nào ghi tính năng diệt vi khuẩn, lưu thông máu, trị bệnh... Dịch cả nghĩa theo tiếng Việt và tiếng Hoa, sản phẩm chỉ có khả năng khử mùi, giữ ấm, tạo thoải mái cho người mặc...

Tham khảo ý kiến một số chuyên gia trong ngành may mặc, được biết vải dệt có thành phần sợi gốm, tơ tằm, sợi carbon, sợi glucose... hoặc được tẩm hoá chất có thể kháng khuẩn, giữ ấm, khử mùi, hay chống nắng... Đáng chú ý, kháng khuẩn và khử mùi của vải chỉ dừng ở giới hạn không tạo môi trường thích hợp để các vi khuẩn hay vi sinh tạo mùi phát triển chứ không có tác dụng tiêu diệt chúng.

Đến đồ mặc đều đưa người sử dụng vào ma trận của siêu diệt khuẩn.

Đến đồ mặc đều đưa người sử dụng vào ma trận của siêu
diệt khuẩn.

Nhiều chuyên gia còn hóm hỉnh rằng, các loại vải may quần lót với nhiều tính năng tuyệt vời như trên nếu có thì chắc chắn giá cả sẽ không bao giờ  là vài chục ngàn và là một phát minh chấn động thế giới rồi.
 
Máy sục ôzôn hóa giải mọi loại thuốc trừ sâu?

Hiện nay, trên thị trường có nhiều thiết bị diệt khuẩn nano, máy sục ôzôn được quảng cáo có tác dụng diệt được 99,9% vi khuẩn, nấm mốc. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, công nghệ này diệt được khuẩn đến đâu, hiện chưa có cơ quan nào nghiên cứu cụ thể.

Các sản phẩm nào là khăn ướt, bàn chải đánh răng, hộp đựng thức ăn, ca uống nước... cũng được quảng cáo sử dụng công nghệ diệt khuẩn. Có hãng còn quảng cáo điều hòa khử mùi, diệt đến 99,9% vi khuẩn, khử nấm mốc và có khả năng ngăn chặn và tiêu diệt virus cúm A/H1N1...

Nhiều loại máy ôzôn còn được “thổi” lên với khả năng vô hiệu hóa được thuốc trừ sâu. Có những điểm bán máy ôzôn, để lấy được lòng tin của khách hàng, còn làm thí nghiệm cho một con cá sống vào thùng nước có pha thuốc trừ sâu, sau đó đưa con cá này sang ngâm trong thùng nước sục khí ôzôn. Sau một lúc, nước ôzôn chuyển màu đen sì và con cá được thuật lại là... quẫy đuôi vui vẻ. Họ kết luận, máy sục ôzôn có khả năng hóa giải mọi loại thuốc trừ sâu.

PGS Nguyễn Danh Sơn, Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Máy sục ôzôn có khả năng phân hủy được rất ít các chất hóa học và chưa ai phân tích sau khi nó phá hủy thuốc trừ sâu, các chất hình thành ít độc hơn bản thân thuốc trừ sâu hay còn độc hại hơn. Đối với thức ăn trước và sau khi cho vào tủ lạnh có ôzôncũng chưa có thiết bị để kiểm nghiệm xem bao nhiêu con vi khuẩn được diệt và khả năng khử mùi đến đâu.

Đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào nghiên cứu cụ thể xem thật sự khả năng diệt khuẩn được quảng cáo trên các thiết bị này đến mức độ nào. Sử dụng công nghệ nano bạc vào sản phẩm điện từ sẽ giúp người tiêu dùng hạn chế, phòng tránh được một số vi khuẩn nhất định. Chủ yếu là diệt loại vi khuẩn thường gây các bệnh đường ruột (bạc có tác dụng tích cực với cấu trúc vi khuẩn Ecoli chuyên gây các bệnh đường ruột, tiêu chảy). Còn khả năng diệt khuẩn 99,9% là không thể vì từng vi khuẩn có cách phân hủy rất khác nhau.

