TS Lê Đăng Doanh: "EVN nên đối xử sòng phẳng với người tiêu dùng"

05/12/2012 10:11
Hà Nhi
(GDVN) - Theo chuyên gia kinh tế, TS.Lê Đăng Doanh: EVN nên đối xử sòng phẳng và công bình với người dân, tránh tự ý tăng giá điện khiến người tiêu dùng "sốc".

Mừng và lo khi EVN báo lãi "khủng"
Trao đổi tại cuộc họp báo chiều 3/12, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tự tin nói: trong năm 2012 này, EVN dự kiến sẽ có lãi và sẽ bù lỗ của những năm trước khoảng 3.500 - 4.000 tỷ đồng tùy thuộc vận hành của thủy điện. Sau nhiều năm lỗ triền miên, năm nay, EVN bất ngờ báo lãi "khủng" khiến dư luận và giới phân tích vừa mừng vừa lo.
"Năm 2012 này, EVN đã có lãi, tôi hi vọng việc tăng giá điện sang năm sẽ được xem xét trong bối cảnh EVN không còn lỗ nữa, hoặc nếu có tăng cũng không phải là tăng quá cao” - TS. Lê Đăng Doanh mong mỏi.
"Năm 2012 này, EVN đã có lãi, tôi hi vọng việc tăng giá điện sang năm sẽ được xem xét trong bối cảnh EVN không còn lỗ nữa, hoặc nếu có tăng cũng không phải là tăng quá cao” - TS. Lê Đăng Doanh mong mỏi.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM) cho biết: “Mừng bởi lẽ EVN đã tăng giá điện năm nay, dự kiến đòi tăng giá điện năm 2013, nhưng nếu như năm 2012 này, EVN đã có lãi, tôi hi vọng việc tăng giá điện sang năm sẽ được xem xét trong bối cảnh EVN không còn lỗ nữa, hoặc nếu có tăng cũng không phải là tăng quá cao”.
“Còn tại sao từ trước tới nay vẫn kêu lỗ dài dài còn năm nay tự dưng báo lãi, tôi đề nghị các cơ quan kiểm toán và thanh tra nên làm rõ” – ông Doanh nói. Tuy vậy, theo nhận định của TS. Lê Đăng Doanh, nguyên nhân ngành điện lãi có thể đến từ việc năm nay, sản xuất của các doanh nghiệp cầm chừng. 100.000 doanh nghiệp đóng cửa, các doanh nghiệp thép cũng chỉ chạy với 30 – 40% công suất, với ngành xi măng, hàng tồn kho cũng rất lớn, trong khi đó, đã từ lâu, họ là những đơn vị tiêu thụ điện lớn, nay họ lại ít tiêu thụ điện. Nhờ vậy, EVN có thể cung cấp cho các hộ kinh doanh khác, do đó, có thể có lãi được. Một số ý kiến khác thì cho rằng: EVN lãi là do đã mua được điện với mức giá thấp nhưng lại bán ra với mức giá cao mới có thể thu về khoản lợi nhuận như thế. Theo tính toán và các số liệu được đăng trên báo Tiền Phong có thể thấy: Trong nửa đầu tháng 7/2012, có rất nhiều thời điểm trong ngày, EVN mua được điện với giá rất thấp, chỉ trên 300 đồng/kWh, có thời điểm trên 900 đồng/kWh. Tại các thời điểm khác trong ngày, giá mua điện (đã tính tổng các chi phí gồm giá điện thị trường, phí truyền tải, phân phối) phổ biến của ngành điện chỉ ở mức bình quân 1.000 - 1.100 đồng/kWh. Đơn cử, với mức giá chào bình quân ở mức 1.138,87 đồng/kWh cho ngày 14/7, sau khi trừ các chi phí trả cho doanh nghiệp, chi phí truyền tải, phân phối, với mỗi kWh bán ra, EVN lãi bình quân 367,03 đồng/kWh. Với mức giá này, nếu tính cả tiền lương bình quân chiếm khoảng 5,5% giá điện, tương đương 75,29 đồng/kWh thì ngành điện vẫn lãi ròng khoảng 400 đồng/kWh bán ra. Như vậy, mua được lượng điện giá rẻ trong khi mức giá bán cho người dân và xã hội giữ cố định giúp EVN có mức lợi nhuận lớn hơn trước đây mỗi ngày vài tỷ đồng (chưa kể việc tăng giá bán điện cho các hộ tiêu dùng).
