Điều kỳ diệu ở "tọa độ đói"

17/06/2011 22:44
(GDVN) - Ven bìa rừng, hàng chục túp lều cỏ được những học trò người Thái, Mông, Mường… dựng lên làm nơi ăn ngủ và phục vụ một nhu cầu là được học.
Ven bìa rừng, hàng chục túp lều cỏ được những học trò người Thái, Mông, Mường… dựng lên làm nơi ăn ngủ. Những căn lều cỏ dựng lên chỉ để phục vụ một nhu cầu là được đến trường đi học. Ở cái nơi mà nghèo đói vẫn còn ngoan cố bám riết lấy đời sống người dân không chịu buông tha thì hành động dựng lều lán làm nơi ăn ở để được học chữ của những học sinh nghèo nơi đây quả là một kỳ tích.
{iarelatednews articleid='3120,2487,1405,840,255'}
Nghèo như Mường Lát
Mường Lát nghèo, Mường Lát đói, Mường Lát khó khăn - điều đó không sai mà còn phản ánh chính xác thực tại ở huyện biên giới giáp Lào này ở Thanh Hóa. Ấy vậy mà điều khiến tôi sực sự ngỡ ngàng trong lần đến với huyện nghèo biên giới Mường Lát lại là nỗi khát vọng được đi học của học sinh nơi đây. Ở Thanh Hóa, Mường Lát vẫn được dùng trong cụm từ “Đói nghèo như Mường Lát”. Mà đúng là đói thật, nghèo thật.
Học sinh Mường Lát phải dựng lều ven bìa rừng để được đi học
Học sinh Mường Lát phải dựng lều ven bìa rừng để được đi học
Nghèo đói không bởi người ta không chịu làm ăn mà bởi thiên nhiên quá khắc nghiệt. Mùa nắng nóng, cái nóng của những cơn gió Lào có thể tát cạn các con suối, kéo tụt mực nước ngầm trong lòng đất đi mất hút. Trong điều kiện đó thì nước ăn còn thiếu chứ đừng nói gì đến nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nắng nóng làm héo quắt queo những nếp rẫy, nương ngô đang xanh mơn mởn. Cây trồng cứ sắp đến lúc cho thu hoạch lại bị nắng nóng vắt hết nước, khô đến mức gia súc cũng chẳng buồn ăn.
Cả vạt đồi chỉ toàn màu vàng cháy của cây trồng đã khô cong. Nắng nóng đã vậy, đến cái lạnh cũng tàn ác không thua kém. Năm nào cũng thế, mùa rét đến là trâu, bò, lợn, gà… của đồng bào lại lăn đùng ra chết vì thời tiết quá lạnh.
Trên núi cao, cái lạnh như có điều kiện tác oai tác quái hơn. Giữa đại ngàn heo hút cái lạnh căm căm được sự hỗ trợ “vô tư” của sương mù, mưa phùn, gió núi… khiến cái lạnh giá trên núi thật khủng khiếp. Trong cái lạnh thấu tim gan đó con người trụ lại được cũng đã là may mắn lắm rồi chứ đừng nói gì đến vật nuôi sinh đàn đẻ nái. Và mỗi mùa lạnh đi qua, trâu bò Nhà nước cấp cho đồng bào lại hao hụt đi đáng kể. 
Thời tiết đã khắc nghiệt, địa hình lại cũng hiểm trở, đi lại khó khăn vô ngần. Cứ mỗi khi mùa bão đến Mường Lát lại phải đối mặt với nỗi lo bị cô lập. Lũ về, nước suối, nước sông như con ngựa bất kham, chúng gầm thét rồi quật gãy tan những cây cầu yếu ớt. Có những đợt mưa cả tháng khiến sạt lở núi xảy ra khắp nơi.
Cả nửa quả núi nằm vật ra đường giao thông khiến Mường Lát bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Chẳng thế mà vào tháng 7/2010 khi biết cơn bão mạnh có thể đổ bộ vào Thanh Hóa, UBND tỉnh này lập tức kí quyết định hỗ trợ và vận chuyển khẩn cấp 35 tấn gạo lên Mường Lát.
Đây là số gạo cứu đói khẩn cấp khi trường hợp địa phương này bị cô lập bất ngờ. Khó khăn còn bởi Mường Lát là huyện có 34 nghìn dân (trong đó người Mông chiếm 42%) nhưng diện tích đất cấy lúa nước chỉ vỏn vẹn có 560 ha. Có xã như Mường Lý với hơn 4000 dân (chủ yếu là đồng bào Mông) nhưng cũng chỉ có khoảng 10ha đất nông nghiệp để trồng lúa. Thế nên, năm nào Mường Lát cũng đối diện với cái đói trên diện rộng, năm nào Nhà nước cũng phải hỗ trợ gạo cho đồng bào nơi đây.
Nhưng ham học lạ thường
Những tưởng rằng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cái nghèo, cái đói trong đời sống người dân ở Mường Lát sẽ hủy diệt luôn mong ước đến trường của trẻ nhỏ. Nhưng chính ở cái nơi nghèo đói xếp vào hàng bậc nhất Việt Nam này thì học trò lại ham tới trường đến kỳ lạ.
Để được học chữ ọc sinh ở mường lát phải đối mặt với vô vàn khó khăn
Để được học chữ ọc sinh ở mường lát phải đối mặt với vô vàn khó khăn
Tôi dừng chân trước Trường THCS xã Mường Lý (huyện Mường Lát) sau gần một ngày luồn lách trong rừng, ngược miền tây Thanh Hóa. Trường THCS xã Mường Lý (huyện Mường Lát) nằm ở lưng chừng đồi, bao quanh là những dãy núi cao. Cách đó không xa, ngay bên bìa rừng tôi đếm được có hơn 20 túp lều cỏ nằm san sát nhau.
