Sữa Aptamil có nhôm: Sự cố tiêu dùng nổi bật tuần qua

21/10/2013 10:59
LIỄU PHẠM (TỔNG HỢP)
(GDVN) - Tuần qua, hàng loạt sự cố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng tiếp tục bị phát hiện, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người tiêu dùng. Tiêu biểu thông tin nhiều hãng sữa lớn phát hiện chứa nhôm vượt mức cho phép và hàng loạt thực phẩm chứa độc chất gây bệnh nguy hiểm dưới đây:
1. Chả cá chứa urê

Ngày 14/10, thông tin trên báo VietQ cho hay, UBND tỉnh Phú Yên có văn bản yêu cầu Sở Y tế tỉnh và các đơn vị liên quan xử lý nghiêm các chủ hàng, chủ cơ sở chế biến chả cá có chứa chất cấm, thông báo rộng rãi đến người dân.

Trước đó, đoàn công tác liên ngành của tỉnh đã lấy bảy mẫu nguyên liệu và chả cá thành phẩm ở chợ trung tâm TP. Tuy Hòa đưa đi kiểm nghiệm và xác định tất cả đều nhiễm chất cấm.

Cụ thể, cả bảy mẫu đều chứa dư lượng urê với hàm lượng 15,0-47,6 mg/kg và có 5/7 mẫu chứa dư lượng chloramphenicol với hàm lượng 0,1-1,24 µg/kg. Cả hai chất này đều cấm sử dụng trong bảo quản và chế biến thủy sản thực phẩm. Trong đó, “chất chloramphenicol sử dụng nhiều sẽ gây ức chế hệ thống tủy xương, gây suy giảm bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu, làm thiếu máu, kích thích hệ thống tiêu hóa, gây kháng thuốc kháng sinh ở các loại vi khuẩn” – một bác sĩ của Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Phú Yên, cho biết.

Chả cá thành phẩm ở chợ trung tâm TP. Tuy Hòa đưa đi kiểm nghiệm và xác định tất cả đều nhiễm chất cấm.
Chả cá thành phẩm ở chợ trung tâm TP. Tuy Hòa đưa đi kiểm nghiệm và xác định tất cả đều nhiễm chất cấm.

2. Sữa Aptamil ở Việt Nam có nhôm

Ngày 17/10, sau khi có thông tin các sản phẩm Aptamil có nhiễm nhôm, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng nhôm đối với các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ Aptamil có hàm lượng nhôm trong sản phẩm dao động từ 3,0 - 3,44 mg/kg.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ước tính lượng nhôm phơi nhiễm tối đa có thể có đối với trẻ nhỏ khi sử dụng hoàn toàn sản phẩm dinh dưỡng là 0,49 - 0,56 mg/kg thể trọng/tuần, thấp hơn so với ngưỡng an toàn của JECFA đã thiết lập mức ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận được đối với phơi nhiễm nhôm qua thực phẩm là 2 mg/kg thể trọng/tuần.

Các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ sơ sinh và tập đi của Aptamil, Cow & Gate và Hipp tại Anh được tìm thấy có lượng nhôm cao gấp 100 lần trong sữa mẹ, gấp 3 lần trong nước máy.
Các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ sơ sinh và tập đi của Aptamil, Cow & Gate và Hipp tại Anh được tìm thấy có lượng nhôm cao gấp 100 lần trong sữa mẹ, gấp 3 lần trong nước máy.

3. Sữa ký chứa trans-fat, gây hại cho tim mạch


Ngày 20/10, báo Tuổi trẻ đưa tin, nhiều bà mẹ nghèo không đủ tiền mua những loại sữa có thương hiệu đã mua sữa ký cho con uống theo lời quảng cáo có cánh như sữa tăng cân, sữa tăng chiều cao... Nhưng theo kết quả phân tích của Trung tâm dịch vụ phân tích - thí nghiệm (Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM), nhiều loại sữa ký có chứa chất trans-fat, một chất có hại cho sức khỏe tim mạch.

