Gặp người viết truyện thơ dài nhất về Bác Hồ

19/05/2011 00:29
(GDVN) - Đã bao năm ròng ông lang thang trên từng miền quê nước Việt, lần theo những nơi mà Bác Hồ đã đi qua, rồi sưu tập cả một kho tài liệu viết về Bác...
(GDVN) - Đã bao năm ròng ông lang thang trên từng miền quê nước Việt, lần theo những nơi mà Bác Hồ đã đi qua, rồi sưu tập cả một kho tài liệu viết về Bác, để rồi thức trắng bao đêm và viết ra 3654 câu thơ về Bác Hồ vĩ đại bằng tấm lòng mộc mạc, chân thành. Với tập truyện thơ có tựa đề “Từ làng sen”, ông trở thành người đầu tiên viết truyện thơ dài nhất về Bác Hồ, trong đó ghi lại tất cả cuộc đời của một vĩ nhân. Ông là nhà thơ Nguyễn Gia Ninh, ở Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội.
Một lần gặp Bác Hồ...
... Đó là năm 1962 tại trường Trung cấp Nông lâm. Lúc đó ông khoảng 13 tuổi. Vào một buổi tối trước hôm Bác đến, ông theo đám thanh niên đến trường Trung cấp Nông lâm để xem cải lương, tối hôm đó trời bỗng đổ mưa to, ông chui vào một góc trong giao thông hào tránh mưa rồi ngủ luôn ở đó. Buổi sáng thức giậy, ông nghe tiếng reo hò của đám đông “Bác Hồ! Bác Hồ!” ông vội chạy ra khỏi giao thông hào hòa mình vào đám trẻ con và chạy theo Bác.
Người thi sỹ đồng quê vẫn từng ngày miệt mài viết những vần thơ về bác
Người thi sỹ đồng quê vẫn từng ngày miệt mài viết những vần thơ về bác
Dù đã gần 50 năm trôi qua, nhưng Nguyễn Gia Ninh vẫn nhớ như in những cảm xúc ban đầu khi gặp Bác. Lúc đó, Bác mặc một bộ quần áo nâu gụ trông giản dị lắm, râu Bác bạc phơ. Khi nhìn thấy Bác, đám trẻ con hớn hở chạy theo, đứa nào cũng muốn được Bác xoa đầu và bế trên tay. Trong giây phút đó, bỗng trong lòng Nguyễn Gia Ninh dâng lên một cảm xúc dào dạt, khó tả. Cũng từ đó, ý tưởng về những vần thơ viết về Bác được manh nha.
Năm 1965 Nguyễn Gia Ninh lên đường đánh giặc và luôn đau đáu mơ ước gặp Bác thêm một lần nữa. Mơ ước của ông chưa trở thành hiện thực thì năm 1969 Bác mất, nghe tin ấy, trong ông dồn lên những cảm xúc thương mến, xót đau người lãnh tụ vĩ đại. Từ đó ý tưởng về việc sáng tác một tập thơ dài về Bác cứ thôi thúc ông mãnh liệt. Những cảm xúc ấy theo Nguyễn Gia Ninh đến suốt mãi sau này.
Theo dấu chân Người
Để viết được tập thơ dài nhất về Hồ Chủ tịch, người thi sĩ đồng quê Nguyễn Gia Ninh đã bao năm lặn lội đến những miền quê nơi mà trước đây Bác Hồ đã từng đặt chân qua. Đầu tiên, ông đến Nghệ An thăm nơi chôn nhau cắt rốn của Bác, ông lại sống ở đây suốt mấy tháng liền, nghe bà con xứ Nghệ kể lại những câu chuyện về dòng họ Nguyễn, về truyền thống hiếu học và trí thông minh ít người sánh bằng của cậu bé Nguyễn Sinh Cung.
Nhìn dải đất Miền Trung triền miên cát trắng, cằn bạc hanh khô khiến cho Nguyễn Gia Ninh càng cảm sự học và ý chí vươn lên của Hồ Chủ tịch cũng như những con người nơi Miền Trung chỉ có nắng và gió. Cũng từ mảnh đất khô cằn này, đã tạo niềm cảm hứng cho người thi sĩ quê mùa  Gia Ninh sáng tác những câu thơ đầu tiên về Bác.
