Từ nhà mạng tới siêu thị đua nhau "móc túi" người tiêu dùng

31/07/2011 23:13
(GDVN) - Từ SMS mạo danh tổng đài Mobifone cho tới các phòng khám đông y TQ, thậm chí là siêu thị bán hàng "bình ổn" đều đang khéo léo móc túi người tiêu dùng.

(GDVN) - Từ SMS mạo danh tổng đài Mobifone đến các phòng khám đông y Trung Quốc quảng cáo “trị bách bệnh”, thậm chí là các siêu thị bán “hàng bình ổn” cũng đang khéo léo rút ruột hầu bao của các “thượng đế”.

1. Những chiêu “móc túi” khôn ngoan của siêu thị

Mỗi một khu vực của siêu thị, từ khu vực đỗ xe cho đến quầy thanh toán đều được thiết kế để khách hàng chi tiêu nhiều tiền và mua nhiều thực phẩm hơn bạn cần.

Phần lớn các siêu thị xếp mặt hàng sinh lời cao như hoa hay bánh gần cửa chính để khách hàng nhìn thấy chúng khi họ mới bước vào và trạng thái tâm lý còn khá tốt. Lý do khác họ đặt hoa và bánh ở đây chính để kích thích khứu giác, làm khách hàng cảm thấy hấp dẫn và nhiều khả năng sẽ chi tiêu.

a
Mặt hàng mà bạn mua nhiều nhất thường nằm bên phải và
ngang tầm mắt.

Siêu thị giấu sản phẩm sữa và hàng thiết yếu ở khu vực trong cùng để bạn phải đi qua cả siêu thị mới có thể mua được nhóm mặt hàng này.

Với xu thế chuyển động truyền thống khi lái xe từ bên phải sang, người tiêu dùng cũng đi theo hướng đúng như vậy, và thứ họ dễ mua nhất thường ở bên phải của lối đi.

Các mặt hàng mà siêu thị muốn bạn mua nhất thường được xếp ở ngang tầm mắt. Ví như trong gian bán các mặt hàng ngũ cốc, các gói lớn thường được đặt ở dưới cùng, sản phẩm ngũ cốc bổ dưỡng ở trên cùng. Mặt hàng giá đắt nhất xếp ngang tầm mắt. Nhóm mặt hàng được chuộng nhất sẽ ở cuối dãy.

a
Hoa trong siêu thị luôn khiến khách hàng phấn chấn, kích thích
khả năng chi tiêu.
Bật nhạc gì trong siêu thị? Nghiên cứu cho thấy nhạc giai điệu chậm khiến người mua hàng không vội vã, chi tiêu thêm nhiều tiền.

Cuối cùng, sau khi mệt mỏi xếp hàng, bạn không thể cưỡng được sức hấp dẫn của vài thanh kẹo hay tờ tạp chí mà trước đó bạn đã thờ ơ.

2. Chi phí cắt cổ ở phòng khám đông y Trung Quốc

Cuối năm 2009, một loạt phòng khám đông y Trung Quốc bị "lật tẩy" tại Hà Nội về những chiêu kinh doanh gian dối, lừa đảo bệnh nhân bằng những đơn thuốc giá "cắt cổ". Thời gian sau đó, tuy không còn quảng cáo rầm rộ nhưng đến nay, những phòng khám đông y ngoại vẫn được nhiều người tìm đến.

Tại một phòng khám Đông y Trung Quốc Việt Hải, chị Vân Anh (phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chìa ra cuốn sổ y bạ và than phiền: Vừa vào khám qua qua thôi cũng mất nửa triệu bạc. Sau khi bác sĩ khám và phán chị bị viêm mũi dị ứng, cần làm phẫu thuật nội soi với chi phí lên đến hàng chục triệu đồng.

Vị bác sĩ này giải thích, chi phí bao gồm cả tiền phẫu thuật và tiền truyền dịch trong 3 ngày. Mỗi ngày chị phải truyền 1 lần, mỗi lần mất gần 2 triệu đồng. Chị hỏi dịch gì mà đắt thế? Bác sĩ chỉ cho biết là dịch được bào chế riêng theo bài thuốc gia truyền (qua lời của phiên dịch).

a
Tới phòng khám Đông y TQ, bệnh nhân ra về với các đơn thuốc
giá cao "cắt cổ" mà chất lượng thì còn phụ thuộc vào "hợp thuốc"
hay không.
Còn anh Hải, một khách hàng khác cho biết: Tính sơ qua chi phí chữa bệnh trong 5 ngày có thể lên đến hàng chục triệu đồng tiền điều trị, đó còn chưa kể tiền ăn ở, tiền đi lại. Có người thì méo mặt vì đi cắt trĩ tốn hàng chục triệu đồng mà mãi vẫn không khỏi.

