"Cần khởi tố vụ án Công an Đông Anh thiếu trách nhiệm"

04/07/2011 23:14
(GDVN)-"Cần khởi tố thêm 2 vụ án: vụ án mất tích đứa bé và vụ án CQĐT công an huyện Đông Anh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"_LS Nguyễn Văn Tú nói.

(GDVN) - Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài “đẻ rơi trong nhà tạm giữ của công an huyện Đông Anh”, nhiều luật sư đã lên tiếng và cho rằng: Việc tạm giữ hai bà bầu gần đến ngày sinh nở là trái pháp luật và cần phải khởi tố thêm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với Công an huyện Đông Anh.

{iarelatednews articleid='6422,6314,6259,6056,5855'}

"Công an huyện Đông Anh thiếu trách nhiệm"

Trở lại diễn biến sự việc xảy ra vào chiều 16/2. Nhớ lại hôm “lâm bồn” của em chồng trong buồng tạm giam, Nguyễn Thị Hà, chị dâu Lâm nhớ lại: “Ngày 11/2 em bị Công an huyện Đông Anh bắt. Lúc đó em có bầu hơn 6 tháng. Vợ chồng em lấy nhau được 2 năm mà chưa có con nên em lo lắm.

Bị giam 6 ngày em sụt mất 4 cân. Sau bữa cơm trưa 16/2 thì Lâm bắt đầu đau bụng, đến khoảng 1 giờ chiều thì Lâm có dấu hiệu sắp sinh. Em thò cổ ra phía ngoài để gọi với mấy cô chú công an là: “các cô các chú ơi, em cháu nó đau bụng lắm rồi, có khi sắp đẻ rồi…”, có chú đứng ở ngoài ngó vào và bảo: “cứ từ từ… đẻ làm sao ngay được…”. (?).

Rồi được vài cơn đau quặn nữa thì em cháu đẻ. Sau một hồi lúng túng chẳng biết làm gì thì em cũng đánh liều đỡ em bé. Đó là một đứa bé trai kháu khỉnh. Nó khóc to tướng. Trời rất lạnh! Em cởi áo của cháu quấn cho bé… mãi sau mới có bác sĩ vào đưa mẹ con Lâm sang bệnh viện. Em xin đi theo chăm sóc cho Lâm nhưng không được”...

Về sự việc trên, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Văn phòng luật sư Đức Thịnh, đoàn luật sư Hà Nội đưa ra quan điểm: Tạm giữ, tạm giam là những biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự do Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Toà án áp dụng nhằm buộc những người có Lệnh tạm giữ hoặc Lệnh tạm giao cách ly khỏi xã hội trong một thời gian nhất định để ngăn chặn hành vi phạm tội, hành vi gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc đảm bảo thi hành án phạt tù hoặc án tử hình.

Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang và đối với họ đã có Lệnh tạm giữ…Tuy nhiên, khi bị bắt và tạm giữ hình sự, Lê Thị Lâm và Nguyễn Thị Hà đang có bầu, hành vi của chị Lâm và Hà không có dấu hiệu của bỏ trốn và tiêu hủy chứng cứ, hoặc tiếp tục phạm tội mới…

Trong khi đó chị Lâm lại cận kề với ngày sinh con, việc thi hành tạm giữ hình sự đối với chị Lâm và chị Hà là hoàn toàn không cần thiết, trái với quy định chung của việc bắt giam giữ. Hậu quả dẫn đến việc chị Lâm đã đẻ rơi con ngay trong nhà tạm giữ. Việc làm này rất may là chưa dẫn đến hậu quả xấu đối với người mẹ cũng như đứa trẻ…

Lê Thị Lâm vẫn chưa tìm được đứa con lưu lạc của mình.
Lê Thị Lâm vẫn chưa tìm được đứa con lưu lạc của mình.

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến nhấn mạnh: “Phải công nhận rằng nhà tạm giữ thì không phải là nhà hộ sinh để đẻ. Các điều kiện về vệ sinh rồi điều kiện về y tế là hoàn toàn không đảm bảo.

Các cụ đã có câu: Chửa là cửa mả, người phụ nữ đang mang bầu và nhất là lúc chuẩn bị sinh thì chín phần nguy hiểm mới có một phần sống. Trách nhiệm của cơ quan Công an ở đây nếu chỉ cần thấy hiện tượng như thế thì phải tiến hành đưa chị Lâm đi cấp cứu chứ không phải là để xảy ra hậu quả là chị Lâm đã đẻ rơi trong nhà tạm giữ mới mời bác sĩ đến như thế”.

“Rõ ràng đây là việc làm thiếu trách nhiệm của các cán bộ quản lý nhà tạm giữ Công an huyện Đông Anh. Trong việc này, Công an huyện Đông Anh có liên quan trực tiếp đến việc bắt giữ một người phụ nữ đang mang thai như chị Lâm. Sau đó con của Lâm sinh ra lại bị mất tích không tìm thấy. Công an huyện Đông Anh phải là liên đới trực tiếp chịu trách nhiệm, chứ không thể nói là hết trách nhiệm được”, luật sư Tiến nhấn mạnh.

Luật sư Tiến cũng phân tích: “Về nguyên tắc, khi Công an huyện Đông Anh thay đổi biện pháp ngăn chặn, trao trả tự do cho Lâm thì phải kèm theo biên bản trao trả tài sản có liên quan đến chị Lâm. Trao trả tất cả những gì đi kèm, ở đây ngoài tài sản còn có cả đứa trẻ mới sinh.

