Tràn lan bột ngọt lậu "cái muỗng" tại các chợ miền Trung

20/12/2011 13:13
Nguyễn Nghĩa
(GDVN) - Phớt lờ cảnh báo nguy cơ từ các cơ quan y tế, bột ngọt lậu nhãn hiệu "cái muỗng" vẫn nhan nhản trong bếp ăn từ nhà này sang nhà khác tại miền Trung.
Nhận diện bột ngọt lậu

Dạo quanh các chợ khu vực miền Trung như chợ Lao Bảo, chợ Mỹ Chánh, chợ Đông Hà, chợ Quảng Trị, chợ Cam Lộ, chợ Cầu tại Quảng Trị; chợ Đông Ba, chợ An Cựu, chợ Bến Ngự, chợ Phú Bài tại Huế… có thể dễ dàng bắt gặp các mặt hàng bột ngọt lậu được bày bán tràn lan.

Thoạt nhìn thật khó nghĩ đây là những mặt hàng bột ngọt lậu tuy nhiên, nhận diện bột ngọt lậu không khó. Theo quy định của pháp luật, tất cả những mặt hàng mà bao bì không in tiếng Việt hoặc không dán nhãn chú thích tiếng Việt đều là hàng lậu hoặc vi phạm về ghi nhãn hàng hóa.
Hàng lậu được phát hiện nhiều nhất tại thị trường miền Trung là bột ngọt với bao bì in hình cái muỗng mà người dân quen gọi bột ngọt cái muỗng.
Hàng lậu được phát hiện nhiều nhất tại thị trường miền Trung là bột ngọt với bao bì in hình cái muỗng mà người dân quen gọi bột ngọt cái muỗng.

Hàng lậu được phát hiện nhiều nhất tại thị trường miền Trung là bột ngọt với bao bì in hình cái muỗng mà người dân quen gọi bột ngọt cái muỗng. Loại bột ngọt này được sản xuất bởi Công ty THAI FERMENTATION IND. CO.,LTD., tại Thái Lan và vận chuyển sang Lào. Từ Lào, bột ngọt lậu được chuyển tới đường biên giới Lào – Việt và đi vào Việt Nam trái phép dưới nhiều hình thức qua các cửa khẩu Lao Bảo – tỉnh Quảng Trị hay cửa khẩu Cầu Treo – tỉnh Hà Tĩnh…

Từ đây, loại bột ngọt lậu này được đưa đi bày bán khắp các chợ tại miền Trung. Theo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh miền Trung, thời gian qua các cơ quan đã kiểm tra và phát hiện có khoảng 56 chợ lớn ở miền Trung với 1.215 quầy bán loại bột ngọt nhập lậu này.

Càng đáng lo ngại hơn khi thị phần của loại bột ngọt lậu đã lên đến 56% tại Huế và 68% tại Quảng Trị. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các thương hiệu bột ngọt trong nước kinh doanh hợp pháp mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đất nước.

Mác ngoại nhưng… chưa đạt tiêu chuẩn Việt Nam

Bột ngọt nhập lậu dĩ nhiên không hề được qua giám định về chất lượng của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm. Với toàn tiếng nước ngoài in trên bao bì, người dân không thể tìm thấy bất kì thông tin rõ ràng nào về đơn vị nhập khẩu, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng chưa kể đến nguy cơ hàng nhái và hàng giả do kẻ gian trục lợi sản xuất và trộn lẫn với mặt hàng bột ngọt lậu này mà người tiêu dùng không tài nào nhận biết.

Có thể nói, chính bản thân người tiêu dùng đã “rước họa vào than” khi sử dụng những mặt hàng bột ngọt trái phép tiềm ẩn nhiều vấn đề tinh vi phức tạp cũng như các mối đe họa trực tiếp đến sức khỏe.

Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm - Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM đã tiến hành phân tích thành phần mẫu bột ngọt và đưa ra kết luận loại bột ngọt nhập lậu này chỉ đạt đến độ tinh khiết là 98,2%. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của Việt Nam, bột ngọt phải có thành phần glutamate tinh khiết trên 99,9%.

Như vậy, bột ngọt lậu mà người dân miền Trung cứ nghĩ là hàng ngoại chất lượng cao đó thực chất còn chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam.

Các cơ quan chức năng vẫn liên tục ra quân truy quét ngăn chặn nạn nhập lậu và kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, do nhu cầu của người tiêu dùng vẫn còn nên mặt hàng này vẫn được nhập lậu và kinh doanh trên thị trường với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Kiều – chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM: “Loại bột ngọt nhập lậu bất hợp pháp không rõ nguồn gốc xuất xứ nên chắc chắn không kiếm soát được chất lượng đầu vào và không thể xác định được lượng hóa chất, tạp chất bị nhiễm trong đó. Khi đóng gói lại bằng phương pháp thủ công, người đóng gói và nhà xưởng hầu như không đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phầm.

Do đó, sản phẩm dễ bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh đường tiêu hóa. Người tiêu dùng không nên sử dụng những loại bột ngọt không rõ nguồn gốc. xuất xứ, nhãn mác, hạn sử dụng, vì nó không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể gây nguy hại cho sức khỏe”.

Nguyễn Nghĩa