“EVN nên đối xử một cách sòng phẳng và công bình với người dân”
Cũng tại buổi họp báo chiều 3/12, EVN cho biết: Tổng các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện đến hết 31/12/2011 là 26.733,53 tỷ đồng. Trong đó, chênh lệch tỷ giá chưa được phân bổ là 26.669,27 tỷ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn chưa được phân bổ là 64,26 tỷ đồng. Phương án xử lý gần 26.700 tỷ đồng này đã được Quyết định 854 của Chính phủ phê duyệt, cho phép EVN xem xét đề xuất xử lý trong vòng 5 năm (đến 2015). Đối với năm 2012, EVN dự kiến chỉ đưa vào giá thành những khoản đến hạn trả nợ chứ chưa đưa vào phân bổ 26.700 tỷ đồng. "Nếu đưa khoản này vào sẽ làm tăng vọt giá thành điện và tạo sức ép tăng giá điện" - ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN lưu ý. Tuy nhiên, trao đổi với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế cho hay: Chênh lệch tỷ giá năm 2012 chỉ dao động trong khoảng 2% chắc chắn không phải khoản quá lớn còn chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, trong năm tới, EVN nên tính toán với Bộ Tài chính chứ không nên “bổ đầu” người dân như vậy.
TS.Lê Đăng Doanh: EVN nên đối xử sòng phẳng và công bình với người dân, tránh tự ý tăng giá điện khiến người tiêu dùng "sốc". (Ảnh: Internet)
TS.Lê Đăng Doanh: EVN nên đối xử sòng phẳng và công bình với người dân, tránh tự ý tăng giá điện khiến người tiêu dùng "sốc". (Ảnh: Internet)
“Vì đó là một câu chuyện hoàn toàn khác, không thể vì tôi thiếu chỗ này, tôi lại “bổ đầu” vào người khác, nó chẳng khác nào “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, nếu làm như vậy, EVN sẽ không sòng phẳng. Cần phải làm rõ lỗ ở đâu, lý do vì sao, lỗi tại đâu, người nào gây ra, lý do gì, chứ không thể nêu ra một khoản lỗ như vậy rồi bảo tôi sẽ còn tăng giá nữa” – TS.Lê Đăng Doanh bức xúc. Theo ông Doanh, EVN nên đối xử một cách sòng phẳng và công bình với người dân và người tiêu dùng. “Về việc nâng giá điện, EVN nên rút kinh nghiệm từ những lần trước, cần công khai đưa ra các hội khoa học kỹ thuật và hội người tiêu dùng nhất là hội khoa học kỹ thuật – chuyên về ngành điện xem xét và lúc đó họ sẽ có ý kiến, tránh việc ngành điện tự ý mình nâng giá, để dân ta bị sốc” – ông Doanh nhấn mạnh.
Năm 2013, giá điện “chắc chắn sẽ tăng”

Trước đó, trả lời báo giới về việc giá điện trong thời gian tới sẽ tăng hay giảm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định: “Giá điện chắc chắn sẽ tăng chứ không giảm bởi mức giá hiện tại rất thấp do nhu cầu năng lượng càng tăng, nguồn sơ cấp càng ngày càng giảm, bởi vậy, giá điện theo xu hướng sẽ tăng”.

Dự kiến trong tháng 12 này, Bộ chúng tôi sẽ trình Thủ tướng lộ trình điều chỉnh giá điện trong 2013 - 2015 theo hướng tác động ít nhất đến đời sống của người dân cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực

Theo Thứ trưởng Quang, từ năm 2008, Chính phủ đã có chủ trương giá điện sẽ dần theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, do trong giai đoạn 2011 - 2012 kinh tế quá khó khăn nên Chính phủ vẫn phải kiểm soát về giá điện. Còn trong thời gian tới, chắc chắn giá điện phải theo cơ chế thị trường.

(Theo VnEconomy)
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hà Nhi