Mức thu thuế của Việt Nam đang cao nhất châu Á

06/08/2011 00:28
Kiến nghị kéo dài thời gian hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp và làm rõ đối tượng doanh nghiệp được hưởng chính sách này để tránh lạm dụng.
Kiến nghị kéo dài thời gian hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp và làm rõ đối tượng doanh nghiệp được hưởng chính sách này để tránh lạm dụng.
Sáng 5-8, QH thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009 và việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011.
Theo tờ trình của Chính phủ, người có mức chịu thuế TNCN ở bậc 1 được đề xuất miễn thuế trong năm tháng. Ảnh minh họa: HTD
Theo tờ trình của Chính phủ, người có mức chịu thuế TNCN ở bậc 1
được đề xuất miễn thuế trong năm tháng. Ảnh minh họa: HTD
Nên kéo dài thời gian hỗ trợ DN
Giảm thuế cho thu nhập vãng lai
Kể từ ngày 19-9, những khoản thu nhập vãng lai từ 1 triệu đồng/lần mới bị khấu trừ thuế TNCN, thay cho mức từ 500.000 đồng/lần như hiện hành. Đây là nội dung quan trọng Thông tư 113 vừa được Bộ Tài chính ban hành ngày 5-8.
Thông tư nêu rõ: Các đơn vị chi trả tiền thu nhập mà có tổng mức trả thu nhập từ 1 triệu đồng/lần trở lên thì thực hiện khấu trừ thuế trước khi trả thu nhập. Cụ thể: Khấu trừ 10% trên thu nhập trả đối với cá nhân có mã số thuế và 20% đối với cá nhân không có mã số thuế.
Trường hợp cá nhân có thu nhập không đến 48 triệu đồng/năm nếu độc thân hoặc dưới 67,2 triệu đồng/năm nếu có một người phụ thuộc được giảm trừ đủ 12 tháng hoặc dưới 86,4 triệu đồng/năm nếu có hai người phụ thuộc được giảm trừ đủ 12 tháng... thì phải làm cam kết gửi đơn vị chi trả để tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.
Tờ trình của Chính phủ đề nghị giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp trong năm 2011 đối với một số đối tượng DN. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) kiến nghị Chính phủ chuẩn bị một chương trình để tháo gỡ khó khăn cho DN những tháng cuối năm và gộp luôn cả cho năm 2012. “Nếu chúng ta giới hạn còn lại chỉ có 3-4 tháng nữa thì tôi sợ là tác động của nó không lớn, thậm chí có một số việc chúng ta không kịp làm” - ông Nghĩa nói. Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cũng đề nghị kéo dài chính sách này sang tháng 6-2012 để “tăng sức lan tỏa”.
Theo tờ trình của Chính phủ, DN được xem xét miễn, giảm thuế lần này là những DN sử dụng nhiều lao động trong các ngành gia công, may mặc, da giày, cơ khí, điện tử… và “các DN quan trọng khác”. Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) bình luận quy định đối tượng như vậy là quá rộng, dễ dẫn đến tùy tiện nên nghị quyết của QH cần “chốt” rõ đối tượng được miễn, giảm thuế là những DN trong một số ngành rất cụ thể.
Đồng tình, ông Nghĩa cho rằng ngoài yếu tố “nhiều lao động” cũng cần quy định thêm những điều kiện khác, vì “nhiều lao động nhưng không có khó khăn gì cả thì cũng không rơi vào diện miễn, giảm”. “Tôi không thấy giải pháp hỗ trợ cho các DN nông nghiệp và nông dân. Tôi cho rằng cứu cánh hiện nay để chống lạm phát và thậm chí để nền kinh tế của chúng ta khôi phục chống lại những biến động của thị trường là nông nghiệp, nông thôn và DN nhỏ và vừa hết sức quan trọng...” - ông Nghĩa nói thêm.
