Bí mật biệt điện Trần Lệ Xuân

28/04/2011 10:36
(GDVN) - Vào thời kỳ cực thịnh nhất của gia đình họ Ngô, Trần Lệ Xuân đã quyết định chọn một địa điểm đắt giá tại Đà Lạt làm “chốn hưởng lạc”.

(GDVN) - Vào thời kỳ cực thịnh nhất của gia đình họ Ngô, Trần Lệ Xuân đã quyết định chọn một địa điểm đắt giá tại Đà Lạt làm “chốn hưởng lạc”. Những ngôi biệt thự tráng lệ theo kiểu kiến trúc Pháp hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ nhanh chóng được xây dựng tạo thành một khu biệt điện sang trọng mang tên Trần Lệ Xuân.

Từ quần thể kiến trúc độc đáo…

Thoạt nhìn bề ngoài, tưởng chừng biệt điện dành riêng cho Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân cũng giống như hàng trăm ngôi biệt thự tại Đà Lạt. Nhưng không, đối với Trần Lệ Xuân mọi thứ không đơn giản như những hình ảnh bề ngoài mà chúng ta nhìn thấy ngày nay tại khu biệt điện này.

Tổng thể biệt điện được tao thành từ 3 tòa biệt thự cách biệt có tên Hồng Ngọc, Lam Ngọc và Bạch Ngọc, tọa lạc trên đỉnh một quả đồi với 3 mặt tiền hướng về phía sân bay quân sự Cam Ly.

Trần Lệ Xuân dành khu đất cao nhất xây dựng biệt thự Hồng Ngọc dành tặng cha ruột là Trần Văn Chương. Nhưng do mâu thuẫn cha con mà Trần Văn Chương chưa một lần bước chân vào biệt thự này.

Biệt thự Hoàng Ngọc
Biệt thự Hồng Ngọc
Biệt thư Lam Ngọc 1 và Lam Ngọc 2 được Trần Lệ Xuân sử dụng vào việc sinh sống và làm việc. Nơi đây có phòng khiêu vũ, phòng ở, phòng làm việc và có phòng dành riêng cho trang điểm.

Biệt thự Bạch Ngọc là nơi dành riêng cho nghỉ ngơi và yến tiệc cuối tuần của gia đình Trần Lệ Xuân – Ngô Đình Nhu cùng các tướng lĩnh thân cận dưới quyền. Trước Bạch Ngọc, Trần Lệ Xuân cho xây dựng một bể bơi lớn với dung tích gần 300m3 nước, chỗ sâu nhất lên tới 2,2m, đến nay vẫn chưa ai lý giải nổi Trần Lệ Xuân làm nóng nước bằng cách nào để tắm trong khi thời tiết Đà Lạt cách đây gần 60 năm suốt ngày sương mù bao phủ vì lạnh.

Biệt thự Lam Ngọc nhìn từ phía sau
Biệt thự Lam Ngọc nhìn từ phía sau.

Để tạo thành một biệt điện sang trọng, đầy đủ, Trần Lệ Xuân còn mời các kiến trúc sư người Nhật tới thiết kế, xây dựng vườn Nhật Bản ở phía sau biệt thự Lam Ngọc làm chốn thưởng ngoạn tiên cảnh.

Trần Lệ Xuân cho xây dựng hồ nước hình bản đồ Việt Nam, chia đôi thành hai nửa bằng một cây cầu nhỏ bắc qua con nước.

Đến một hệ thống quân sự an toàn

Bí ẩn lớn nhất tại biệt điện Trần Lệ Xuân là hệ thống phòng ngự quân sự đặc biệt vững chắc bảo vệ gia chủ với những thiết bị tối tân nhất lúc bấy giờ. Các ô cửa hướng về phía mặt trời buổi chiều đều được lắp đặt một loại kính đặc biệt, có thể chống được đạn súng tiểu liên.

Cửa hầm thoát hiểm
Cửa hầm thoát hiểm
Trong các biệt thự đều được chia thành nhiều phòng nhỏ, mỗi phòng có rất nhiều cửa thông với nhau để đề phòng tình huống bất trắc có thể thoát ra bên ngoài một cách dễ dàng mà không bị đối phương phát hiện.

Ngoài ra, tại biệt thự Lam Ngọc - nơi Trần Lệ Xuân sinh sống và làm việc còn có hai hầm trú ẩn và thoát hiểm khá vững chắc, tất cả các phòng xung quanh đều có cửa dẫn tới hai hầm này. Nắp hầm làm bằng một loại thép đặc biệt.

Riêng hầm trú ẩn nội bộ rộng khoảng 8m2, nằm liền kề với phòng tắm, phòng trang điểm và phòng ngủ của Trần Lệ Xuân. Tường hầm được ốp một loại gạch men nhập từ phương Tây.

Cửa hầm trú ẩn nội bộ
Cửa hầm trú ẩn nội bộ.

Để đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra, Trần Lệ Xuân cho xây dựng hầm thoát hiểm từ biệt thự Lam Ngọc thông ra vườn Nhật Bản. Dưới hầm được đổ bê tông vững chắc, tạo thành những ô nhỏ lát đá hoa.

Ngoài ra, trong thời gian Trần Lệ Xuân sinh sống tại đây, khu vực biệt điện còn được canh gác rất nghiêm ngặt.

Sau ngày họ Ngô bị lật đổ, Trần Lệ Xuân cùng các con sang châu Âu sinh sống, để lại Đà Lạt một khu biệt điện sang trọng lấp lánh quyền lực một thời của vị "Đệ nhất phu nhân".

Ngô Đoàn