Sau những ngày dài ở lại nơi xứ Nghệ, ông đến bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác đưa bước chân huyền thoại lên tàu viễn dương đi tìm đường cứu nước. Rồi ông lại vượt núi băng ngàn, đến các vùng quê Việt Bắc một thời là nơi che dấu Hồ Chủ tịch và nghĩa quân cách mạng, thăm nơi Người đặt chân từ nước ngoài về và tiếp tục lãnh đạo cách mạng chống lại cường thù. Trong suốt nhiều năm liền, từ 1986 hầu như ông đã đặt chân đến những miền đất nơi mà trước đây Bác đã từng đi qua, đi đến đâu ông cũng nghe người dân kể chuyện về Bác, từ chuyện ăn uống hàng ngày, cho đến chuyện về chống giặc ngoại xâm như thế nào... và ông bỗng trở thành người ghi chép những câu chuyện lịch sử liên quan đến Hồ Chủ tịch.
Những tư liệu mà ông thu thập được trong quá trình điền dã vẫn còn chưa đủ, trong khi thời gian Bác hoạt động ở nước ngoài lại rất dài, mà ông không thể đi các nước, đến những nơi bác đã từng đặt chân qua như ở Việt Nam được. Vậy là ông lại rong chiếc xe đạp cà tàng ra khắp các hiệu sách ở nội, ngoại ô thành phố Hà Nội để tìm mua sách viết về cuộc đời và con người Hồ Chí Minh để đọc.
Việc sưu tầm tìm hiểu những tài liệu về con người Hồ Chủ tịch theo ông Ninh là rất nhanh và bổ ích, khi mua được bất kỳ cuốn sách nào viết về Bác ông cũng thường thức đêm để đọc, đọc rồi mới hiểu về những hành động của Bác, rồi lại tìm cách chuyển thể từ thể loại văn xuôi sang thơ, làm sao cho bình dân dễ đọc, dễ nghe nhất. Qua nhiều năm sưu tầm sách, đến nay Nguyễn Gia Ninh đã có cả “kho sách viết về Hồ Chí Minh”. Ông Ninh cho rằng, hiện nay có nhiều sách viết vầ Hồ Chủ tịch với những thái độ và chính kiến khác nhau. Tuy nhiên tựu chung lại thì thấy Bác vẫn luôn là ngọn cờ đầu và là ánh dương để dẫn dắt cả dân tộc thoát khỏi xiềng gông, nô lệ, tìm đến với hạnh phúc, ấm no.
Những vần thơ về Bác
Toàn bộ cuộc đời và con người của Hồ Chủ tịch đã được thi sỹ đồng quê Nguyễn Gia Ninh chuyển thể thành thể thơ lục bát. Với thể thơ truyền thống của dân tộc, ông đã tạo ra sự gắn bó thân thương của một thị hiếu thẩm mỹ truyền thống về thơ và âm hưởng hiện đại, khiến cho người đọc dù trẻ hay già đều cảm thấy dễ đọc, dễ đi vào lòng người, đồng thời thu lượm được những hiểu biết về con người và cuộc đời của Hồ Chủ tịch.
Đúng như tiêu đề “từ làng sen”, tập trường ca nói về cuộc đời Nguyễn Ái Quốc bắt đầu từ một miền đất cằn cỗi nhưng đầy sức mạnh kết hợp với cách kể giầu tính truyền thống: “ Làng Sen có tự ngày xưa/khai sinh lập địa còn thưa thớt người/có dòng họ Nguyễn đến rồi”. Cứ như thế mạch thơ đều đều xuôi theo cuộc đời của Bác, cùng những lúc gian truân khi thì bị giặc truy sát, khi tìm đường về với nước non.
Qua những vần thơ chân quê ấy, người ta thấy được tầm vóc của một con người vĩ đại - Hồ Chí Minh, và một tấm lòng của người thi sỹ. Đọc những vần thơ của Nguyễn Gia Ninh, chúng tôi thấy ông như nghẹn ngào òa rơi nước mắt, khiến người đọc cũng như nghẹn lời.
“Miền Nam chưa kịp đón về
Ngoài này Bác đã hôn mê mất rồi
Thèm câu ví dặm đưa nôi
Ước ao nghe tiếng quê thôi cũng đành
Thay câu quan họ buông mành
Sụt sùi nấc hát bậm vành môi đau
Cả đời nào có gì đâu”
Thảo Nguyên