Tại chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh, TP.HCM có trên 30 sạp hàng bày bán các loại sữa ký không nhãn mác như trên với giá từ 80 – 220 ngàn đồng/kg. Sữa đựng trong báo nilon, buộc dây thun và được ghi ngoài bằng bút lông nên người mua cũng không biết hạn sử dụng, không rõ hàng ở đâu. Thế nên xuất xứ, nguồn gốc các loại sữa này đều tùy thuộc người bán nói sao biết vậy

Giảng viên Trần Thị Thu Trà, bộ môn hóa thực phẩm, khoa hóa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết việc cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống sữa với thành phần cao như nói trên là không đúng khuyến nghị của Bộ Y tế. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, nếu thành phần đường cao như trên thì có thể uống sữa đó với điều kiện trẻ không ăn thêm nhiều bánh kẹo, gây mất cân đối. Đồng thời trẻ phải “cân, đo, đong, đếm” các loại thực phẩm khác để ăn đúng mức khuyến nghị.

“Điều này rất khó đạt được, nên khi uống nhiều sữa ngọt sẽ sinh ra dư đường. Như vậy đường sẽ tích lũy lại trong cơ, gan, chuyển hóa thành mỡ với nguy cơ béo phì và sinh ra bệnh tiểu đường type 2. Trước mắt, việc uống sữa ngọt (nhiều đường) làm thận còn non yếu của trẻ sẽ mệt” - thạc sĩ Trần Thị Thu Trà phân tích thêm.

4. Sầu riêng được “thúc” chín bằng… phân bón


Ngày 16/10, báo Lao động đưa tin tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắc tỉnh Đắc Lắc người dân pha chế, tẩm nhúng sầu riêng bằng một loại “biệt dược”. Tại các vườn cây, sau khi thu hoạch hàng loạt trái xanh, nông dân đem nhúng vào một loại dung dịch màu vàng đựng trong thùng nhựa. Sau đó họ lấy ra, để cho ráo nước và ngấm thuốc, chờ thương lái đến cân.

Dung dịch này được pha chế từ một loại thuốc đóng chai mang tên “Trái chín” – sản xuất bởi Cty TNHH sinh học HPH; trụ sở tại 327/37 Hà Huy Giáp, phường Thạnh Xuân, quận 12 (TPHCM), bán tại các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở huyện Krông Pắk.


Không chỉ “phù phép” sầu riêng xanh thành sầu riêng chín, thuốc “Trái chín” còn làm chín các loại trái cây khác như chôm chôm, đu đủ, xoài, chuối… đặc biệt có thể dùng cho càphê, hồ tiêu. Càphê và hồ tiêu có đặc điểm chín thành nhiều đợt, việc thu hoạch cũng phải kéo dài vừa tốn nhân công, vừa dễ bị mất trộm.

Theo tìm hiểu, loại thuốc “trái chín” là phân bón lá, không có trong danh mục thuốc BVTV được Bộ NNPTNT cho phép lưu hành. Vì vậy, việc sử dụng phân bón để làm chín sầu riêng là vi phạm nguyên tắc, có thể gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

5. Đồ hộp nhiễm độc… ăn là liệt

Ngày 17/10, chia sẻ trên Sài Gòn tiếp thị, TS.BS Vũ Đức Định (bệnh viện E Trung ương) cho biết, tất cả các loại thức ăn đều có thể bị nhiễm độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum (C. botulinum) nếu bảo quản không kỹ nhưng nguồn lây bệnh chủ yếu là qua các loại đồ hộp có độ axít thấp như: đậu, bắp, củ cải đường. Thịt hộp, cá hộp cũng là một nguồn lây bệnh tiềm tàng. 

Vi khuẩn C. botulinum phát triển trong các loại thực phẩm nói trên, sinh độc tố và nếu ăn phải loại thức ăn này, các triệu chứng sẽ xuất hiện sau 18 – 36 giờ. Cá biệt có trường hợp bệnh xuất hiện sớm sau ăn vài giờ hoặc muộn hơn, sau vài ngày.

