Đoàn kết ASEAN trước âm mưu “chia để trị” của Trung Quốc

19/06/2011 00:03
Hành động của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã có những dấu hiệu phản ứng ngược với Trung Quốc.
Hành động của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cản trở hoạt động hợp pháp của tàu Bình Minh 02 và Viking II đã có những dấu hiệu phản ứng ngược đối với chính Trung Quốc.
Từ các phân tích trên mặt báo cho đến phát ngôn của các cơ quan quốc phòng - an ninh các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều chỉ trích mạnh mẽ hành động của Trung Quốc là đi ngược lại những cam kết mà họ đã ký kết và xem thường luật pháp quốc tế.
Những phản ứng của cộng đồng quốc tế cho thấy chính nghĩa đang đứng về Việt Nam. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải tranh thủ sự ủng hộ này của các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam phải mạnh dạn đột phá để tạo ra thế trận liên kết chặt chẽ, nhất là với các nước trong khu vực Đông Nam Á để ngăn chặn mưu đồ biến “biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc”.
Chống âm mưu “bẻ gãy từng chiếc đũa”
Đàm phán song phương và không quốc tế hóa là sự tính toán nhất quán của Trung Quốc trong khi giải quyết với tất cả các nước có liên quan đến vấn đề tranh chấp biển Đông. Nếu chúng ta đồng tình với cách làm này, không ít thì nhiều cũng là mắc mưu họ.
Tuy nhiên, phải thấy rằng tạo sự thống nhất cao độ của ASEAN trong việc đối phó với mưu đồ của Trung Quốc ở biển Đông là không dễ. Mục tiêu cấp bách lúc này là làm cho khối ASEAN, nhất là một số nước có liên quan trực tiếp đến tranh chấp trên biển Đông, thấy rõ Việt Nam không có tham vọng tranh chấp với họ. Muốn vậy có thể giải quyết thỏa đáng bằng sự mềm dẻo, thông cảm lẫn nhau trước nguy cơ lớn - mất tất cả. Điều đó sẽ làm cho họ thấy thiện chí của Việt Nam và cùng tập trung sức đối phó với ý đồ nuốt trọn biển Đông của Trung Quốc.
Các nước ASEAN  và nhất là các nước có liên quan về biển Đông xích lại gần nhau trong vấn đề đa phương hóa sẽ buộc Trung Quốc phải xem xét để điều chỉnh lại hành động của mình trong vấn đề biển Đông. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các quan chức tại Hội nghị Asean 2010 tại Hà Nội. Ảnh:CTV

Các nước ASEAN và nhất là các nước có liên quan về biển Đông
xích lại gần nhau trong vấn đề đa phương hóa sẽ buộc Trung Quốc
phải xem xét để điều chỉnh lại hành động của mình trong vấn đề
biển Đông. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các quan
chức tại Hội nghị Asean 2010 tại Hà Nội. Ảnh:CTV

Các nước trong khối phải làm sao cùng nhau tránh được âm mưu “chia để trị”, “bẻ gãy từng chiếc đũa” tiến tới thôn tính toàn bộ biển Đông của Trung Quốc. Phải làm sao không để dẫn đến tình trạng “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”... Muốn làm được điều này, chúng ta cần cố gắng có những hành động phối hợp trong khối, nhất là giữa các nước có liên quan, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, không thỏa thuận, thống nhất vì lợi ích của nhau. Chúng ta nên chủ động, có những cố gắng bước đầu về vấn đề phối hợp hành động, cùng ra sức xây dựng lòng tin và sự đoàn kết trong khối.
Nếu ASEAN và nhất là các nước có liên quan về biển Đông làm được những điều nói trên, chắc chắn Trung Quốc sẽ không thể tự do hành động. Cứ thử nhìn phản ứng của các nước trong những hội nghị ASEAN gần đây, chúng ta thấy những khả năng trên đây là có thể. Trước sự leo thang gây hấn của Trung Quốc, các nước ASEAN đang xích lại gần nhau trong vấn đề đa phương hóa và điều đó buộc Trung Quốc phải xem xét để điều chỉnh lại hành động của mình.
Công khai chỉ có lợi
Trong thời gian qua, việc công khai các vấn đề có liên quan đến tình hình tranh chấp trên biển Đông đã cho thấy điều này chỉ có lợi cho chúng ta.  Nhất là việc công khai những hàng động ngang ngược của Trung Quốc mới đây ở hai sự kiện tàu Bình Minh 02 và tàu Viking II đã giúp người dân trong nước đoàn kết hơn và dư luận quốc tế dần đứng về phía mình. Chỉ có công khai hóa vấn đề ta mới tranh thủ được sự đồng tình, thông cảm của đồng bào trong và ngoài nước cũng như dư luận quốc tế.
Chúng ta cũng cần khôn khéo quốc tế hóa vấn đề biển Đông bằng nhiều con đường, trong đó phải coi trọng diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Đồng thời cần chủ động tìm hiểu và sẵn sàng biểu thị sự đồng tình với các nước nếu thấy họ hợp lý, đúng đắn trong các tranh chấp hiện nay trên biển với Trung Quốc. Chúng ta không lợi dụng họ để làm đối trọng với Trung Quốc nhưng cũng phải linh hoạt trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng sâu hơn.
Hơn bao giờ hết, chúng ta phải thấy biển Đông vừa là một vấn đề đối ngoại lớn mà cũng vừa là một vấn đề đối nội lớn. Về đối ngoại, phải kiên quyết giương cao ngọn cờ chính nghĩa, học tập cha ông trong hành xử, ứng đối với Trung Quốc: thông minh, khôn khéo nhưng luôn giữ vững lập trường trước những vấn đề nguyên tắc, không “cứng rắn” quá mức nhưng cũng không “yếu đuối” trước mọi áp lực của họ, khi cần thì cả dân tộc dám đứng lên… Chúng ta cũng luôn trân trọng và tranh thủ tối đa mọi sự đồng tình, giúp đỡ, ủng hộ của thế giới.
Cũng cần nhấn mạnh đây là vấn đề của cả dân tộc, kể cả người Việt ở nước ngoài chứ không phải là của một số người nào đó. Phải nâng cao lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc của mỗi người dân ở trong và ngoài nước, nhất là với thế hệ thanh thiếu niên. Phải tôn trọng quyền được hiểu biết vấn đề của dân và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ.
Việt Nam phản đối Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc
Ngày 17-6, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Đại sứ Việt Nam Lê Lương Minh đã lên tiếng phản đối Trung Quốc có những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Đại sứ Lê Lương Minh lên tiếng phản đối Trung Quốc tại Hội nghị thường niên các nước thành viên Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), từ ngày 14 đến 17-6.
Đại sứ Việt Nam tố cáo Trung Quốc cho phép các tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc cắt và gây rối dây cáp của hai tàu thăm dò địa chấn thuộc Công ty PetroVietnam đang hoạt động trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông và cho rằng hành động này vi phạm trắng trợn chủ quyền biển của Việt Nam. Đại sứ Lê Lương Minh cũng lên án và bác bỏ cái gọi là bản đồ “đường lưỡi bò” chín đoạn của Trung Quốc trên biển Đông.
Đại sứ Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền biển của Việt Nam và thực hiên nghiêm chỉnh UNCLOS 1982. Đại sứ khẳng định Việt Nam kiên trì giải quyết bất đồng biển Đông bằng giải pháp hòa bình thông qua đối thoại đa phương giữa các bên trên cơ sở UNCLOS 1982, DOC và các công ước quốc tế khác liên quan.
TTXVN
DƯƠNG DANH DY (Nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu)/Pháp luật TPHCM