GS Nguyễn Minh Thuyết nói về "thảm họa" điểm thi môn lịch sử

01/08/2011 00:15
(GDVN)-"Không loại trừ hiện tượng nhiều học sinh chỉ vì không thi được vào khối nào mà chỉ chọn khối C như là một giải pháp tình thế", GS Thuyết nhận định.

(GDVN) - “Cần phải khảo sát xem những học sinh bị điểm kém, thực chất lực học của các em ở PTTH như thế nào? Nếu như chúng ta cứ tiếp tục để cho những học sinh PTTH chỉ có một con đường duy nhất là phấn đấu vào đại học, vào bất kỳ trường nào, bất kể ngành học nào, bất biết mình có hợp hay không thì hiện tượng này không thể nào chấm dứt được…”, GS-TSKH Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Bàn về “thảm họa” điểm thi môn lịch sử quá thấp, nhiều trường ĐH có trên 98% bài thi môn sử dưới điểm trung bình, thậm chí có trường chỉ một thí sinh đạt điểm trung bình môn sử, GS-TSKH Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Đây là hiện tượng đáng báo động.

Người viết sách cũng “kêu”?

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Để đánh giá đúng nguyên nhân của tình trạng này thì cần phải có một cuộc khảo sát nghiêm túc. Trước hết, phải xem những học sinh thi khối C trong đó có bao nhiêu % có khả năng về khối C và yêu thích các môn khối C. Phải xem những em bị điểm 0 này học như thế nào? Không loại trừ hiện tượng nhiều học sinh chỉ vì không thi được vào khối nào mà chỉ chọn khối C như là một giải pháp tình thế, cầu may.

GS-TSKH Nguyễn Minh Thuyết
GS-TSKH Nguyễn Minh Thuyết
Hơn nữa, đánh giá lại việc giảng dạy các môn học này ở các trường học hiện nay như thế nào, phương pháp, nội dung, chất lượng giáo viên…Ở đây trên thực tế môn lịch sử cũng là một môn bị “kêu ca” nhiều hơn cả.
Chính bản thân những người viết sách cũng là những người “kêu” nhiều, chê nhiều. Họ cho rằng, sách lịch sử chủ yếu viết nặng về chuyện miêu tả, diễn biến các sự kiện, cung cấp các số liệu, viết nặng về những sự kiện chiến trang, cách mạng và nhẹ về các sự kiện kinh tế, văn hóa…Chính bản thân các tác giả cũng “kêu” thế thì cần phải xem lại xem nội dung nó có hấp dẫn được học sinh hay không?".

“Tôi cũng rất là ngạc nhiên khi tiếp xúc với các tác giả, chính những tác giải viết sách lại “kêu”, thậm chí là chủ biên, là chủ tịch hội đồng thẩm định cũng kêu thế thì cũng không hiểu được. Chỗ này cần xem xét lại, thực ra nội dung để dạy học trong trương trình giảng dạy ở các trường THPT hiện nay có thể nó có những phần hơi khô cứng, không hấp dẫn học sinh”, GS Thuyết tâm sự.

GS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra một ví dụ: “Nếu như việc viết về lịch sử mà chúng ta chỉ đưa ra những cuộc chiến tranh thì nó cũng chưa được hợp lý. Mặc dù lịch sử của nước mình chủ yếu là lịch sử về các cuộc chiến tranh, chiến đấu chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc, đấu tranh cách mạng để dành độc lập tự do cho nhân dân.

Bên cạnh đó cũng cần phải dạy cho học sinh biết về lịch sử phát triển kinh tế, văn hóa ở các thời kỳ diễn ra như thế nào… Bản thân kết quả nghiên cứu của nước ta về kết quả phát triển kinh tế, văn hóa qua các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử chưa phải là nhiều và sâu sắc, thậm chí còn thiếu, chưa đạt được kết quả. Giới ngiên cứu mà chưa làm tốt thì rất khó cho những người viết sách để đưa các sự kiện đó vào giáo trình…”.

Thực tế học tập khác nhiều lắm


Cũng ông Nguyễn Minh Thuyết, căn cốt nhất trong việc truyền tải kiến thức lịch sử cho học sinh, để học sinh yêu thích môn học trên thực tế khác trên lý thuyết rất nhiều. "Tất cả những chuyện này, báo chí đã nói nhiều. Theo tôi cần phải đánh giá một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng xem hiện nay chúng ta đang dạy như thế nào? Có những người đã đưa ra những sáng kiến là phải cho học sinh đi thăm quan bảo tàng, thăm quan các di tích lịch sử… ".

"Dung lượng của môn lịch sử rất ít (chỉ khoảng 2 tiết/tuần -PV) thế thì làm sao mà bố trí được thời gian đi tham quan được? Hơn nữa việc đi thực tế là rất khó, bởi vì nó sẽ không đảm bảo được chương trình học tập, hai là kinh phí để đưa các em đi. Đối với các học sinh ở các thành phố lớn có điều kiện thì có thể thực hiện được, nhưng đối với những học sinh ở nông thôn thì việc này là rất khó thực hiện”._GS Thuyết đánh giá.