Đối với căn bệnh vô sinh, phòng khám đông y TQ này rao giá “cắt cổ” lên tới 30 triệu đồng. Tuy nhiên, với số tiền cao ngất ngưởng như vậy nhưng có thành công hay không thì vị bác sĩ chỉ dám hứa “tùy vào từng người có hợp thuốc hay không”.

3. Khách hàng lại bị lừa tiền từ SMS mạo danh tổng đài Mobifone

Tuy không còn là chiêu thức mới nhưng với cách nhắn tin giả mạo tổng đài Mobifone thông báo trúng thưởng xe SH với giá trị lớn, kiểu lừa này vẫn dụ dỗ được nhiều khách hàng “cắn câu”.

Phản ánh đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, bạn  P.T.T (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Mới đây, điện thoại của bạn nhận được SMS từ số 18001090 của tổng đài Mobifone có nội dung “chuc mung quy khach da trung thuong 1 xe may sh tri gia 150 trieu. quy khach lh (liên hệ) 0466834860 de lam thu tuc nhan giai”.

a
Tuy không mới nhưng kiểu lừa này vẫn dụ được
nhiều khách hàng "cắn câu".

Bán tín bán nghi về giải thưởng, T gọi vào số máy bàn kia để hỏi. Một giọng nữ trả lời điện thoại và cho biết, nếu người trúng thưởng muốn nhận tiền mặt thì chỉ được quy đổi ra 120 triệu đồng và sẽ có một tài khoản Viettel, sau khi kích hoạt sẽ có 5 triệu đồng. Để kích hoạt số Viettel, một người điện thoại tới hướng dẫn anh T. phải mua ba thẻ nạp tiền, mỗi thẻ trị giá 200.000 đồng mang đến nhận thưởng.

“Bị lừa 600.000 đồng mua thẻ nạp với kiểu vòng vo thế này quả thật rất ức chế, vì tôi có cảm giác nhóm người lừa đảo này rất chuyên nghiệp”. Anh T nói: “Cứ sau mỗi lần gọi điện hướng dẫn làm thủ tục nhận giải thưởng bằng số sim điện thoại kia thì ngay sau đó có ngay một tin nhắn 18001090 của tổng đài Mobifone và tin nhắn từ số 113 nên mình chẳng nghi ngờ gì”.

Và một điều đến bây giờ, anh T. cũng như nhiều khách hàng của Mobifone vẫn không thể hiểu được là làm kiểu nào mà bọn lừa đảo này lại gửi được SMS từ số 18001090 của tổng đài và từ số 113.

Trước tình hình này, mặc dù nhà mạng đã tìm mọi cách ngăn chặn các trò lừa trên cũng như đưa ra những khuyến cáo, lời khuyên cho các thuê bao di động, tuy nhiên biện pháp đó vẫn chưa thực sự hữu hiệu và triệt để.

4. Hàng bình ổn ở FiviMart "cao giá" hơn các siêu thị khác

Lạm phát leo thang, những người dân có đời sống kinh tế khó khăn thường tìm đến các cửa hàng treo biển “Điểm bán hàng bình ổn” với mong muốn được chia sẻ bớt gánh nặng cơm áo. Tuy nhiên, mỏi mắt đi tìm từng sản phẩm bình ổn từ đường, gạo, dầu ăn… có giá niêm yết giảm giá 5 đến 10% tại FiviMart nhưng chị Nguyễn Thị Vân (Mỹ Đình II, Từ Liêm, Hà Nội) lại thất vọng khi các mặt hàng đều cao giá hơn so với thị trường khác từ 2 đến 3 nghìn đồng/sản phẩm.

