Hà Nội: Sự mất tích bí hiểm của đứa trẻ bị đẻ rơi trong nhà tạm giữ

29/06/2011 23:35
(GDVN)-"Tôi bị tạm giữ hình sự và đẻ rơi ngay trong nhà tạm giữ của Công an. Chỉ sau một đêm đứa con đã bị mất tích", chị Lê Thị L (Mê Linh, Hà Nội) kể lại

(GDVN) - Trong khi bị tạm giữ hình sự ở Công an huyện Đông Anh, chị Lê Thị L (SN 1987, trú tại huyện Mê Linh, TP Hà Nội) đã đẻ rơi ngay trong nhà tạm giữ mà không nhận được sự giúp đỡ nào. Người đỡ đẻ cho chị L chính là cô chị dâu (lúc này cũng đang mang thai tháng thứ 6). Và chỉ sau một đêm ở trong bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh, đứa con rứt ruột đẻ ra đã biến mất không một dấu tích... Câu chuyện hy hữu này đã xảy ra tại huyện Đông Anh - TP Hà Nội).

{iarelatednews articleid='1837,304,5698,5619,5147,4216,4204,3997,3928'}

Tạm giữ hai bà bầu 

Dù đã nhiều tháng trôi qua, đến nay người dân tại miền quê nghèo của huyện Mê Linh, Hà Nội vẫn chưa hết bàn tán về câu chuyện đau lòng của gia đình nhà ông Lê Xuân Lượng và bà Nguyễn Thị Lăng. Theo họ, cô con gái của ông bà là chị Lê Thị L đã bị “lừa tình”, lại còn bị người ta "vu vạ" cho tội cướp tài sản, bị bắt giữ và phải đẻ rơi ngay trong nhà tạm giữ. Chỉ sau một đêm ở bệnh viện, đứa con mới sinh ra cũng bị mất tích một cách khó hiểu.
 

Bà Nguyễn Thị Lăng đang cùng Lâm nhớ lại câu chuyện đau lòng đã xảy ra
Bà Nguyễn Thị Lăng đang cùng L nhớ lại câu chuyện đau lòng
đã xảy ra

Ngày 27/6, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có mặt tại gia đình nhà ông Lượng. Lúc này chỉ có bà Lăng ở nhà để chăm sóc cho Lâm, còn ông Lượng vẫn đang phải đi làm xa nhà. Bà Lăng cho biết: “Ông nhà tôi đi làm thuê xa nhà quanh năm suốt tháng, sau khi sự việc xảy ra việc bị tố cáo cướp tài sản và L tìm về đến nhà, cháu nó chỉ lủi thủi ở trong nhà, lúc tỉnh, lúc mê vì nhớ thương con…”.

Kỳ thực, ngay chính bản thân bà Lăng cũng không biết tường tận câu chuyện của đứa con gái mình đã xảy ra như thế nào. Bà chỉ biết rằng con bà đã có thai với anh Quang nào đó làm cùng và sau đó thì con gái bà bị Công an bắt; nó đã đẻ rơi đứa con trong nhà giam và đứa trẻ đột nhiên… mất tích không thể nào tìm thấy nữa.  

Phải cố gắng lắm, L mới nhớ lại được vài chi tiết của sự việc: Năm 2010, L làm công nhân hợp đồng tại một nhà máy gạch ở bên huyện Đông Anh. Trong quá trình làm việc, L có quen và quan hệ với anh Trần Văn Q, sinh năm 1976 (thường trú tại tổ 35, thị trấn Đông Anh), cũng là công nhân lái máy tại nhà máy gạch - nơi L công tác. Q đã có vợ.

Theo lời L kể: L đã có thai với anh Q, đến thời gian chuẩn bị sinh con, L đã nhiều lần tìm gặp anh Q và nói với Q về việc phải có trách nhiệm với cái thai trong bụng mình. Nhưng anh Q đã lẩn tránh trách nhiệm.

Không nhận được sự giúp đỡ của người yêu, L đã về nhà nói chuyện với bố mẹ và anh em trong gia đình. Sau khi nghe L kể lại sự việc, mọi người trong gia đình L rất bức xúc. Vì thương hại L và trách Q “vô tình”, ngày mùng 2 Tết Tân Mão, các anh chị em của L đã kéo đến nhà anh Q nói chuyện phải trái và đòi anh Quang phải có trách nhiệm với đứa con trong bụng L. 

Sau khi nghe hai bên nói chuyện, vợ chồng anh Q và chị Nguyễn Thị H (vợ Q) đã đồng ý xin bồi thường chiếc xe máy mang biểm kiểm soát 38P1-9416 cùng 2 chiếc điện thoại và viết giấy bán tài sản cho Lâm toàn quyền sử dụng (có trao chìa khóa, giấy đăng ký xe).