Thức ăn cho vào tủ lạnh có hệ thống diệt khuẩn thì nano bạc chỉ tác dụng diệt khuẩn trên bề mặt (tức chiếm khoảng 50%, tương đương với khoảng vài trăm vi khuẩn đơn bào không mấy nguy hiểm và chỉ khống chế, sát khuẩn ở chừng mực nhất định). Những nguồn thức ăn đã nhiễm bệnh như H5N1 hoặc lở mồm long móng thì các ion bạc không thể diệt được. Chưa kể, để diệt khuẩn tốt còn phụ thuộc vào sự đối lưu không khí, độ ẩm trong tủ. Không hội đủ các yếu tố này, dù hàng ngàn các ion bạc hoạt động tích cực đến mấy cũng khó mà đánh bại vô số vi khuẩn gây bệnh khác.

TS La Thế Vinh, khoa Công nghệ Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trên thị trường cũng rộ lên những mặt hàng gia dụng, dụng cụ làm bếp, đồ dùng cho trẻ được giới thiệu là có chức năng tiệt trùng. Đó là những đồ dùng bằng nhựa, mà theo thông tin từ các nhà kinh doanh, trong thành phần nguyên vật liệu chế tạo các sản phẩm này có pha trộn chất neoflam, microban hoặc các hạt microban diệt khuẩn, có tác dụng ngăn chặn sự xâm hại của vi khuẩn nấm mốc, luôn giữ cho sản phẩm trắng sạch như mới và có tác dụng vĩnh cửu.

TS La Thế Vinh cho biết, công nghệ áp dụng các chất hóa học trong sản xuất, chế tạo đồ dùng gia đình hiện đang được nhiều nước khuyến khích áp dụng, ví dụ như chất xúc tác quang hóa (ví dụ TiO2)… Tuy nhiên, chất microban hay neoflam là chất gì thì "chưa tìm thấy trong bất cứ tài liệu nào".

Hay để giải quyết tình hình nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, nhiều tìm mua thiết bị lọc nước được xử lý bằng tia cực tím. Theo giới thiệu, đây là bộ lọc có khả năng loại trừ chất bẩn và diệt khuẩn 99,9%. Nước sinh hoạt sau khi lọc qua đèn cực tím có thể uống trực tiếp mà không cần nấu sôi.

huyên gia về thiết bị lọc nước PGS- TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cho biết, về lý thuyết tia cực tím có khả năng diệt khuẩn cao. Bởi tia cực tím hay còn gọi tia UV có bước sóng ngắn được tính bằng nanomet có khả năng xuyên qua vi khuẩn từ đó tiêu diệt các vi sinh vật, vi khuẩn có môi trường cực tím. Nhưng thiết bị lọc đó có tiêu diệt được 99,9% vi khuẩn hay không cần dựa vào công suất của bóng đèn tia cực tím đó cùng lượng nước chảy qua đó thế nào. Ví dụ, một bóng đèn cực tím có công suất 60W đòi hỏi dòng nước chảy qua phải dưới 20l/giờ.

Tuy nhiên, nếu chạy thế lại chậm quá khiến người tiêu dùng không đủ kiên nhẫn nên nhà sản xuất điều chỉnh nhanh hơn từ đó làm mất cân đối với bóng đèn dẫn đến hiệu suất thấp. Đối với người dân cũng khó có thể xác nhận được công suất đó đã phù hợp chưa mà chỉ biết dựa vào công bố tiêu chuẩn của chính nhà sản xuất. Vì thế, đôi khi cả người dân lẫn người bán hàng có sự lẫn lộn. Và một điều cần lưu ý, tia cực tím chỉ có tác dụng diệt khuẩn chứ không có tác dụng loại bỏ các chất bẩn và độc trong nước như chất cặn vôi, asen, thuốc trừ sâu...
Theo Pháp luật xã hội
{iarelatednews articleid='3672,259,6988,6537,906,4954'}
alt