Vốn là người thường xuyên đi chợ và quan tâm đến giá cả các mặt hàng nên "chỉ cần so sánh qua tôi cũng biết sản phẩm này bán đắt hơn siêu thị BigC từ 1 đến 2 giá. Bên cạnh đó, gạo, đường cũng đắt hơn mức giá hàng bình ổn mà Nhà nước đưa ra", chị Vân nói.

a
Bảng niêm yết dầu ăn tại FiviMart.

Đối với mặt hàng dầu ăn, giá niêm yết tại siêu thị FiviMart cụ thể như sau: Dầu ăn Neptune 1 lít giá 43,6 nghìn đồng/chai, dầu ăn Neptune 2 lít giá 88,9 nghìn đồng/chai, dầu ăn Neptune loại 5 lít có giá 205,5 nghìn đồng/chai. Dầu đậu nành Simply loại 2 lít có giá 89,8 nghìn đồng/chai, loại 5 lít có giá 213,4 nghìn đồng/chai, loại 1 lít có giá 44,8 nghìn đồng /chai. Nhưng tại siêu thị BigC có giá 42,9 nghìn đồng/chai, loại 2 lít có giá 87, 5 nghìn đồng/chai...

Đường ăn là một mặt hàng nằm trong danh mục hàng bình ổn giá, tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên tại siêu thị FiviMart niêm yết giá 25,8 nghìn đồng/cân trong khi đó một số siêu thị khác cũng bán hàng bình ổn giá chỉ niêm yết giá 22,7 nghìn đồng/kg.

Đối với mặt hàng gạo ăn, giá tại FiviMart Mỹ Đình được niêm yết: gạo tám Hải Hậu túi 2kg giá 38,2 nghìn đồng/túi. Gạo tám Điện Biên giá 40,2 nghìn đồng/túi loại 2kg, gạo si dẻo 13 nghìn đồng/kg, gạo Bắc hương Điện Biên giá 38,5 nghìn đồng/2kg. Trong khi đó, ngoài thị trường tự do, gạo Bắc hương Điện Biên có giá 16,5 nghìn đồng/kg, gạo Hải Hậu có giá 16 nghìn đồng/kg.

Ngoài ra, các mặt hàng rau củ quả trong FiviMart cũng có một số loại vẫn cao hơn nhiều so với giá của thị trường tự do.

Trong khi đó, trả lời báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, đại diện của FiviMart cho rằng chưa nhận được thông tin nào khách hàng phản ánh nên Fivimart sẽ xem xét cụ thể lại và có phản hồi chính thức tới khách hàng của mình.

5. Hapro “nối gót” FiviMart bán hàng bình ổn cao giá

Xem ra việc các siêu thị tham gia chương trình bán "hàng bình ổn" nhưng giá lại cao ngất không còn là hi hữu khi siêu thị Hapro cũng lặp lại "điệp khúc" này, nối gót FiviMart,

"Có thể hàng siêu thị chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hơn ngoài chợ nhưng đã gắn mác là hàng bình ổn giá, tôi nghĩ giá siêu thị ít nhất phải ngang bằng hoặc thấp hơn ngoài chợ chứ, đằng này cao hơn thì chẳng ai lại vào siêu thị mua hàng bình ổn” – chị Ngân, một khách hàng mua sắm tại Hapro không khỏi thắc mắc.

s
Giá đường niêm yết trên sản phẩm của Hapro.
Theo khảo sát của phóng viên giaoduc.net.vn, giá cả các mặt hàng nằm trong diện hàng bình ổn giá được niêm yết tại Hapro Mart cụ thể như sau: Thịt ba chỉ 43 nghìn đồng/300g, thịt nạc xay 45 nghìn đồng/300g, thịt nạc vai có giá 15 nghìn đồng/lạng, đùi gà công nghiệp 110 nghìn đồng/kg, cánh gà công nghiệp 120 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, ở ngoài chợ tự do giá thịt ba chỉ rơi ở ngưỡng 11 đến 12 nghìn đồng/100g, thịt nạc vai 13 nghìn đồng/100g. Cánh gà công nghiệp 90 nghìn đồng/kg, đùi gà công nghiệp 90 nghìn đồng/kg.
Thêm vào đó, các mặt hàng thiết yếu có mặt trong diện bình ổn giá như gạo, đường, dầu ăn trong siêu thị Hapro cũng bán chênh so với bên ngoài 1 – 2.000 đồng. Đơn cử như dầu đậu nành Tường An tại Hapro Mart giá bán bình ổn là 44 nghìn đồng/chai 1 lít, nhưng tại cửa hàng bên ngoài chỉ có giá 43 nghìn đồng/chai 1 lit hay tại siêu thị Intimex mặt hàng này không nằm trong diện bình ổn giá nhưng cũng được niêm yết với giá 44 nghìn đồng/chai 1 lít.

