Chuyên gia quốc tế nhận định về khả năng tranh chấp tại biển Đông

20/08/2011 06:28
(GDVN) - Ý nghĩa thực sự của tàu sân bay Trung Quốc, biển Đông có phải nguyên nhân xung đột trong tương lai, mối quan hệ Nga, Mỹ, Trung Quốc và biển Đông.

(GDVN) - Ý nghĩa thực sự của tàu sân bay Trung Quốc, biển Đông có phải nguyên nhân xung đột trong tương lai, mối quan hệ Nga, Mỹ, Trung Quốc và biển Đông ...là những câu hỏi tiếp tục được các chuyên gia phân tích và giải đáp.

"Biển Đông - xung đột trong tương lai"?

Tạp chí Chính sách Ngoại giao (Foreign Policy) vừa qua đã đăng bài phân tích với nhan đề "Biển Đông - xung đột của tương lai" của học giả Robert D. Kaplan, chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới, đồng thời là thành viên của Ủy ban Chính sách Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Tờ Đất Việt đưa tin.

a
Biển Đông là xung đột trong tương lai (Ảnh Đất Việt)

Mở đầu bài phân tích, R. D. Kaplan cho rằng, trong thế kỷ 20, thế giới thường xuyên chứng kiến các cuộc tranh chấp diễn ra trên đất liền, đặc biệt là ở Châu Âu. Tuy nhiên sang thế kỷ 21, trọng tâm dân số và kinh tế đã dần có sự dịch chuyển sang Đông Á, nơi mà các trung tâm lớn của khu vực phần lớn được ngăn cách bởi các vùng lãnh hải. Đặc điểm địa hình này của Đông Á là điều có thể dự báo trước về 1 kỷ nguyên của hải quân – được hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm các thế trận trên biển và trên không đang có những diễn biến ngày càng căng thẳng.

Kaplan cho rằng, nguyên nhân lý giải cho tình trạng căng thẳng trên là vì Trung Quốc, đất nước có vùng biên giới đất liền được xem là an toàn nhất kể từ triều nhà Thanh vào cuối thế kỷ 18 đến nay, đang không ngừng mở rộng các hoạt động hải quân của mình. Thông qua quyền lực biển đó, Trung Quốc dường như muốn xóa bỏ hai thế kỷ xâm lấn của các thế lực bên ngoài đối với lãnh thổ của mình – khiến các nước láng giềng phải phản ứng.

Để trả lời cho câu hỏi Vì sao Biển Đông là “ngòi nổ” tranh chấp, tờ Đất Việt tiếp tục phân tích bài viết của ông Kaplan.

Thứ nhất: Biển Đông nối liền Đông Nam Á với Tây Thái Bình Dương, có chức năng như tuyến đường biển trọng yếu của toàn cầu. Đây là trung tâm của vùng biển Á Âu, ngăn cách bởi các Eo biển Malacca, Sunda, Lombok, và Makassar. Hơn một nửa lượng hàng hóa được chuyên chở bằng đường biển đi qua vùng biển này, và cũng chiếm tới 1/3 giao thông đường thủy của thế giới. Lượng dầu mỏ được chuyên chở từ Ấn Độ Dương qua Eo biển Malacca, đến Đông Á qua Biển Đông, được cho là nhiều gấp 6 lần lượng dầu được vận chuyển qua kênh đào Suez và 17 lần lượng dầu chuyển qua Kênh đào Panama. Trong khi đó, 2/3 nguồn cung cấp năng lượng của Hàn Quốc, gần 60% của Nhật Bản và Đài Loan, và khoảng 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Biển Đông. Thêm nữa, Biển Đông còn chứa nguồn tài nguyên dồi dào, trong đó có nguồn dầu dự trữ lên tới 7 tỷ thùng và 900 nghìn tỷ m3 khí gas tự nhiên.