Cân nhắc việc hỗ trợ gián tiếp
Tờ trình của Chính phủ cũng đề nghị giảm 50% mức khoán thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ quý III-2011 đến hết năm 2011 đối với hộ gia đình, cá nhân cho công nhân, sinh viên thuê phòng trọ, trông giữ trẻ, cung cấp suất ăn với điều kiện không tăng giá so với cuối năm 2010. Ngoài ra, Chính phủ đề xuất miễn thuế cổ tức, miễn thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán đến hết năm 2012; miễn thuế TNCN từ ngày 1-8-2011 đến hết ngày 31-12-2011 đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh của cá nhân có mức thu nhập đến mức phải chịu thuế ở bậc một.
Thảo luận về nội dung này, đa số các đại biểu đều đồng tình với việc miễn thuế liên quan đến thị trường chứng khoán. Trong khi đó, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc thêm đối với đề xuất miễn, giảm thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập chịu thuế ở bậc một và cá nhân, hộ kinh doanh phòng trọ, trông giữ trẻ, cung cấp suất ăn.
“Việc giảm thuế khoán 50% cho các chủ trọ, cơm bình dân... là không khả thi. Ta giảm thuế thì có thể người ta không tăng giá nhưng chất lượng bữa ăn làm sao đi kiểm soát được, bộ máy nào đi làm chuyện này? Rồi tiền phòng trọ đã lỡ tăng rồi, nay có giảm xuống hay không cũng không ai kiểm tra được. Tôi cho rằng việc hỗ trợ gián tiếp cho công nhân và học sinh, sinh viên theo cách này thì không hiệu quả” - đại biểu Đào Tấn Lộc (Phú Yên) lo ngại.
Ở một khía cạnh khác, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) đưa ra nhận định, “thu thuế của chúng ta đang cao nhất châu Á”. Bà Yến dẫn chứng tỉ lệ thu thuế trên GDP của Việt Nam hiện nay chiếm 20,3% GDP cả nước, trong khi tỉ lệ này ở Trung Quốc là 17,7%, Malaysia 15,7%, Hàn Quốc 15,5%, Thái Lan 14,6%, Philippines 12,8%, Indonesia 11,6%, Ấn Độ 7,4%. “Giải pháp lâu dài, chúng ta cần phải sửa đổi luật thuế sớm để làm sao đẩy thị trường Việt Nam cạnh tranh hơn và thúc đẩy giải phóng được lực kinh doanh của cả nước” - bà Yến kết luận.
Phó Thủ tướng VŨ VĂN NINH: Vừa chống lạm phát, vừa hỗ trợ DN
Có ý kiến nói rằng mức độ miễn, giảm thuế còn nhỏ quá và sức lan tỏa của nó chưa nhiều. Chúng tôi xin báo cáo bối cảnh của năm 2011 rất khác so với năm 2009 cũng như năm 2008. Mục tiêu của Chính phủ chuyển sang ưu tiên tập trung cao độ cho chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Trước bối cảnh vừa phải chống lạm phát, vừa phải giảm tổng cầu nhưng lại vừa phải hỗ trợ một phần cho DN để duy trì sản xuất, Chính phủ đã lựa chọn miễn, giảm thuế có mức độ để hỗ trợ cho DN.
Trước hết về thuế TNDN, nếu giãn thì đây thực chất là khoản hỗ trợ để DN sử dụng nguồn giãn này làm nguồn vốn quay vòng và bớt phải vay ngân hàng với lãi suất cao, đây cũng là gián tiếp cho DN vay vốn.
Vấn đề thứ hai là giảm thuế đối với chứng khoán. Hiện nay, thị trường chứng khoán của chúng ta chưa phát triển. Để thị trường phát triển được cũng cần phải có thời gian…
{iarelatednews articleid='8077,7186,5979,5528,5399,5296,4915,3469,2555,2474'}
Theo Đức Minh - Lê Thanh/Pháp luật TPHCM