Dự kiến thí điểm phố đi bộ quanh hồ Gươm

08/06/2011 00:24
Ý tưởng biến các tuyến phố quanh khu vực Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thành phố đi bộ đang nhận được sự quan tâm và cả nhiều nghi ngại của người dân.
Ý tưởng biến các tuyến phố quanh khu vực Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thành phố đi bộ đang nhận được sự quan tâm và cả nhiều nghi ngại trong đông đảo người dân Hà Nội.
Theo thông báo từ ngành công an và giao thông vận tải Hà Nội, trong khoảng 1-2 tháng tới, việc thí điểm cấm xe sẽ được thực hiện trên các phố quanh Hồ Gươm và phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân vào hai ngày cuối tuần. Các cơ quan chức năng cũng sẽ nghiên cứu thiết lập vành đai gửi xe ở phía ngoài các khu vực này cho người dân, cán bộ nhân viên, du khách… có thể gửi xe và đi bộ vào phía trong.
Cấm xe, đi bộ ở khu vực Hồ Gươm và phố cổ sẽ đem nhiều điều hay nhưng không được gây ra sự bất tiện. Ảnh chụp tại phố Hàng Đào.
Cấm xe, đi bộ ở khu vực Hồ Gươm và phố cổ sẽ đem nhiều điều
hay nhưng không được gây ra sự bất tiện. Ảnh chụp tại phố Hàng Đào.
Ý tưởng khả thi
Về mong muốn “đi bộ hoá” khu vực quanh Hồ Gươm và khu phố cổ, Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào cho rằng ý định này là hoàn toàn khả thi. 2 năm trước, KTS Hào cùng đồng sự cũng đã giành giải cao nhất tại một cuộc thi ý tưởng quy hoạch khu vực Hồ Gươm của Hội KTS VN.
Theo KTS Hoàng Thúc Hào, để thực hiện ý tưởng này, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng chứ không chỉ riêng hai ngành công an và giao thông thành phố.
Theo đó, bên cạnh việc thiết lập hệ thống bến xe buýt, điểm đỗ như ở vườn hoa Nhà Chung, phố Hai Bà Trưng, phía Nhà hát Lớn, phố Trần Quang Khải, tháp nước Hàng Đậu…, quanh Hồ Gươm cũng cần được tăng phần “thịt” là hè đường, đất trồng cây, công viên để tăng màu xanh và không gian cho các hoạt động văn hoá, thể thao, lịch sử… nhân các sự kiện của Hà Nội và đất nước.
KTS Hào giải thích: “Vì quanh đây vốn là nơi diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện mà không gian có phần chật hẹp, nên phải tạo được chuỗi liên hoàn, liên kết các khoảng không gian, diện tích còn rời rạc để có thể phân tán lượng người”.
Theo ý tưởng của KTS Hào, có thể nối liền khu tượng đài Lý Thái Tổ, khu trước đền Ngọc Sơn, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục… để trong tương lai, đây sẽ là nơi lý tưởng cho các triển lãm, hoạt động nghệ thuật, ngoài trời, phục vụ tốt cho nhu cầu tham quan, tham dự của công chúng, bình thường sẽ là nơi đi bộ thuận tiện và hài hoà với thiên nhiên.
Làm không đơn giản
Việc thí điểm có thể thực hiện trong 1-2 tháng, và chỉ vào cuối tuần, nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc này phải được nghiên cứu, chuẩn bị thật kỹ bởi nhu cầu, thói quen và lưu lượng giao thông ở khu vực quanh Hồ Gươm và khu phố cổ là rất lớn.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc lo ngại: Cán bộ, nhân viên những cơ quan quanh Hồ Gươm sẽ gửi xe vào đâu, sẽ đi bao xa để tới công sở? Lại còn các đối tác, đơn vị khác đến liên hệ, giao dịch nữa. Nếu nhân số phương tiện với tiền gửi xe tương ứng hàng ngày thì quả là con số khổng lồ. Ông Phúc nói: “Chỉ riêng tuyến phố Đồng Xuân, Hàng Đào thì còn có thể làm được chứ quanh Hồ Gươm thì khó lắm!”.
Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Giang Quân cũng cho rằng chỉ nên làm ở một vài phố như Hàng Đào, Đồng Xuân, về sau có thể thêm Đinh Liệt, Hàng Buồm… chứ không nên làm cả. Hãy cứ thí điểm ít một thôi! Ông Quân cũng đặt vấn đề tổ chức đi bộ trong phố cổ thì phải tăng cường nội dung hoạt động văn hoá nghệ thuật, du lịch… chứ chỉ đi bộ không thì cũng dừng ở việc hạn chế khói bụi và ùn tắc thôi.
PGS Trần Lâm Biền cho rằng nếu việc cấm xe, tổ chức phố đi bộ làm được thì các di tích, di sản sẽ có điều kiện được tôn tạo... Tuy nhiên, với vai trò quan trọng của giao thông trong khu vực, theo PGS, trước mắt chưa làm được: “Nếu mở được những con đường bao quanh thay thế thì mới có thể cấm xe phía trong. Chứ cấm ở đây thì áp lực dồn lên các điểm khác sẽ trở nên càng khó giải quyết”.
Ông Nguyễn Đức Xuân (ngõ 94 Hàng Bạc):
Tôi năm nay đã 80 tuổi, bệnh tật liên miên, nếu đến lúc cần gọi xe cấp cứu thì xe có được vào nhà tôi? Nếu biến khu vực này thành phố đi bộ, các cơ quan chức năng cần phải lưu ý đến những nhu cầu thiết yếu của dân chúng.
Anh Nguyễn Tuấn (phố Hàng Thùng):
Nói là cấm xe để hình thành tuyến phố đi bộ, người ở nơi khác thì thấy vui thích lắm, nhưng người dân trong khu phố cổ chúng tôi sẽ gửi xe ôtô, xe máy ở đâu? Nhà nước có hỗ trợ cho chúng tôi tiền ấy không?
Chị Lê Thanh Nhàn (phố Hàng Khoai):
Nhà tôi có cửa hàng kinh doanh đồ điện máy gia dụng, nghe nói có ý tưởng cấm đường để đi bộ mà chúng tôi phát hoảng. Bình thường xe ôtô giao hàng vào đến tận cửa, giờ nếu cấm không cho xe vào thì chúng tôi phải làm sao? Thuê người khiêng vác hàng vào hay sao? Nói chung là quá bất tiện.
Theo NTNN