Đây là những túp lều do học sinh của trường dựng lên làm nơi ăn ở để đi học. Mỗi căn lều rộng khoảng 3 – 5m2, vách được làm bằng những cây nứa đạp dập mà đan lại với nhau, mái lều lợp bằng lá cọ, có vài cái được lợp bằng tấm bạt nhựa. Cạnh một vài túp lều, luống rau cải, rau rừng đang phun phún đâm chồi xanh, nhú khỏi mặt đất.
Thường thì có khoảng 2 đến 4 học sinh ở chung trong một lều. Dù đều là người của xã Mường Lý nhưng do ở các bản cách xa trường có khi đến gần 30 km nên các em phải dựng lều gần trường làm nơi trọ học. 
Những ngày ở Mường Lát chúng tôi nhận ra việc học sinh dựng lều trọ học ở xã Mường Lý không phải là cá biệt. Ngay như ở trung tâm huyện Mường Lát, hay như ở xã Trung Lý thì cũng có rất nhiều học sinh phải dựng lều lán ở ven rừng, ven trường để thỏa cơn khát chữ.
Ở đây, dù mới chỉ xét ở cấp học THCS thì muốn được đến trường học sinh ở bản Sài Khao, Trung Thắng... phải vượt qua 30km đường đèo, núi. Còn nếu muốn học bậc THPT các em phải vượt qua quảng đường 70 – 80 km. Địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn vì thế các em phải dựng lều cỏ ven rừng làm nơi ăn ở để đi học.
Lách qua tấm phên cửa, buớc vào một túp lều cỏ tôi gặp ba học sinh. Ở một góc lều một bếp lửa đang cháy, trên bếp là nồi cơm đang sôi dở. Các em cho biết mỗi căn lều thường khi dựng lên phải có người lớn trong nhà đến giúp đỡ.
Một căn lều làm khoảng một tuần là xong. Giường ngủ là các thân cây được gép sát nhau, sau đó trải lá cây, lợp tấm chăn mỏng lên để nằm. Giường là nơi ngủ cũng vừa là nơi học tập, sinh hoạt. Thao Văn Pó, đồng chủ nhân của căn lều thật thà trả lời tôi “ở tạm thế này vào mùa lạnh lắm chứ, nhưng đốt lửa lên thì cũng đỡ, một buổi đi học, một buổi vào rừng kiếm củi về đốt lửa nấu cơm.” Nhìn vào mâm cơm của các em mà ái ngại, thức ăn vẻn vẹn hai món là măng rừng và cuống lá đu đủ.
Trong một căn lều ở vị trí cao nhất trên sườn đồi, vừa nấu bữa cơm chiều em Triệu Văn Lộ (người dân tộc Mông) ở xã Pù Nhi cho biết nhà em chỉ cách trường học khoảng 7km nhưng đó là cả một thách thức cho việc học chữ của em khi phải vượt nhiều đèo cao, suối sâu nếu muốn đến trường. Làm lều ở lại trọ học sẽ tiện hơn nhiều.
Lộ cùng với Thao Văn Sái (ở bản Pá Hộc, xã Nghi Sơn, cách xa trường THPT 20km) và Hơ Văn Poóng (ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý, cách trường THPT 70km) ở chung một lều. Ngoài gạo ăn mang ở nhà đi, mỗi tuần các em góp 15.000 – 20.000 đồng để mua thức ăn, chi phí tiền dầu thắp sáng, muối ăn, xà phòng... Em Thao Văn Sái, người dân tộc Mông ở bản Nà Hìn, xã Mường Chanh cho biết nhà em có hai anh em đi học thì cả hai đều ở lều, một buổi Sái đến trường buổi còn lại thì tranh thủ vào rừng lấy củi để đun bếp, lấy được nhiều thì mang xuống chợ bán lấy tiền mua thức ăn. Thỉnh thoảng Sái cùng mấy người bạn lại mang chài xuống suối đánh cá về cải thiện bữa ăn đạm bạc.
Đem câu chuyện về lều trọ học của học sinh Mường Lát làm tâm điểm cho cuộc trao đổi giữa chúng tôi và Hiệu trưởng trường THPT Mường Lát - thầy Đoàn Ngọc Thanh cho biết: Việc dựng lều để trọ học là việc làm tự động của các em học sinh, góp phần đảm bảo cho quá trình theo học không ngắt quãng của các em. Năm 2005 được sự hỗ trợ của một tổ chức phi chính phủ của CHLB Đức với số tiền 4,54 tỉ đồng, một “Làng học sinh” đã được khởi công xây dựng cạnh trường THPT Mường Lát.
Làng gồm 30 căn nhà nhỏ, xây dựng theo kiến trúc nhà sàn, nằm liền kề nhau. Học sinh vào ở chỉ phải đóng tiền điện sinh hoạt mà không phải đóng bất cứ khoản phí nào khác. Tuy nhiên hiện nay Làng học sinh đang bị xuống cấp. Tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt, mái nhà thì dột nên học sinh ở đây trong điều kiện mưa gió là rất nguy hiểm.
Rời Mường Lát hình ảnh về cái đói không còn ám ảnh chúng tôi mà nghị lực vượt khó học tập của học sinh nơi đây khiến tôi phải khâm phục. Có lẽ các em đã ý thức được một điều rằng chỉ có học tập mới là hướng đi giúp Mường lát sớm thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Hàm Rồng