“Mở để học – Học để mở”

01/05/2018 06:06
Thùy Linh
(GDVN) - Nền giáo dục mở phải được xây dựng thông qua con đường xã hội hóa giáo dục, đó là ý kiến của Viện sĩ Cao Văn Phường - Trường Đại học Bình Dương.

Viện sĩ Cao Văn Phường – Trường Đại học Bình Dương nêu quan điểm, nền giáo dục mở là nền giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học suốt đời, học bất cứ nơi đâu, học bất kỳ lúc nào cho tất cả mọi người, không nhất thiết phải đến trường lớp.

Vị này cũng khẳng định, tạo hóa tạo ra vạn vật và con người, họ được quyền bình đẳng tồn tại và phát triển.

Vì vậy, xây dựng nền kinh tế sinh thái, trong đó con người là trung tâm, đây vừa là mục tiêu, vừa là nội dung, vừa là động lực lao động sáng tạo mà loài người hướng tới. 

“Mở để học – Học để mở” ảnh 1Sự khác biệt giữa hệ thống giáo dục truyền thống và hệ thống giáo dục mở

Để làm được điều đó, con người phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời để hoàn thiện Tâm lực, Trí lực, Thể lực, Tiền lực thì mới có thể hoàn thành tốt trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với cộng đồng xã hội, với thiên nhiên được xã hội giao phó, góp phần xây dựng nền kinh tế sinh thái, vì sự tồn tại phát triển xã hội. 

Vì vậy, xây dựng nền giáo dục mở với mục tiêu: “Mở để học – Học để mở, để trở thành công dân có trách nhiệm trong thế giới mở” trên cơ sở suốt đời hoàn thiện: Tâm lực, Trí lực, Thể lực, Tiền lực thông qua con đường “Cộng học” được xây dựng trên nguyên tắc Học – Hỏi – Hiểu – Hành.

Đây vừa là mục tiêu, vừa là nội dung, vừa là phương pháp để xây dựng nền giáo dục mở.

Với mục tiêu, triết lý như vậy, giáo dục là của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng phát triển giáo dục.

Để học có hiệu quả, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học tập bất cứ nơi đâu, học tập bất kỳ lúc nào. 

Nền giáo dục mở được xây dựng trên cơ sở tiếp thu, kế thừa những thành tựu của nền giáo dục truyền thống (khuôn mẫu) với sự hỗ trợ của Công nghệ truyền thông, Công nghệ thông tin.

Đồng thời hoàn thiện, kết nối các cơ sở giáo dục và quốc tế hóa giáo dục, tạo nên một xã hội học tập với quan điểm: Giáo dục là của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, phát triển giáo dục.

“Mở để học – Học để mở” ảnh 2Bốn kiến nghị về đổi mới giáo dục đại học theo định hướng mở

Đặc biệt, nền giáo dục mở phải được xây dựng thông qua con đường xã hội hóa giáo dục. 

Từ đó, Viện sĩ Cao Văn Phường đưa ra những giải pháp xây dựng nền giáo dục mở trong điều kiện Việt Nam bao gồm: 

Thứ nhất, hoàn thiện Luật Giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Chuyển nền giáo dục khép kín, hành chính hóa sang nền giáo dục mở, với quan điểm: Giáo dục là của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, phát triển giáo dục.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, đổi mới chương trình mục tiêu, nội dung giáo dục các cấp, đặc biệt đổi mới chương trình, mục tiêu, nội dung các cấp học mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, ý thức trách nhiệm theo quan điểm kinh tế sinh thái, xây dựng các cơ sở giáo dục thành siêu thị tri thức, hình thành các tập đoàn giáo dục với 03 trụ cột: Giáo dục, Khoa học Công nghệ, hoạt động kinh tế trên cơ sở kết hợp Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm với các đại học đa lĩnh vực

Mối quan hệ Giáo dục – Khoa học Công nghệ - Kinh tế (Ảnh chụp màn hình)
Mối quan hệ Giáo dục – Khoa học Công nghệ - Kinh tế (Ảnh chụp màn hình)

Thứ ba, Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật:

- Công nghệ thông tin kết nối giữa các cơ sở giáo dục.
 
- Xây dựng, kết nối các trung tâm học liệu đa phương tiện.

- Xây dựng các trung tâm khảo thí, hình thành các ngân hàng lượng giá tạo điều kiện cho người học tự đánh giá về năng lực, trình độ của bản thân.

Thứ tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật các thành phố, các thị xã, thị trấn, làng xã nông thôn trên quan điểm kinh tế sinh thái trong đó con người là trung tâm, tạo điều kiện môi trường sống thuận lợi để mọi người có thể học tập thường xuyên, suốt đời, hoàn thiện: Tâm lực, Trí lực, Thể lực, Tiền lực.

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chương trình mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo các cấp học cho phù hợp, giúp mọi người trở thành công dân có trách nhiệm, tư duy độc lập, sáng tạo, lao động có hiệu quả thông qua con đường “Cộng học” được xây dựng dựa trên nguyên tắc Học – Hỏi – Hiểu – Hành.




 

Thùy Linh