Kiểm ngư sẽ được trang bị vũ khí quân dụng

19/08/2011 23:09
Đưa chế định kiểm ngư vào luật để bảo vệ ngư trường, ngư dân và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Đưa chế định kiểm ngư vào luật để bảo vệ ngư trường, ngư dân và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Kiểm ngư VN sẽ chủ trì phối hợp với các ngành kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo thẩm quyền. Hỗ trợ ngư dân, tham gia công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Lực lượng này sẽ được trang bị vũ khí quân dụng, trang thiết bị hiện đại để phục vụ công việc tuần tra trên biển.
Những nội dung trên được mang ra lấy ý kiến để đưa vào Luật Thủy sản sửa đổi, bổ sung tại Hội nghị định hướng dự án Luật Thủy sản sửa đổi, bổ sung chiều 19-8 tại Bộ NN&PTNT.
Cấp bách có kiểm ngư
Theo Thanh tra Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), ở nhiều vùng biển xa bờ đang có tình trạng tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm vào vùng biển nước ta. Trong khi đó hoạt động khai thác của ngư dân VN trên các vùng biển đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên có sự va chạm, đụng độ với tàu nước ngoài. Nhiều chi cục địa phương phát hiện các vi phạm nhưng không thể xử lý được do không đủ lực lượng và không có thẩm quyền. Thanh tra sở lại không đủ lực lượng có kiến thức chuyên ngành, trang thiết bị để tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Có kiểm ngư, ngư dân sẽ an tâm hơn khi ra khơi đánh bắt thủy sản. Ảnh: CTV
Có kiểm ngư, ngư dân sẽ an tâm hơn khi ra khơi đánh bắt thủy sản. 
Ông Lưu Văn Huy, Chánh Thanh tra Tổng cục Thủy sản, cho biết việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát dân sự các hoạt động nghề cá ở các vùng biển của VN lâu nay còn hạn chế. Tổng cục Thủy sản giúp bộ trưởng quản lý nhà nước về thủy sản tại các vùng biển xa bờ nhưng không có lực lượng và phương tiện để kiểm tra. Việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động đánh bắt xa bờ bị bỏ ngỏ, tạo điều kiện cho các tàu nước ngoài vào vùng biển của VN để khai thác hải sản, vi phạm chủ quyền quốc gia. Cạnh đó, hoạt động của thanh tra thủy sản không thống nhất, mỗi địa phương có cách tổ chức và hoạt động khác nhau gây nên tình trạng chồng chéo giữa các đơn vị.
“Xây dựng Kiểm ngư VN là điều cấp bách hiện nay. Kiểm ngư ra đời sẽ là lực lượng có chức năng tham mưu cho chính quyền các cấp, bảo đảm thi hành pháp luật về thủy sản, đồng thời là lực lượng nòng cốt tổ chức, hướng dẫn ngư dân bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đặc biệt là trong chủ trương “dân sự hóa” ở các vùng biển nhạy cảm mà không thể có sự hiện diện của các lực lượng vũ trang” - ông Huy nói.
Trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ hiện đại
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, đề án Xây dựng lực lượng Kiểm ngư VN đến năm 2020 và đề xuất đưa chế định “kiểm ngư” vào Luật Thủy sản sửa đổi, bổ sung sẽ được trình Quốc hội. Riêng việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản, cũng như đưa cơ cấu, hoạt động của kiểm ngư thành một chương trong Luật Thủy sản phụ thuộc vào chương trình nghị sự của Quốc hội, dự kiến đến năm 2013-2014 mới đưa ra thông qua tại Quốc hội khóa 13.
Trước mắt, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị và được Thủ tướng đồng ý, xin chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập lực lượng Kiểm ngư VN. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết đề án Xây dựng lực lượng Kiểm ngư VN đã được trình lên Thủ tướng, về cơ bản Thủ tướng đồng ý với kế hoạch của Bộ NN&PTNT, chỉ chờ phê duyệt.
Dự kiến Kiểm ngư VN sẽ có chức năng đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên biển, thi hành pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản… Bên cạnh đó, lực lượng kiểm ngư sẽ có trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ công việc kiểm tra, kiểm soát trên biển. Ngoài ra, kiểm ngư có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết cho việc kiểm tra, kiểm soát trên biển. Xử phạt vi phạm hành chính, được sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ…
Theo ông Trần Phúc Đình, Phó Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, lực lượng kiểm ngư ra đời sẽ có quy mô lớn, được trang bị hiện đại để phù hợp với yêu cầu mới về kiểm soát trên biển hiện nay. Mô hình kiểm ngư sẽ được tổ chức như lực lượng kiểm lâm.
Hiện lực lượng thanh tra thủy sản ở 28 tỉnh, thành ven biển có 243 nhân viên với hơn 90 tàu, xuồng, canô phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá với tổng công suất của đội tàu khoảng 21.000 CV và chỉ hoạt động ở tuyến bờ. Hầu hết các phương tiện này được đóng cách đây 10 năm, chủ yếu là cải tiến từ tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần. Hiện Bộ NN&PTNT chỉ có hai tàu để phục vụ cho công tác kiểm tra trên biển của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoạt động vùng vịnh Bắc Bộ.
Tuy nhiên, hai tàu này lại không thuộc biên chế của thanh tra thủy sản, hoạt động chủ yếu là theo dõi, phát hiện, lập biên bản vi phạm để phối hợp với lực lượng biên phòng, cảnh sát biển xử lý vi phạm hành chính hoặc xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải chứ không có bất kỳ thẩm quyền xử lý nào.
{iarelatednews articleid='10598,10060,10037,9508,8631,7443,6992,6321,6130,6000,5692,4931,4928,4634,4380,4364,4337,3862'}
Theo TRÀ PHƯƠNG/Pháp luật TPHCM