Thương lái Trung Quốc thu mua đỉa, lá điều khô để làm gì?

30/07/2013 16:24
Hoàng Lực (Theo VTV)
(GDVN) - Đỉa, lá điều khô, dừa khô... những mặt hàng nông sản dị thường được thương lái nước ngoài thu mua sẽ đi đâu? Được sử dụng làm gì và ai sẽ là người được lợi?
Những câu hỏi này đã được đặt ra từ nhiều năm nay những hiện vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng. Câu hỏi liên quan đến việc làm giá nông sản đang được đặt ra còn ngay hiện nay tại Bến Tre giá dừa khô đang được thương lái nước ngoài thu mua mạnh mẽ. Tình trạng này không phải bây giờ mới diễn ra, năm ngoái tình trạng thương lái thu mua dừa khô với giá cao đã xảy ra. Đình điểm có lúc giá lên tới 100.000 đồng/10 trái dừa khô nhưng chỉ khoảng 2 – 3 ngày sau đó giá dừa khô dứt thảm hại chỉ còn 15.000 đồng/chục.
Một mặt hàng mà chỉ sau 3 tuần giá đã tụt giảm đến hàng chục lần như vậy rõ ràng chỉ có mặt hàng làm giá mới bị đẩy lên khủng khiếp như vậy. Quay trở lại trước đây với những mặt hàng dị biệt khác đó là đỉa. Vào thời điểm cuối năm 2012 một cơn sốt bắt đỉa bán cho thương lái Trung Quốc diễn ra lúc cao điểm mức giá thu mua lên tới cả triệu đồng 1 kg. Khiến nhiều người dân đổ xô đi bắt đỉa, không ai biết thương lái Trung Quốc mua đỉa làm gì, có người bảo để làm giấy, có người bảo làm thuốc thậm chí là làm súc sích.
Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thương lái Trung Quốc bỗng nhiên bỏ đi khiến hàng trăm kg đỉa trở nên vô giá trị và người dân không biết xử lý thế nào đánh vứt xuống biển. Còn tại Bình Phước cũng vào thời điểm cuối năm 2012, xuất hiện tình trạng các thương lái đến thu gom lá điều khô. Giá được thương lái đưa ra là 500 đồng/kg có lúc lên 1000 đồng/kg mức giá trên trời chưa từng có vì lâu nay chẳng ai đi thu mua lá điều khô cả. Còn người dân cũng chẳng biết thương lái mua làm gì, còn thương lái cũng chỉ biết có người đặt hàng nhờ thu mua mà thôi. Việc thu mua lá điều khô đã dẫn đến việc tận diệt lá điều, có người hái lá điều khô đem phơi khô rồi bán hay phun hóa chất để lá điều rụng hàng loạt và việc làm này sẽ làm ảnh hưởng đến năng xuất của cây điều trong năm sau. Sau hàng loạt mặt hàng nông sản dị bản bỗng chốc bị thổi giá lên như đỉa thì có thể thấy các chiêu bài làm giá dần dần lộ rõ. Ban đầu các thương lái Trung Quốc đưa thông tin cần mua một khối lượng lớn đỉa với gái 300-400.000 đồng/kg vào tháng 12/2012, đến tháng 1/2013 giá thu mua được đẩy lên 650.000 đồng/kg, sang tháng 2 thì mức giá khủng khiếp hơn 1 triệu đồng/kg. Sự thực cũng có những người ngày kiếm vài triệu nhưng chẳng được bao lâu. Khi giá đỉa lên đến 1 triệu/kg thì người dân đổ xô đi thu gom đỉa, cạnh tranh giá để thu gom hòng bán cho các thương lái nước ngoài. Nhưng chỉ sau 2 tuần các thương lái nước ngoài bất ngờ dừng thu mua. Con đỉa lúc này vô tác dụng và đó là quy luật làm giá của các thương lái nước ngoài đặt cho các mặt hàng nông sản Việt Nam. Người thiệt hại nhất chính là những người mang hết tài sản của mình mang đi thu gom loại hàng hóa vô giá trị hòng bán lại cho thương lái kiếm lời. Còn kẻ được lợi chính là các thương lái nước ngoài, khi họ gom hàng đợt 1, đợt 2 đợt 3 sau khi tung ra giá cao khủng khiếp họ mang chính mặt hàng đã mua với mức giá thấp trước đó đem bán lại thương lái Việt Nam đang gom hàng. Và thế là phần chênh lệch giá ấy nằm trong tay thương lái nước ngoài. Vì ham lợi nên người Việt ra sức thu gom hàng mà không hề biết họ đang mua lại chính hàng hóa đã được bán cho các thương lái nước ngoài trước đây…
Hoàng Lực (Theo VTV)