Đại diện phòng Marketing của HaproMart cũng thừa nhận có một vài mặt hàng cao hơn thật nhưng vì HaproMart bán hàng bình ổn giá trong 1 thời gian dài chứ không phải bán từng thời điểm. Mặt khác, khẳng định với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, vị đại diện này cho biết: Tất cả các giá HaproMart niêm yết trước đó đã được gửi lên Sở Công thương thành phố Hà Nội duyệt. Sau khi Sở Công thương đồng ý với mức giá niêm yết đó thì HaproMart mới đưa ra giá bán cụ thể.

6. Bức xúc vì chương trình khuyến mãi "tốn tiền" của MobiFone

Nhân dịp sinh nhật của dịch vụ Liveinfo, MobiFone đưa ra chương trình khuyến mại cho khách hàng một trò chơi dự thưởng theo kiểu zíc zắc. Nhiều khách hàng búc xúc vì cho rằng mình bị nhà mạng nhử tiền.

Phản ánh tới báo điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Trần Văn Trường (Tân Mai, Hà Nội) - chủ nhân số điện thoại 0903 231… cho biết:  hôm qua, tôi nhận được một tin nhắn từ 090 với nội dung soạn LV gửi 7379 (3.000 đồng) có cơ hội trúng LX 125 từ MobiFone nhân dịp sinh nhật dịch vụ Liveinfo.

Mấy anh, chị, em thi nhau gửi tin nhắn mong muốn nhận được cơ hội trúng chiếc xe, nhưng cứ đi hết tin nhắn này đến tin nhắn khác theo kiểu zic zắc nhưng cuối cùng tiền trong tài khoản cạn sạch mà nhà mạng vẫn còn... nhử khi mỗi lần nhắn tin tôi lại nhận được một tin nhắn phản hồi: “Bạn không nhận được chữ LIVEINFO nào cho lượt chơi này. Hiện bạn đã có 1 điểm. Hãy tiếp tục tham gia chương trình để có cơ hội trúng Vespa LX. Chúc bạn may mắn”.

a
Khách hàng tố MobiFone “móc túi” bằng tin nhắn đỏ đen.

Khi nhìn lại số tiền trong tài khoản của mình đã bị nhà mạng “móc túi” quá nhanh, cả nhà tôi chỉ còn than dài “đúng là quay xổ số”. “Chị gái tôi đã nhanh tay gửi đến 5,6 tin nhắn nhưng cuối cùng vẫn chỉ tích được 5 điểm trong khi tiền trong tài khoản đã vào túi nhà mạng hết” – anh Trường nói.

Trước bức xúc của người chơi, đại diện của MobiFone cho biết: Chương trình của MobiFone hoàn toàn hợp lệ và đã đăng kí với Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương. Khi khách hàng gửi tin nhắn tới tổng đài 7399, khách sẽ nhận được một phản hồi từ tổng đài, hướng dẫn các bước để nhắn tin.

Việc gửi tin nhắn có người may mắn nhận được tin nhắn có chữ LIVEINFO nhưng cũng có người không may mắn. Đây là dịch vụ MobiFone đưa ra cho khách hàng nếu khách hàng không thích sẽ không gửi tiếp tin nhắn. MobiFone không ép khách hàng sử dụng dịch vụ này cũng như tham gia chương trình trúng thưởng nếu khách hàng không muốn.

Khởi Sự (tổng hợp)

Tin bài liên quan:

15 chiêu “móc túi” khách hàng của siêu thị

Hàng bình ổn ở FiviMart "cao giá" hơn các siêu thị khác?

Đến lượt Hapro Mart bán hàng bình ổn "cao giá"?

TP.HCM: Xuất hiện bánh trung thu độc hại, kém chất lượng

MobilFone giải trình khuyến mãi "đỏ đen" khiến khách hàng bức xúc

alt