Thêm quả mận, lựu độc "tuồn" vào Việt Nam

18/09/2012 08:52
Theo Người lao động
Nho, mận, lựu không an toàn có nguồn gốc từ Trung Quốc đã được phát hiện tại thị trường Việt Nam. Phía chủ hàng ở Trung Quốc xem như đã thừa nhận thực tế này.
Ngày 17/9, tại cuộc họp về tình hình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và vật tư nông nghiệp của Bộ NN-PTNT, cơ quan chức năng đã chỉ rõ hàng loạt mẫu thực phẩm, trái cây trong nước và nhập khẩu không bảo đảm  ATVSTP, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hóa chất và chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.Thêm lựu, mận... độc Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng cho biết trong tháng 8 và đầu tháng 9/2012, cơ quan chức năng đã tăng cường tần suất kiểm tra nhập khẩu đối với nho tươi, lựu, khoai tây và đã phát hiện nhiều sản phẩm vi phạm. Đáng chú ý, từ ngày 10/8 đến 1/-9, đã phát hiện 4 mẫu vi phạm quy định về ATVSTP đối với nho tươi, lựu tươi (ở cửa khẩu Lào Cai) và mận tươi (cửa khẩu Lạng Sơn).
“Mặc dù không gây ung thư nhưng khi sử dụng các sản phẩm trên, các loại hóa chất cấm sẽ tích tụ trong cơ thể, gây ra các triệu chứng có hại đến hệ thống tiêu hóa và về lâu dài thì ảnh hưởng tới gan, thận” - ông Hồng cảnh báo. Trước đó, nho tươi Trung Quốc cũng đã bị phát hiện có chứa chất độc hại. Ông Hồng nhấn mạnh: “Phía chủ hàng Trung Quốc đã chấp nhận thông báo từ Việt Nam và không phản ứng với kết quả kiểm tra. Việt Nam sẽ làm đúng như thông lệ quốc tế, không cho nhập khẩu hàng “độc” nếu vi phạm 3 lần”. Để ngăn chặn “hàng độc”, ông Hồng kiến nghị thành lập đường dây nóng và xây dựng mạng lưới tình nguyện viên để có thêm thông tin để xử lý các nguy cơ mất ATVSTP. Theo Bộ NN-PTNT, trong tháng 9-2012, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra sâu chất lượng ATVSTP đối với các sản phẩm măng, khô bò và cá biển.40% mẫu giá đỗ nhiễm E.coli Tiếp tục lo ngại cho sức khỏe của người dân, Cục BVTV cho biết: Kết quả kiểm tra 50 mẫu giá đỗ ở Hà Nội cho thấy có tới 40% mẫu có chứa vi sinh vật E.coli, Salmonella...  Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên quá hoang mang bởi 3 loại vi sinh vật trên đều có thể bị tiêu diệt trong điều kiện nấu chín. “Người dân không nên ăn sống giá đỗ và rau quả bởi rửa nước muối, thuốc tím và ô-zôn chỉ làm giảm chứ không xử lý được vi khuẩn” - ông Hồng cảnh báo. Ông Nguyễn Xuân Hồng cũng khuyến cáo: Giá đỗ và rau mầm nếu sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng không đúng quy trình và thuốc không nằm trong danh mục cho phép có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu Cục Trồng trọt và Cục BVTV gấp rút xây dựng quy chuẩn sản xuất giá đỗ an toàn để các cơ sở sản xuất thực hiện. Nếu không thực hiện đúng quy chuẩn này sẽ không cho sản xuất.  Đồng thời, Cục Trồng trọt kết hợp với Cục BVTV hệ thống lại thông tin, từ đó xác định vùng và những loại rau có nguy cơ cao chứa dư lượng hóa chất BVTV để tập trung xử lý. Ngoài ra, Cục BVTV đã tiến hành lấy mẫu kiểm định chỉ tiêu 30 mẫu chè với các thương hiệu khác nhau và chọn 12 hoạt chất để kiểm tra, kết quả cho thấy cả 30 mẫu chè đều bảo đảm an toàn vệ sinh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát vẫn nghiêm khắc phê bình và yêu cầu cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện báo cáo về hoạt động sản xuất chè để bộ có cơ sở làm việc với các địa phương nhằm sản xuất chè an toàn với phương châm “phải kiểm tra, không che giấu”.
Theo Người lao động