Thứ hai: Nhiều cuộc tranh chấp đã diễn ra ở Biển Đông không chỉ bởi vị thế và trữ lượng tài nguyên mà còn vì chủ quyền lãnh hải, trong đó có những tranh chấp liên quan đến Quần đảo Trường Sa. Trong đó, Bắc Kinh đòi chủ quyền “đường lưỡi bò” trải dài từ Đảo Hải Nam của Trung Quốc xuống gần Singapore và Malaysia. Điều này khiến cho 9 nước giáp Biển Đông gần như đã đứng về một phía để phản đối Trung Quốc.

Thực tế, Biển Đông đang trở thành một căn cứ quân sự, nơi mà mỗi nước xây dựng và hiện đại hóa lực lượng hải quân của mình. Thậm chí, khi mà sự tranh chấp chủ quyền hai hòn đảo những thập niên gần đây hầu như không còn. Trung Quốc chiếm đóng bằng quân sự 8 đảo nhỏ trên biển Đông, Việt Nam 25 đảo, Philippin 8 đảo, Malaysia 5 đảo và Đài Loan 1 đảo.

Với vị trí cũng như những nguồn lợi đó, không khó để giải thích Trung Quốc lại có tham vọng muốn lấn chiếm vùng biển giàu tiềm năng này.

Biển Đông là nơi nguy hiểm với tàu sân bay TQ
 
Trang tin Asia Times Online của Hong Kong ngày 17/8 trích đăng bài viết của nhà chiến lược hải quân Australia Phil Radford. Ông cho rằng, việc sở hữu tàu sân bay không giúp Trung Quốc duy trì lợi thế trong các vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Tờ Đất Việt đưa tin.

Theo đó, ông Phil Radford cho rằng: Tàu sân bay này không phải là công cụ để giải quyết các tranh chấp hiện nay, vấn đề biển Đông đang là vấn đề đau đầu nhất đối với Trung Quốc. Tàu sân bay có ý nghĩa ngoại giao nhiều hơn là một cỗ máy quân sự.

Trung Quốc đã tiến hành công tác thử nghiệm đầu tiên đối với tàu sân bay Thi Lang sau thời gian dài cải tạo.
Trung Quốc đã tiến hành công tác thử nghiệm đầu tiên đối với tàu sân bay Thi Lang sau thời gian dài cải tạo.

Việc sở hữu tàu sân bay và hình thành nhóm tác chiến tàu sân bay có thể làm thay đổi mạnh mẽ cán cân quyền lực trên biển Đông. Tàu sân bay Thi Lang sẽ giải quyết được các vấn đề chiến lược nhất định, cho phép Trung Quốc vươn xa hơn trong chiến lược hướng ra biển lớn, bảo vệ "lợi ích cốt lõi" tại biển Đông. Tuy nhiên, lợi thế  này không thấm vào đâu so với các khó khăn mà tàu sân bay này phải đối mặt.

Sự xuất hiện của tàu sân bay Thi Lang kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt tên lửa chống hạm tối tân tại ĐNA.

Theo ông Phil Radford, việc Trung Quốc sở hữu tàu sân bay đã vô tình tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang ngầm tại khu vực ASEAN. Ngay từ khi Trung Quốc tiến hành cải tạo tàu sân bay Varyag các nước trong khu vực đã rục rịch chuẩn bị các biện pháp đối phó.

Ngoài hạm đội 6 tàu ngầm của Việt Nam, tàu sân bay Thi Lang sẽ phải đối đầu với các hạm đội tàu ngầm khác không kém phần tối tân. Tàu sân bay Thi Lang sẽ phải đối đầu với các tàu ngầm lớp Scorpene của Hải quân Hoàng gia Malaysia, tàu ngầm lớp Archer của Hải quân Singapone, có thể là cả tàu ngầm lớp Kilo trong biên chế của Hải quân Indonesia.