Tôi nghĩ rằng cần đề nghị Công an huyện Đông Anh trả lời và cung cấp biên bản trả tự do cho chị Lâm. Ngoài quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn thì phải có thêm biên bản trả tự do cho chị Lâm, trả tự do vào ngày giờ nào, trả tự do ở đâu và tài sản của chị Lâm đi kèm gồm những gì và vấn đề đứa con của chị Lâm như thế nào… Vì lúc đó khi mới sinh thì chị Lâm đang rất yếu”. 

Cần khởi tố thêm 2 vụ án mới.

Quay trở lại việc phát ngôn của lãnh đạo công an huyện Đông Anh. Ngày 29/6, trong khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, trung tá Trần Hải Quân, Phó trưởng công an huyện Đông Anh cho biết: “Về nguyên tắc, sau khi chị Lâm ký nhận QĐ hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, chị Lâm đã được tự do, Công an huyện Đông Anh không có trách nhiệm gì với mẹ con chị Lâm nữa…”.

Dư luận đặt câu hỏi, vậy thì cháu bé mới con chị Lâm đang lưu lạc ở đâu? Bệnh viện không biết, công an huyện cũng hết trách nhiệm? Trong khi người mẹ trẻ vẫn ngày ngày đòi cha mẹ tìm con về cho mình!?

Luật sư Nguyễn Văn Tú – Giám đốc Công ty luật Fanci - Hà Nội cũng khẳng định: Cơ quan công an huyện Đông Anh đã lúng túng và cẩu thả.

PV: Nói như trung tá Trần Hải Quân thì CQĐT công an huyện Đông Anh đã làm đủ trách nhiệm của mình?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Không thể phát ngôn như thế được. Chẳng nhẽ cơ quan công an chỉ biết sửa sai khi thiếu sót mà không quan tâm đến một con người bình thường cho dù họ đang là bị can?. Ở đây nói “trách nhiệm” thì không đúng, cái việc anh làm hôm qua, thậm chí anh làm cách đây một năm mà nó sinh ra hậu quả thì anh vẫn phải chịu trách nhiệm chứ không phải là anh chỉ làm cái động tác đấy mà bảo hết trách nhiệm. Bởi vì lúc đó chị Lâm không có người nhà ở đó, chỉ có một mình và đứa trẻ.

PV: Như vậy thì chính sự thiếu trách nhiệm ngay từ đầu của cơ quan công an huyện Đông Anh đã dẫn đến hậu quả là chị Lâm đẻ rơi trong nhà tạm giữ?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Đúng vậy, khi CQĐT có quyết định khởi tố bị can và tiến hành tạm giữ hình sự đối với chị Lâm mới dẫn đến việc chị Lâm bị đẻ rơi trong nhà tạm giữ. Việc để chị Lâm đẻ rơi trong nhà tạm giữ đó là đã gây ra hậu quả rồi.

Mà hậu quả này thì các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Đông Anh phải chịu trách nhiệm trong Quyết định tiến hành tạm giữ đó. Giả thiết là những người này bị khởi tố về tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc một tột danh nào đó thì việc sửa sai kia (ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn với chị Lâm - PV) nó chỉ là một tình tiết giảm nhẹ cho họ chứ nó không miễn trừ trách nhiệm cho họ. 

PV: Nếu như thế thì vụ án sẽ không chỉ dừng lại ở đây?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Thực ra ở đây cần tiến hành khởi tố thêm 2 vụ án mới: khởi tối một vụ án nữa là vụ án mất tích đứa bé, thứ hai là khởi tố vụ án đối với những cơ quan tiến hành tố tụng đã “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cụ thể là Công an thị trấn Đông Anh, Công an huyện Đông anh đối với việc bắt giữ chị Lâm và để chị Lâm đẻ rơi ở nhà tạm giữ, thậm chí cả Viện kiểm sát khi phê chuẩn quyết định tạm giữ chị Lâm).

Nếu không thực hiện hai biện pháp tố tụng này thì có lẽ sự việc này nó chỉ dừng lại ở việc bức xúc của mọi người mà nó không được làm sáng tỏ. Vì ở đây hậu quả là quá rõ ràng.

 PV: Vậy trách nhiệm của các cơ quan tố tụng của huyện Đông Anh ở đâu?

LS Nguyễn Văn Tú: Tùy theo mức độ vi phạm để có thể bị xem xét mức độ kỷ luật, nhẹ thì có thể bị xử phạt hành chính. Nặng nữa thì có thể bị xử lý về mặt hình sự.

Đối với hậu quả bắt tạm giữ 2 phụ nữ đang mang bầu dẫn đến một người đẻ rơi trong nhà tạm giữ và việc mất tích một đứa bé, nhưng đặt giả sử, từ việc này mà đứa bé gặp những vấn đề nguy hiểm đến tính mạng thì tôi cho rằng không thể không khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của những người ra quyết định tạm giữ này. Và phải truy tố, phải bồi thường thiệt hại.

Hội bảo vệ quyền trẻ em và các tổ chức xã hội khác bất bình, lên tiếng phản ứng như thế nào về việc làm sai trái của các cơ quan tố tụng. mời bạn đọc theo dõi trong bài tiếp theo.

(Còn nữa...)

Tư Khương