Sức ép nào khiến vàng SJC đảo chiều giảm giá?

23/11/2011 14:49
Khởi Sự (Tổng hợp)
(GDVN) - Sáng nay, SJC bất ngờ giảm giá xuống vùng 45 triệu đồng/lượng, bám rất sát giá vàng thế giới. Sức ép nào khiến giá vàng có sự đảo chiều này?

Thị trường đảo chiều, giá vàng SJC thấp hơn vàng thương hiệu khác

Có thể nói, tình trạng “loạn giá”, “vàng hai giá” đang trở thành một vấn đề nóng trên thị trường vàng trong nước mấy ngày gần đây.

Trước đó, so với vàng miếng SJC, một số loại vàng miếng như vàng Rồng Thăng Long, AAA… có giá thấp hơn từ 700.000 đồng đến gần 1 triệu đồng/lượng.

Theo giải thích từ phía doanh nghiệp, nguyên nhân khiến các loại vàng trên phải “đại hạ giá” chủ yếu do người dân hoang mang và lo ngại với những quy định trong dự thảo nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước. Họ cho rằng: Khi dự thảo ban hành thị trường sẽ chỉ còn vàng miếng SJC, đương nhiên giá trị những loại vàng miếng khác mà họ sở hữu sẽ bị ảnh hưởng...

Thị trường vàng trong nước đang chứng kiến sự chênh lệch về giá giữa các thương hiệu.
Thị trường vàng trong nước đang chứng kiến sự chênh lệch về giá giữa các thương hiệu.

Tuy nhiên, tới đầu giờ sáng nay (ngày 23/11), mặc dù giá vàng quốc tế tăng khá mạnh, Công ty SJC lại hạ giá vàng SJC bán ra tại TP.HCM thêm 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua, còn 44,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng thu mua được doanh nghiệp này nâng thêm 50.000 đồng/lượng, lên 44,2 triệu đồng/lượng.

Như vậy, từ chỗ đứng ngang bằng trong nhiều ngày trước, giá vàng SBJ sáng nay lại cao hơn SJC 300.000 đồng/lượng ở chiều thu mua và 400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Thậm chí, cũng là vàng SJC nhưng giá lại mỗi nơi một khác. Công ty Phú Quý lúc 8h50 sáng niêm yết giá vàng loại này ở mức 44,4 triệu đồng/lượng và 44,95 triệu đồng/lượng (giá mua vào và bán ra), cao hơn giá do Công ty SJC niêm yết tương ứng 200.000 đồng/lượng và 450.000 đồng/lượng.

Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đầu giờ giao dịch ở 43,95 triệu đồng/lượng và 44,4 triệu đồng/lượng, ngang với báo giá của SJC. Sau đó, đến gần 9h, giá vàng của công ty này được nâng mạnh lên 44,4 triệu đồng/lượng và 44,95 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng so với lúc mở cửa.

Như vậy, loại vàng rồng Thăng Long này lại có giá cao hơn giá vàng SJC do chính SJC niêm yết.

Một điểm khác nữa là với diễn biến từ chiều qua đến đầu giờ sáng nay, giá vàng SJC đã rút ngắn khoảng chênh với giá thế giới, chỉ còn cao hơn khoảng 600.000 đồng/lượng tính theo giá quy đổi, trong khi hồi cuối tháng 9/2011, mức chênh lệch này là 4 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân nào khiến vàng SJC "đại hạ giá"?

Có sự thay đổi này, nguyên do một phần là do chính sách quản lý kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước, phần khác do sự tổng lực của nhóm ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường.

Bởi lẽ, chiều tối ngày 21/11, Ngân hàng Nhà nước có thông tin định hướng thêm về một số nội dung về dự thảo chính sách quản lý kinh doanh vàng.

Cùng với đó, để cung cấp thêm các thông tin liên quan, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức đăng tải toàn bộ nội dung dự thảo nghị định đã trình Chính phủ thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Người dân ùn ùn kéo đến mua vàng tại Công ty SJC TP HCM sáng nay sau khi giá vàng của thương hiệu này giảm cả triệu đồng và về sát với thế giới.
Người dân ùn ùn kéo đến mua vàng tại Công ty SJC TP HCM sáng nay sau khi giá vàng của thương hiệu này giảm cả triệu đồng và về sát với thế giới.

Trong đó, có một số nội dung hiện đang được dư luận quan tâm, và Ngân hàng Nhà nước thông tin chi tiết hơn.

Cụ thể, thời gian chuyển tiếp đối với hoạt động sản xuất, gia công, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ là 12 tháng; thời gian chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là 6 tháng. Sau thời gian này, hoạt động mua bán vàng miếng phải được thực hiện tại các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng.

“Tất cả các loại vàng miếng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất và lưu thông trong thời gian trước đây vẫn tiếp tục được lưu thông sau khi nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực thi hành”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Ngoài ra, sự tổng lực của nhóm ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường góp sức đắc lực khắc phục tình trạng vàng “loạn giá”.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại trong nhóm trên trao đổi với VnEconomy: Hiện các thành viên trong nhóm đang thực hiện “đợt hai”, tăng cường bán vàng ra để thu hẹp chênh lệch giá và bình ổn thị trường, theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Đây được xem là một nguyên nhân chính khiến giá vàng SJC có sự điều chỉnh mạnh vừa qua.

Khởi Sự (Tổng hợp)