MDEC 2016: “ĐBSCL - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”

01/07/2016 10:09
Mai Anh
(GDVN) - Ngày 11/7/2016 tới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng UBND tỉnh Hậu Giang sẽ tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang 2016.

Được sự đồng ý của Chính phủ, Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang 2016 (MDEC năm 2016) được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang với chủ đề: “Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững” gồm 7 sự kiện chính và các hoạt động kết hợp, thời gian từ ngày 11 đến 15/7/2016.

Nội dung diễn đàn năm nay nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác đầu tư với các địa phương trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống của nhân dân, tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các tỉnh, thành Tây Nam Bộ. 

Họp báo công bô sự kiện Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang 2016 (MDEC năm 2016).
Họp báo công bô sự kiện Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang 2016 (MDEC năm 2016).

Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội, đầu tư xây dựng một số công trình phúc lợi xã hội cho vùng, nhất là tỉnh Hậu Giang (địa phương đăng cai tổ chức MDEC).

Trong 5 ngày MDEC 2016 sẽ có 14 sự kiện diễn ra bao gồm các hội thảo giữa Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Hậu Giang cùng sự có mặt đại diện các ban, ngành trung ương và địa phương nhằm tìm cơ chế, chính sách phù hợp cho vùng hội nhập, phát triển kinh tế, nhất là nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, trái cây, thủy sản khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Tiếp thu khoa học, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất. Vận động tài trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi cấp thiết và đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hậu Giang.

Cụ thể, sẽ có hội thảo do Ngân hàng Việt Nam tổ chức nhằm thúc đẩy tín dụng ngân hàng giúp phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Hội thảo của VCCI nơi các doanh nghiệp gặp gỡ đối thoại với cơ quan quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển tại vùng;

Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm tìm giải pháp nâng cao năng xuất nông nghiệp, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang chia sẻ về công tác chuẩn bị của tỉnh Hậu Giang cho sự kiện MDEC 2016.
Ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang chia sẻ về công tác chuẩn bị của tỉnh Hậu Giang cho sự kiện MDEC 2016.

Trong khuôn khổ MDEC 2016 cũng sẽ diễn ra Hội chợ công thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 400 gian hàng  thủ công mỹ nghệ của các địa phương trong vùng.

Chia sẻ về công tác tổ chức của tỉnh Hậu Giang cho MDEC 2016, ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang cho biết: “Khi được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ giao cho Hậu Giang nhiệm vụ tổ chức MDEC - Hậu Giang 2016, chúng tôi đắn đo công tác chuẩn bị sao cho tốt nhất trong điều kiện còn khá nhiều khó khăn, trong khi MDEC - Hậu Giang 2016 yêu cầu cao.

“Chúng tôi nhận thức rằng hội nghị MDEC 2016 lần thứ 9 sẽ là một cơ hội đẩy mạnh những lợi thế về Du lịch, Tiềm năng kinh tế nông nghiệp, Các cơ chế chính sách đặc thù, vùng đất và con người Hậu Giang,... để bè bạn gần xa trong nước và quốc tế có thông tin và hình ảnh để hiểu sâu sắc hơn về Hậu Giang, về ĐBSCL, từ đó thu hút các nhà đầu tư đến Hậu Giang ngày càng nhiều hơn”.

Theo ông Trần Công Chánh, tại MDEC - Hậu Giang 2016 theo dự kiến sẽ tổ chức khoảng 300-400 gian hàng, nhưng đến nay đã có tới 1.000 gian hàng đăng ký tham gia. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp dành cho Hậu Giang là rất lớn.

“Thông qua chương trình “Nghĩa tình Hậu Giang” chúng tôi muốn được tôn vinh các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và bè bạn gần xa đã có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội của Hậu Giang", ông Chánh nói.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng cho biết: Trong xu thế hội nhập hiện nay, nhất là khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, cộng đồng kinh tế ASEAN cùng hàng loạt các hiệp định thương mại tự do,... thì qua diễn đàn MDEC - Hậu Giang 2016 này, chúng tôi  xác định cụ thể là hội nhập chỗ nào, hội nhập ở đâu, hội nhập vì cái gì chứ không chỉ  hô hào hội nhập trong khi hàng hóa tiêu thụ chưa nhiều , xuất khẩu ì ạch, cá da trơn bị thoái giá,... đây là một bài toán khó nhưng chúng tôi quyết tâm tìm ra cách giải quyết. 

Trong thời gian diễn ra MDEC - Hậu Giang 2016 đại diện các bộ ngành, địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tìm biện pháp để kiểm soát nước mặn và dự trữ nước ngọt phục vụ trong sản xuất và đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong vùng nói chung và Hậu Giang nói riêng. 

"Quá khứ Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng thiên thời địa lợi nhân hòa, nhưng vừa qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc xâm nhập mặn, hạn hán kỷ lục. Để tìm ra nguyên nhân và khắc phục hiệu quả vấn đề này, Hậu Giang đã chuẩn bị kỹ về mặt nội dung, để làm sao thông qua Hội thảo, Hậu Giang có thể đưa ra những ý kiến đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp công trình và phi công trình dự trữ nguồn nước ngọt với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN", ông Trần Công Chánh - Bí thư tỉnh Hậu Giang cho biết.

Mai Anh