Song nguy hiểm hơn cả đối với tàu sân bay Thi Lang đến từ các hệ thống tên lửa chống hạm tối tân đang và sẽ xuất hiện tại Đông Nam Á trong thời gian tới. Việt Nam cùng với Indonesia là hai quốc gia đầu tiên ngoài Nga sở hữu hệ thống tên lửa chống hạm siêu âm P-800 Yakhont.

a
Tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos là mối đe dọa quá lớn đối với tàu sân bay Thi Lang.
Trang tin De Volkskrant của Hà Lan cho biết, Việt Nam đang tiến rất gần tới việc sở hữu hệ thống tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos. Việc mua tên lửa chống hạm này cần phải có được sự đồng ý của cả Nga và Ấn Độ.

Tuy nhiên đây không phải là vấn đề quá lớn, hiện tại quan hệ giữa Việt Nam với Ấn Độ và Nga đều ở tầm đối tác chiến lược. Ấn Độ đang thể hiện nỗ lực hướng Đông nhằm giải tỏa áp lực của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.

Việc bán hệ thống tên lửa chống hạm tối tân này cho Việt Nam là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra. Ấn Độ cũng đã cam kết giúp Việt Nam hiện đại hóa hải quân, chia sẽ kinh nghiệm xây dựng và vận hành hạm đội tàu ngầm.  

BrahMos là loại tên lửa chống hạm nhanh nhất thế giới hiện nay, với tốc độ Mach-3 và tầm bắn 300km, BrahMos thực sự là một mối đe dọa chết người đối với bất kỳ tàu chiến nào.

Vai trò của Mỹ trên biển Đông: giữ cân bằng

Tạp chí Foreign Policy số mới đây đã đăng bài phân tích của Robert D. Kaplan, chuyên gia cao cấp của Trung tâm An ninh Mỹ Mới và cũng là thành viên của Ủy ban Chính sách Quốc phòng thuộc Bộ quốc phòng Mỹ.

Theo phân tích của ông Kaplan, căng thẳng trên Biển Đông không nhất thiết sẽ dẫn tới xung đột và các nước trong vùng, bao gồm cả Trung Quốc, cho dù có độc đoán nhưng không phải là những nước tàn bạo và vô cùng nhẫn tâm. Sự thôi thúc mở rộng bờ cõi của Trung Quốc còn là tuyên bố họ sẽ không bao giờ để cho nước ngoài lợi dụng họ. Trung Quốc sẽ theo phương châm “Kẻ mạnh làm những gì họ đủ sức làm và kẻ yếu phải hứng chịu những gì họ phải hứng chịu”.
a
Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc trên biển Đông

Cuộc đấu tranh giành ưu thế ở Tây Thái Bình Dương không nhất thiết liên quan tới xung đột vũ trang mà gần như sẽ xảy ra một cách thầm lặng trên những vùng biển trống với tình trạng lạnh lùng chấp nhận sức mạnh kinh tế và quân sự tăng chậm và chắc mà các nhà nước có được trong suốt quá trình lịch sử.

Vùng biển rộng lớn ở Đông Á cũng là rào cản đối với các cuộc chiến khi mà tốc độ nhanh nhất của tàu chiến hiện chỉ đạt 35 hải lý. Đây là điều khiến thế kỷ 21 có nhiều cơ hội tránh được đại chiến so với thế kỷ 20.

Tranh chấp trên Biển Đông không hề mang tính triết lý mà chỉ đơn giản là logic tương quan lực lượng và đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc.

Sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương đang giúp giữ nguyên hiện trạng trên biển. Mỹ sẽ vẫn giúp đảm bảo hiện trạng “không dễ dàng” tại Biển Đông trong thời gian trước mắt và “giới hạn sự hung hăng của Trung Quốc ở mức chủ yếu trên bản đồ”. Vị trí của Trung Quốc ở vùng Biển Đông hiện nay tương tự như vị trí của Mỹ ở vùng biển Caribe hồi thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Biển Đông là sân sau của Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc cũng muốn có sự hiện diện hải quân để bảo vệ đường vận chuyển nhiên liệu từ Trung Đông.

Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và vị thế vai trò của Mỹ ở châu Á lại có thể là nguồn gây bất ổn khi hai siêu cường này có xung đột về lợi ích. Mỹ nên hướng vai trò của họ ở châu Á tới sự cân bằng, thay vì áp đảo.
Nga mới là mối họa lớn của Trung Quốc tại Biển Đông

Tờ Tổ quốc tiếp tục đưa thông tin về mối quan hệ Nga, Mỹ, Trung Quốc trên biển Đông.

Tờ báo này dẫn lời Tiết Lý Thái, nghiên cứu viên Trung Quốc tại Trung tâm an ninh và hợp tác quốc tế Đại học Stanford (Mỹ) trên mạng Liên hợp tảo báo (TQ) ngày 16/8: Chính sách của Mỹ có lợi cho việc duy trì bảo vệ lợi ích đã rồi tại quần đảo Trường Sa của những kẻ nhanh chân đến trước, khiến những kẻ đến sau ở vào thế bị kìm kẹp, ngăn trở, đành bó tay hết cách, cũng lại phải hướng đến đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.

Ngoài các nước ASEAN thì kẻ nhanh chân đến trước tại Biển Đông lại là Nga chứ không phải Mỹ. Trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Liên Xô cũ kết hợp với Việt Nam thành lập công ty góp vốn, cùng liên thủ khai thác mỏ Bạch Hổ ở Biển Đông, sản lượng khai thác chiếm một nửa tổng sản lượng dầu thô của Việt Nam; đến nay, đây vẫn là mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam.

Nga hợp tác với VN vừa có lợi ích an ninh vừa có lợi ích kinh tế, bởi Nga được chia sẻ lợi ích kinh tế to lớn tại Biển Đông, Nga đã trở thành chỗ dựa lớn nhất của cộng đồng kinh tế do Việt Nam liên kết với các cường quốc trên thế giới tạo nên trên vấn đề Biển Đông. Và như vậy dễ thấy rằng tại sao trong những năm gần đây Nga lại đồng ý bán cho Việt Nam những trang bị vũ khí đời mới lợi hại chuyên dùng cho xung đột tại Biển Đông với mức ưu đãi lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Cuối năm 2011, loạt máy bay chiến đấu Su sẽ hoàn tất giao hàng. Cuối năm 2013, ngoài các tàu ngầm lớp Kilo, những vũ khí đời mới lợi hại này sẽ bước đầu hình thành sức chiến đấu. Nga và Ấn Độ đang phụ trách việc đào tạo sĩ quan cho các tàu ngầm này.

Thái độ can thiệp của Mỹ là nhằm tăng cường trao đổi qua lại với ASEAN, Nhật Bản và Úc, còn việc ủng hộ ASEAN thì vẫn xoay quanh đồng minh truyền thống là Philippines, việc ủng hộ một số quốc gia khác như Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ dừng lại trên bề mặt ngoại giao. Còn Nga thì nâng đỡ Việt Nam bằng hành động thực tế. Hiện nay, Nga ngoài mặt vẫn giữ thái độ tươi cười với Trung Quốc, trong ngoại giao thì “nói ý cay bằng lời ngọt”, trong hành động thì chỉ làm không nói. Việc này giống như “con vịt đạp nước”, trên mặt nước thì dường như không có động tĩnh gì nhưng dưới nước lại dùng võ chân.
a
Tàu chiến hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Liên bang Nga cập cảng Tiên Sa trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 5/2011

Theo diễn biến tình hình Biển Đông hiện nay, một khi Việt Nam và Trung Quốc xảy ra một trận hải chiến thì toàn bộ vũ khí sắc bén mà quân đội VN sử dụng là của Nga chứ không phải của Mỹ.
{iarelatednews articleid='11132,11015,10904,10785,10649,10490,10387,10302,10299,10207,10182,10048,9931,9820,9761,9784,9713,9686'}
Hải Hà (tổng hợp)