Hiện nay Bộ GDDT cũng đã phát động phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực, trong đó cũng đưa ra một số những phương pháp như là: nhà trường gắn bó, chăm sóc các di tích lịch sử cách mạng…Nhưng thực ra việc này triển khai ở mỗi một địa phương khác nhau cũng chỉ có những di tích lịch sử nhất định, chỉ tăng sự gắn bó của các em với quê hương ở mức độ nhất định. Chứ còn nếu để nói giáo dục một cách toàn diện thì chưa hẳn".

Đánh giá về việc học sinh chọn học những ngành về KHTN mà ít chọn những ngành về KHXH, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Cần phải nhìn nhận một thực tế, việc các bạn học sinh, sinh viên chọn những ngành về kinh tế, về KHTN là rất hợp thời, bởi học những ngành ấy ra trường dễ kiếm được công ăn việc làm và dễ phát triển. Còn những ngành KH cơ bản nói chung, khó khăn hơn khi xin việc, thu nhập thấp và khó phát triển. Để cân đối nhân lực trong các lĩnh vực lao động khác nhau thì nhà nước vẫn cần đào tạo sinh viên ở trong những lĩnh vực này.

"Muốn như vậy thì cũng chỉ nên đào tạo ít và đi vào chiều sâu chất lượng. Đồng thời đối với các ngành này, cần có sự hỗ trợ của nhà nước, bởi vì đối với những môn khoa học cơ bản, nhất là ở lĩnh vực KHXH nhân văn, nếu như đào tao được một chuyên gia giỏi, người ta có thể hoạch định được chính sách, mà khi chúng ta có một chính sách đúng thì tác động của nó vô cùng to lớn".

GS Thuyết đưa ra ví dụ: Trước khoán 10, KHTN của chúng ta vẫn tìm ra được những giống mới, giống có năng xuất cao, đầu tư vào sản xuất…Nhưng mà ta vẫn là nước nghèo đói, nhưng từ khi có Nghị quyết Trung ương đề ra chính sách khoán 10, tự nhiên thay đổi hẳn về chất và lượng. Từ một nước nghèo đói trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên TG.

Học lệch, cần điều chỉnh bằng chính sách lớn.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Ở cấp học THCS thì chưa biểu hiện rõ về việc học lệch, những khi lên đến THPT thì hiện tượng này thể hiện rõ. Học sinh chỉ chú ý đến học những môn mà mình sẽ thi đại học, sao nhãng những môn khác. Nhà trường cũng chỉ tập trung vào dạy các môn đi thi ĐH. Đây là vấn đề cần phải được điều chình bằng chính sách lớn.

“Chúng ta cần phải tính xem học sinh ở nước ta, cần phải học bao nhiêu năm để có một kiến thức phổ thông căn bản để có thể bước vào đời được? Như tôi được biết, ngay cả những nước tiên tiên, người ta cũng tính vào khoảng 9 năm. Tức là chỉ học hết THCS, sau đó các em có thể học tiếp lên để đi vào đại học, hoặc cũng có thể chuyển sang học những trường nghề…”_GS Thuyết cho biết.

GS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra một ví dụ ở Canada. Học sinh chỉ học 9 năm, sau đó, những học sinh nào muốn học lên đại học thì họ học thêm 2 năm tập trung vào các môn học để thi, những năm đó là dự bị đại học. Ngành giáo dục cũng cần xem lại việc phân luồng học sinh của mình thực hiện đã đúng chưa?

"Có một thời gian, có người cho rằng thế hệ học sinh, sinh viên, bạn trẻ bây giờ thông minh, nhanh nhẹn, có đầu óc kinh tế, nhưng mà ít có lý tưởng, ít quan tâm đến đất nước. Nhưng qua theo dõi trong thời gian qua và những việc làm các bạn trẻ đã và đang làm thì tôi thấy điều này không hẳn thế. Trái lại các bạn trẻ bây giờ có những cách thể hiện tình yêu đất nước bằng nhiều cách khác nhau. Các bạn trẻ không hề kém các thế hệ trước. Thanh niên Việt Nam luôn luôn gắn bó với tổ quốc.

Nhưng có một điều, quả thật nếu các bạn không quan tâm đến các môn KHXHNV, ít quan tâm đến lịch sử, địa lý thì sẽ bị thiệt thòi rất nhiều. Nhận thức của họ về trách nhiệm đối với tổ quốc và đất nước cũng sẽ không thể sâu sắc. Thế hệ trẻ trau dồi kiên thức lịch sử, địa lý, quan tâm đến những kiến thức xã hội nói chung và các kiến thức lịch sử địa lý nói riêng sẽ biết quý trọng những giá trị mà ông cha ta đã gây dựng, đấu tranh, bảo vệ và để lại cho chúng ta….”, GS Thuyết nhấn mạnh.

{iarelatednews articleid='411,5476,3673,8138,8853,8701,8652,8258,8243,8033,6343,8127'}

Tư Khương

alt