Tại Việt Nam, tiền mệnh giá 500.000 đồng được chuộng nhất ở đâu?

21/09/2012 16:11
Theo Infonet
Tại nhiều vùng miền khác, đặc biệt là nông thôn, vùng núi kém phát triển, tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng lại được cất trữ nhiều hơn do thói quen trân trọng, để dành tiền...

Nhóm nghiên cứu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện điều tra và đưa ra nhiều kết quả thú vị về đồng tiền Việt Nam từ khi "sinh ra" đến lúc bị tiêu hủy.

Hầu như rất ít người trả lời được các câu hỏi như: Đồng tiền bẩn nhất ở nơi nào? Tờ 500.000 đồng được lưu thông ít nhất ở đâu? Mệnh giá nào được ưa dùng nhất... Một nhóm nghiên cứu từ Ngân hàng Nhà nước bước đầu đã có kết quả về những đồng tiền, và cho kết quả khá bất ngờ.

Tờ 500.000 đồng được chuộng nhất ở đâu?

Nhiều người cho rằng, ở các thành phố, đô thị lớn, việc cất trữ đồng tiền mệnh giá 500.000 đồng sẽ nhiều hơn so với các địa phương khác. Nhưng thực tế, tại những nơi này, đồng tiền mệnh giá cao lại ít nằm trong két sắt nhất, do thường xuyên được đưa ra ngoài lưu thông, quay vòng và sinh lời. Còn tại nhiều vùng miền khác, đặc biệt là nông thôn, vùng núi kém phát triển, mệnh giá này lại được cất trữ nhiều hơn do thói quen trân trọng, để dành tiền của người dân trở nên phổ biến.

Đời sống của đồng tiền có nhiều thú vị mà không phải ai cũng biết.
Đời sống của đồng tiền có nhiều thú vị mà không phải ai cũng biết.


Chưa có thống kê cuối cùng, song nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước chỉ ra rằng, phần lớn người dân, một khi đã có tiền 500.000 đồng để dành, thường khiến tiền "nằm chết" khá lâu. Thậm chí, có gia đình gặp thiên tai bão lũ, khi kiểm đếm còn phát hiện có những đồng tiền thuộc sê-ri cách đây 5 năm, và lâu hơn. Điều này vô hình trung khiến cho khái niệm "lạm phát, mất giá" bị bỏ qua. Nhiều gia đình ngẫu nhiên vượt qua được "lạm phát tạm thời" : 5 năm trước, với 10 triệu đồng mới mua được 1 con trâu trưởng thành thì nay, số tiền này có thể mua được nhiều hơn thế. Lạm phát gần như không tác động tới đời sống của lớp cư dân này.

Trong khi đó, phía cơ quan phát hành tiền là Cục Phát hành và Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước), trước khi in tiền đã tính toán, cân đối mệnh giá sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Tiền ở đâu bẩn nhất?

Tại Việt Nam, đồng tiền rất dễ bị nhiễm bẩn và có tuổi thọ thấp do ý thức bảo quản của người dân còn hạn chế. Điều này cũng khiến cho số lượng tiền nát, bẩn chiếm tỷ lệ cao, nhất là các tờ mệnh giá thấp.

Quyết định chuyển tiền cottton thành polymer của Ngân hàng Nhà nước cách đây khoảng chục năm cũng đã tính toán tới khí hậu, môi sinh nóng, ẩm của châu Á và thói quen tiêu dùng người Việt. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ hạn chế phần nào việc đồng tiền bị nhiễm bẩn. Thậm chí, phát hiện mới đây cho thấy, tiền dễ nhiễm bẩn không chỉ bởi giấy nền in tiền, mà còn do chính chất lượng mực in. Đáng chú ý là tác nhân làm đồng tiền nhanh mờ, mất nét, xấu… chính là vi khuẩn, thủ phạm phân hủy lớp mực in, làm hỏng, đồng thời, tạo ra mầm bệnh.

Do đó, môi trường tạo ra tiền bẩn nhiều nhất, theo nhóm nghiên cứu, là khu vực chợ truyền thống, đặc biệt là nơi bán thực phẩm và rau quả sống, chưa qua chế biến…Thậm chí, chính chiếc ví đựng tiền cũng có thể chứa đầy mầm bệnh.

Có thể kết luận, tuổi thọ của đồng tiền tại các nước phát triển thường cao hơn các nước đang phát triển. Lý do là người dân có ý thức giữ tiền, không bẻ gập, vò nhầu, để tiền trong ví kích thước lớn để giữ phẳng. Ngoài ra, khí hậu khô, lạnh gần như quanh năm cũng khiến tiền ít bị nhiễm bẩn hơn.

Mệnh giá Việt Nam đồng nào được ưa thích nhất?


Điều tra của nhóm nghiên cứu cho thấy, tầng lớp thị dân thích tờ 200.000 đồng. Lý do là mệnh giá này tương hợp với số đông mức sống, thuận tiện trong thanh toán, bền và đẹp.

Qua khảo sát một số năm, mệnh giá 20.000 đồng cũng khá "đắt khách" vào các dịp Tết cổ truyền, vì nhu cầu mừng tuổi của người dân. Ngoài ra, nhu cầu tiền lẻ 200 đồng, 500 đồng để đi chùa chiền, cầu tài lộc mỗi dịp Tết cũng khiến cho mệnh giá này trở thành "hàng hiếm" trong những ngày Tết nguyên đán.
Theo Infonet