Ngày hôm sau, ông Lê Xuân Lượng (bố đẻ của L) đi làm xa về nhà, phát hiện ra sự việc, đã bắt các con của ông phải đem trả lại số tài sản trên cho gia đình anh Quang.

Ngày 12/2/2011, gia đình anh Q có mời L và ông Nguyễn Văn Ninh (thông gia với ông Lượng) cùng đến nhà Q ký hòa giải. Trong thời gian đôi bên đang ký hòa giải thì Công an ập đến bắt L vào nhà tạm giữ của Công an huyện Đông Anh cùng với Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1988) là chị dâu của L. Lúc này L đang mang thai và sắp đến ngày sinh, Hà cũng đang mang trong mình bào thai 6 tháng tuổi.

Sự mất tích khó hiểu của đứa trẻ sơ sinh

Ngay trong buổi chiều ngày 27/6, Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm gặp Nguyễn Thị Hà (là chị dâu của L), Hà là người cùng bị bắt và chứng kiến cảnh L sinh con trong trại tạm giam. Hiện tại, Hà mới sinh đứa con được hơn 1 tháng và đang về ở nhà bố mẹ đẻ.
 

Nguyễn Thị Hà (là chị râu của Lâm) đã tự tay đỡ đẻ cho Lâm trong nhà tạm giam
Nguyễn Thị Hà đã tự tay đỡ đẻ cho L trong nhà
tạm giam
Hà nhớ lại, “Lúc L mang bầu đến tháng gần sinh, L về kể chuyện với mọi người trong gia đình rằng: Có biết và chơi với anh Q ở cùng công ty, có vài lần anh Q đến nhà trọ của L chơi. Hôm đó đã hơn 12 giờ, anh Q đến gọi cửa tìm L, nhưng L nói đã muộn rồi và bảo anh Q về. Nhưng anh Q nhất quyết không về và tìm cách vào phòng L…”.

Chị Hà cho biết: Trong lúc mọi người kéo lên nhà anh Q để nói chuyện phải trái thì chị cũng đi theo. Hôm vợ chồng anh Q gọi L lên ký hòa giải thì chị cũng có mặt, nhưng đến đó chưa ai kịp nói gì thì đã bị Công an ập vào bắt giữ.

Khi bị bắt vào nhà tạm giữ của Công an huyện Đông Anh, L đã gần đến ngày sinh tháng đẻ nên người rất yếu, lúc đó chị Hà cũng đang "vật vã" với bụng bầu tháng thứ 6.

"Tôi và L được ở cùng một phòng. Đến đêm thứ 3 thì L kêu đau bụng, tôi đã cầu cứu những người ở đó nhưng không nhận được sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Sau những cơn đau đẻ quằn quại thì L kêu lên: “Chắc em sắp đẻ rồi…”.

Tình thế đó khiến cho hai chị em đều bụng mang dạ chửa không biết phải xoay xở thế nào. Sau khi cầu cứu nhưng không ai đến giúp đỡ, tôi đành phải đặt L lên bệ xi măng và đỡ đẻ cho em chồng. 

Lúc đó mọi người ở đó biết sự việc nhưng chẳng ai đến để giúp đỡ cả. Đang là tháng 2 âm lịch nên nhiệt độ trong nhà tạm giữ rất lạnh, L đã phải vật vã với những cơn đau còn tôi thì lóng ngóng chẳng biết phải làm như thế nào. Hai chị em vật lộn giữa cái sông và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc....sau khi đỡ đẻ cho L, tôi phải cởi áo và quần của mình ra để bọc cho đứa bé đủ ấm. 

Một lúc sau mới thấy có người vào sơ cứu và chăm sóc cho đứa trẻ rồi đưa L đi bệnh viện. Tôi xin được đi cùng để chăm sóc cho L nhưng không được. Còn sau đó họ cũng bế đứa trẻ đi đâu cũng không ai biết… Nhớ lại mà tôi vẫn thấy rùng mình, đêm đó Hà Nội lạnh cắt da cắt thịt. Phải đặt đỡ đứa bé trên bệ xi măng lạnh lẽo..”, Hà rấm rức khó kể lại.

Được biết, đến thời điểm hiện tại chị L vẫn chưa có tung tích gì về đứa con của mình.

Các trường hợp có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam được qui định tại điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự bao gồm: 

1.Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây: 

a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;

b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

2.Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây: 

a) Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;

b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;

c) Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đông Anh kể lại về ca cấp cứu sản phụ "có một không hai" ngay trong nhà tạm giữ của cơ quan công an và giải thích về sự mất tích của đứa trẻ... Mời bạn đọc theo dõi thông tin trong bài tiếp theo. 

(Còn nữa)

Tư Khương