Đồ hộp là một dạng thực phẩm dự trữ phổ biến từ lâu, nhưng nếu mua và sử dụng không cẩn thận, người ăn có thể bị ngộ độc. Đã có nhiều trường hợp bị liệt vận động do nhiễm độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum (C. botulinum) phát triển trong loại thực phẩm này.

6. Dân nhậu Việt say mồi hóa chất


Báo VFF ngày 15/10 cho biết, tại các quán nhậu ở TP Hồ Chí Minh, tất cả các nguyên liệu làm lên những nồi lẩu thơm ngon hay những món gỏi khoái khẩu phục vụ dân nhậu đều được tẩm ướp đủ các loại hóa chất độc hại để tăng vị ngon ngọt và tạo độ dai giòn… 

Cụ thể, một số chủ vựa hải sản chợ Chánh Hưng, quận 8 tiết lộ, để giữ tôm tươi lâu, chủ hàng thường ngâm formaldehyde (chất bảo quản xác ướp) - một loại chất độc cấm sử dụng trong thực phẩm, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
 
Ngoài nguyên liệu chính thì hóa chất cũng được dùng để “làm đẹp” cho các loại rau ăn trong lẩu. Măng chua là thực phẩm “hấp thụ” nhiều hóa chất nhất vì đây là loại được sơ chế. Theo đúng quy trình, măng tươi sau khi thu hoạch sẽ được luộc kỹ qua nhiều lần nước, lửa phải đều và ngâm khoảng 2 ngày thì măng mới mềm, chua, ngon ngọt hết đắng.
 
Để giữ tôm tươi lâu, chủ hàng thường ngâm formaldehyde (chất bảo quản xác ướp).
Để giữ tôm tươi lâu, chủ hàng thường ngâm formaldehyde (chất bảo quản xác ướp).

Nhưng để giảm chi phí, giảm công luộc, người buôn măng đã sử dụng một loại hóa chất giúp măng chua ngon, giòn mềm và có thể để được đến 2 năm mà không lo thối và bán khi trái vụ. Giá bán hóa chất ngâm măng có giá 60.000 đồng/kg. Với 1 kg hóa chất có thể ngâm được vài tạ măng. Nhờ hóa chất, măng còn nở ra và nặng cân, dân buôn măng sẽ thu lãi khủng nhất là những tháng trái mùa măng tươi. Lượng hàng ra một phần ra chợ phần lớn vẫn bỏ sỉ về cho các quán nhậu bình dân.

7. Hỏng hệ tiêu hóa vì son môi kém chất lượng


Ngàu 16/10, báo VietQ cho hay, tại các chợ, vỉa hè, hàng mĩ phẩm trên địa bàn Hà Nội, những hàng bán mỹ phẩm “siêu rẻ” mọc lên rất nhiều. Tại đây,  những lọ son nước được bán với giá chỉ từ 20.000 - 60.000đ/cây, với đầy đủ các mùi hương: hương cam, chanh, dâu, cà phê, táo,….

Theo các bác sĩ, son môi chứa nhiều hợp chất hóa học nguy hại cho sức khỏe con người. Nhiều sản phẩm son môi chứa dầu cứng - chất làm hỏng men răng. Việc sử dụng son môi quá nhiều có thể dẫn tới nguy cơ ung thư, vì trong son luôn có hàm lượng chì và một số kim loại khác như: niken, đồng, asen, crôm và coban.

Ở Việt Nam ngưỡng chì cho phép trong mỹ phẩm là 20 ppm. Nếu hàm lượng chì cao, son môi có thể ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ tiêu hóa vì chất chì và đồng trong son môi phản ứng với các enzyme trong dạ dày, gây nhiễu loạn hệ tiêu hóa./.

LIỄU PHẠM (TỔNG HỢP)